EU chính thức cấm nhập khẩu than của Nga, đôi bên cùng khó khăn
Ngày 10/8 vừa qua, Liên minh châu Âu chính thức ban hành lệnh cấm nhập khẩu đối với than của Nga. Đây là một biện pháp nằm trong gói trừng phạt thứ 5 nhắm thẳng vào ngành năng lượng của Moscow sau khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine bắt đầu vào ngày 24/2, theo Reuters,
Trước khi quyết định này có hiệu lực, EU đã có 4 tháng để tìm kiếm các nguồn cung mới, giải pháp thay thế.
Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu cho biết: “Ngày 10/8 là thời điểm kết thúc thời kỳ hạn chế đối với việc nhập khẩu than của Nga và sẽ không có miễn trừ nào khác được áp dụng”.
Các quan chức EU cho biết lệnh cấm sẽ ảnh hưởng nặng nề đến Nga vì khối 27 quốc gia châu Âu là đối tác thương mại than lớn nhất. Khi EU không còn mua than của Nga nữa, nước này có thể thiệt hại doanh thu khoảng 8 tỷ Euro (8,3 tỷ USD) mỗi năm.
Tuy nhiên, bản thân EU cũng sẽ phải vật lộn để thích ứng với lệnh cấm này.
Theo số liệu của Ủy ban châu Âu, Nga là nguồn cung 45% lượng than nhập khẩu cho khối này, trong đó Đức, Ba Lan và Hà Lan là những người mua lớn nhất. Theo tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels, gần 70% than nhiệt được EU sử dụng trong sản xuất điện và sưởi ấm là do Nga cung cấp.
Lệnh cấm than Nga sẽ đặt ra áp lực lớn lên nguồn cung than ở châu Âu, khiến các nước trong khu vực phải xoay sở nguồn cung thay thế giữa lúc đang lao đao vì nguồn cung khí đốt Nga ngày càng cạn kiệt và có nguy cơ suy giảm nghiêm trọng vào mùa đông.
Tờ TVP World cho rằng lệnh cấm của EU được đưa ra trong thời điểm khó khăn khi một số quốc gia như Áo, Hà Lan đang hồi sinh các nhà máy nhiệt điện than cũ hoặc cạnh tranh mở rộng công suất hiện có để tiết kiệm, bù đắp một phần cho khí đốt.
“Việc gom đủ than trong mùa đông này chắc chắn là một thách thức”, ông Alex Thackrah, nhà phân tích cấp cao về than tại công ty nghiên cứu thị trường Argus Media nói.
Nhu cầu than của EU tăng lên là một điềm tốt cho các nhà xuất khẩu như Nam Phi, Indonesia và Colombia. Mới đây, Thungela Resources, nhà sản xuất than nhiệt xuất khẩu hàng đầu Nam Phi thông tin lợi nhuận của ông lớn này sẽ tăng đáng kể theo giá than.
Hưởng lợi từ lệnh cấm đối với than của Nga, lĩnh vực khai thác của Indonesia đã tăng 4,01% trong quý II, cao hơn mức tăng trưởng 3,82% trong quý I.
Người đứng đầu văn phòng thống kê của Indonesia (BPS) Margo Yuwono thông tin: “Khai thác than của Indonesia tăng 4,25% do nhu cầu nước ngoài tăng, đặc biệt là khi châu Âu quyết định cấm sử dụng than của Nga do xung đột Nga-Ukraine”.
Giá than càng cao, áp lực mà các nước EU sẽ phải đối mặt càng lớn. Ông Thackrah. Mark Nugent, một nhà phân tích của công ty môi giới tàu biển Braemar cho biết châu Âu đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ Ấn Độ và Hàn Quốc, những quốc gia đã có thỏa thuận nhập khẩu than từ các nhà cung cấp trên.