Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Căng thẳng tiến độ vì bí vốn
Ảnh minh họa.
Trong khi đó, lãnh đạo Ban QLDA Đường sắt khẳng định: “Ban QLDA Đường sắt vẫn đang quyết liệt chỉ đạo nhà thầu khẩn trương triển khai, thực hiện các hạng mục còn lại, đặc biệt là các hạng mục đường găng ảnh hưởng trực tiếp đến tiên độ vận hành chạy thử. Mặc dù còn khó khăn, nhưng chúng tôi khẳng định lại không lùi các mục tiêu đã đặt ra đối với dự án”.
Chưa chốt được khoản vay 250 triệu USD
Ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT) thông tin, hiện tại, nguồn vốn vay Trung Quốc thông qua Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) để giải ngân cho dự án gồm Hiệp định tín dụng ưu đãi bên mua cần được gia hạn và Hiệp định ưu đãi bổ sung cần được ký kết vẫn đang được các cơ quan phía Việt Nam và Trung Quốc đàm phán để ký kết chính thức.
“Việc chưa ký kết được gia hạn 1 Hiệp định và ký bổ sung 1 Hiệp định chắc chắn tác động đến tiến độ thực hiện dự án. Hiện chúng tôi đang chỉ đạo Tổng thầu và các đơn vị thầu phụ huy động nguồn lực tài chính tự có để thực hiện, tuy nhiên cũng gặp rất nhiều khó khăn. Quá trình đàm phán hiện cũng được các bộ, ngành giúp đỡ. Chúng tôi hy vọng sẽ giải quyết xong gia hạn Khoản vay ưu đãi bên mua và Khoản vay bổ sung trước cuối tháng 3 này, từ đó có điều kiện giải ngân đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công”, ông Lê Kim Thành nhìn nhận.
Tuy vậy, việc thúc đẩy Hiệp định ký kết bổ sung nguồn vốn vay từ China Eximbank còn phụ thuộc rất nhiều vào bộ, ngành của Việt Nam và đặc biệt là đối tác từ phía Trung Quốc, nên cuối tháng 3 này khó có thể đạt được thỏa thuận. Bởi, số vốn hơn 250 triệu USD tăng thêm cho dự án này đã được thống nhất cách đây hơn 4 năm, nhưng đơn vị cho vay là China Eximbank dường như vẫn chưa thông qua.
658 nhân sự phục vụ 13km đường sắt đô thị
Thông tin thêm về một số vấn đề liên quan đến nhân sự phục vụ sau khi dự án hoàn thành, ông Lê Kim Thành cho biết, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông với chiều dài 13km sẽ cần 658 nhân sự để phục vụ, trong đó có 55 lái tàu. Lý giải về điều này, lãnh đạo Ban QLDA Đường sắt cho rằng, tuyến đường sắt đô thị khi đưa vào khai thác sẽ phục vụ hành khách tới 18 tiếng/ngày, tương đương khoảng 2,5 ca chứ không phải chỉ 1 ca như các công việc hành chính thông thường.
Liên quan đến một số chi tiết về đoàn tàu thực tế so với đoàn tàu mẫu đã trưng bày lấy ý kiến trước đó, ông Lê Kim Thành cho biết, đoàn tàu thực tế đã tiếp thu và chỉnh sửa cho phù hợp. “Sau khi tổng hợp ý kiến của người dân và các chuyên gia, UBND TP Hà Nội, Bộ GTVT đã tổ chức họp với Tổng thầu, đồng thời có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực đầu máy toa xe để thống nhất phương án nội thất, ngoại thất đoàn tàu”, ông Lê Kim Thành thông tin.
Cụ thể, đối với ngoại thất đoàn tàu về màu sắc giữ nguyên màu chủ đạo là màu xanh lá cây; đầu tàu, lựa chọn hình dạng đầu tàu phần phía trên (tính từ bộ phận cản trước chống xô) có hình vát, gần với hình dạng khí động học, hiện đại, năng động thường thấy ở các đoàn tàu tốc độ cao; kính chắn gió, kính cửa sổ tối màu, cửa số ấn, tạo dáng vẻ hiện đại, nhanh nhẹn, năng động nhưng vẫn lịch lãm, sang trọng, thích hợp với phong cách, bản sắc văn hóa của Thủ đô văn hiến. Ngoài ra, tăng kích thước của biểu tượng Khuê Văn Các và làm nét chữ Cát Linh - Hà Đông đậm và rõ nét hơn, nổi bật cho tên tuyến.
Còn đối với nội thất đoàn tàu, lắp đặt bổ sung thêm 2 tay nắm trên hàng cột dọc ghế lên thành 8 tay; chuẩn hóa lại toàn bộ nội dung tiếng Anh, tiếng Việt của toàn bộ biển báo, nút bấm điều khiển của lái tàu; tăng số chỗ ngồi ưu tiên từ 1 lên 2 ở mỗi ghế; điều chỉnh bản đồ LED, tăng kích thước đèn báo, đường bản đồ, cờ chữ phía trên cửa ra vào để cho rõ ràng hơn.