|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đường lậu oanh tạc, Mía đường Sơn La 'oằn mình' trả tiền mía cho dân

13:50 | 08/07/2019
Chia sẻ
Dưới áp lực của đường lậu, giá đường thấp, và ngân hàng siết chặt cho vay và hàng tồn kho lớn Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La đang khó khăn trong việc xoay xở để trả tiền mía cho nông dân.

Một nửa sản lượng đường vẫn còn nằm chờ kho

2018 - 2019 tiếp tục là một niên vụ thứ ba liên tiếp ngành đường gặp khó khăn khi giá đường xuống thấp, có thời điểm thậm chí ở dưới mức giá thành sản xuất. Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La (Mã: SLS) cũng không nằm ngoài trong cơn khủng hoảng ngành này.

Nhà máy đường Sơn La những ngày qua vẫn đang chứng kiến lượng đường tồn kho chất đống đang chờ từng ngày để được xuất đi.

Theo ông Nguyễn Văn Tài, Giảm đốc Nhà máy Chế biến đường của Mía đường Sơn La, tính đến thời điểm hiện tại (5/7) tồn kho đường của công ty đã lên tới 40.000 tấn đường, tương đương với 50% tổng lượng đường mà công ty sản xuất được trong niên vụ qua. 

ảnh_Viber_2019-07-08_11-02-10

Ông Nguyễn Văn Tài, Giảm đốc Nhà máy Chế biến đường Mía đường Sơn La. (Ảnh: Đức Quỳnh)

Hiện nay, tình hình tiêu thụ đường rất khó khăn, ngay cả khi Mía đường Sơn La tìm các đối  tác để tiêu thụ đường. Nếu như trước đây sản xuất ra bao nhiêu thì tiêu thụ gần hết bấy nhiêu thì ba năm trở lại, nhà máy chỉ tiêu thụ được khoảng 50% lượng đường sản xuất ra. 

Số đường tồn kho này tương đương với 500 tỉ đồng, bằng với lượng tiền trung bình mà công ty thanh toán cho người nông dân trong một vụ sản xuất.

ảnh_Viber_2019-07-08_11-01-49

Một trong hai kho chứa đường của Mía đường Sơn La. (Ảnh: Đức Quỳnh)

ảnh_Viber_2019-07-08_11-07-28

Những bao đường chất cao từ đầu vụ vì gặp khó trong tiêu thụ. (Ảnh: Đức Quỳnh)

Ông Tài cho biết mặc dù hiện nay giá mía mà Công ty thu mua của nông dân là 800.000 đồng/tấn, người dân vẫn lãi 100.000 - 200.0000 đồng/tấn, đồng thời là mức giá cao nhất nước, nhưng trong ba năm trở lại đây giá thu mua mía liên tục giảm từ 950.000 đồng/tấn (2016 - 2017) xuống 900.000 đồng/tấn (2017 - 2018) và niên vụ năm nay chỉ còn 800.000 đồng/tấn.

"Giá thu mua mía tại ruộng là 800.000 đồng/tấn, cộng thêm các chi phí về vận chuyển đến nhà máy, bốc vác... tổng cộng là 900.000 đồng/tấn. Nếu giá đường vẫn giữ ở mức thấp như hiện nay mà không quản lí tốt, Mía đường Sơn La sẽ lỗ chứ chưa dám nói là hòa vốn.

Tồn kho lớn như hiện nay cũng ảnh hưởng lớn đến nông dân. Nhà máy không tiêu thụ được đường thì lấy đâu ra tiền để trả cho người trồng mía?", ông Tài nói.

Ông Tài cho hay nguyên nhân khó khăn kéo dài trong ba năm qua do đường nhập lậu tràn vào nhiều, gây áp lực lên giá đường trong nước. Bên cạnh đó, có hiện tượng gian lận thương mại tạm nhập đường nhưng không tái xuất mà tiêu thụ ngay trong thị trường nội địa.

Trong báo cáo thương niên 2018, SLS xác định niên vụ 2017-2018 là một năm khó khăn cho ngành đường thế giới nói chung và mía đường Việt Nam nói riêng.

Giá đường trong nước giảm sâu do tình trạng dư cung lớn. Giá bán buôn đường kính trắng RS giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước do áp lực bỏ hạn ngạch nhập khẩu, giảm thuế suất về 5%; áp lực từ đường lậu và đưởng lỏng với thuế suất 0% từ Trung Quốc, Hàn Quốc.

Tuy hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) được gia hạn đến cuối năm 2019 nhưng cũng không giảm được khó khăn cho ngành mía đường trong nước.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Lộc, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Đường Biên Hòa, cho biết rất nhiều nước lớn trong ngành mía đều có chính sách bảo hộ ngành đường bằng các chính sách trợ giá.

Theo đó, 80% giá thành sản xuất đường là từ mía. Trong khi đó, số tiền doanh nghiệp bỏ ra để mua mía được chính phủ các nước hỗ trợ một phần nên dù bán đường với giá rẻ, doanh nghiệp vẫn lãi.

Ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam phải mua mía hoàn toàn bằng tiền của mình nên chi phí bỏ ra để sản xuất mía nhiều hơn. Khi giá mía thế giới thấp, doanh nghiệp phải chịu lỗ.

Theo Báo cáo Tài chính quý III năm tài chính 2018 - 2019, giá bán đường trung bình bán ra của Mía đường Sơn La gần 9.500 đồng/kg, giảm 19% so với cùng kì năm tài chính trước. Như vậy, nếu so với chi phí sản xuất một kg đường là khoảng 10.000 đồng/kg, Công ty đang phải bán lỗ 500 đồng/kg đường.

Áp lực còn trở nên nặng hơn khi nhiều ngân hàng siết cho vay đối với Mía đường Sơn La. Ông Thái Văn Hùng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty, chia sẻ: "Trước đây các ngân hàng đến "năn nỉ" chúng tôi vay vố,n còn giờ thì chúng tôi "năn nỉ" lại họ".

Đường không bán được, ngân hàng siết cho vay, vậy Mía đường Sơn La lấy tiền đâu trả tiền mía cho dân đều đặn hàng tháng mà công ty đã cam kết?

Trả lời vấn đề này, ông Hùng cho biết Công ty huy động tiền từ các cổ đông lớn theo hình thức bán hàng trước để thu tiền về, sau đó cổ đông lớn bán hàng trực tiếp cho các khách hàng. Cách làm này được ông Hùng áp dụng tương tự với Công ty Cổ phần Mía đường Tuy Hòa.

"Trên thực tế, Tuy Hòa vẫn còn tồn kho 15.000 tấn đường nhưng trên sổ sách chỉ tồn 6.000 tấn bởi công ty đã bán trước cho các cổ đông 9.000 tấn với giá chỉ 9.000 đồng/kg. 

Tuy nhiên, hiện nay việc bán hàng của các cổ đông của SLS và Tuy Hòa cũng rất khó khăn khi đường lậu nhập khẩu từ Thái Lan với giá rẻ tràn vào Việt Nam ngày càng nhiều", ông Hùng chia sẻ.

Ông Tài cho biết trong ba năm trở lại đây, lợi nhuận của Mía đường Sơn La giảm mạnh: "Mặc dù công ty đầu tư 1.000 tỉ đồng vào nâng cấp nhà máy hiện đại nhưng cũng không "kéo" lại được những khó khăn mà Công ty đang phải trải qua"

Ảnh chụp Màn hình 2019-07-08 lúc 00

Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của SLS qua các năm. Nguồn: Báo cáo thường niên 2018 của SLS

Trong quý III của năm tài chính 2018 - 2019, lợi nhuận sau thuế của SLS giảm tới 88% xuống còn 5,2 tỉ đồng, đây cũng là quí ghi nhận lợi nhuận thấp nhất kể từ quí IV/2014 của Công ty. Nợ phải trả tính đến 31/3 là gần 800 tỉ đồng.

Ảnh chụp Màn hình 2019-07-08 lúc 00

Nguồn: Giải trình kết quả kinh doanh quý III năm tài chính 2018 - 2019 của SLS

Nông dân chuyển sang cây khác

Theo ông Ngô Văn Lương, Giám đốc Nguyên liệu của Mía đường Sơn La, hiện nay vùng nguyên liệu gặp nhiều khó khăn, nhất là sự cạnh tranh của cây mía với một số cây khác.

"Việc giá thu mua mía giảm trong ba năm gần đây khiến chúng tôi phải đối mặt với rủi ro người dân chuyển sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. 

Trong khi đó, chúng tôi đã đầu tư cho các vùng trồng mía của bà con không hề nhỏ, mà đặc thù của cây này là phải trồng hết chu kì 3 - 4 vụ mới thấy hiệu quả kinh tế", ông Lương nói.

ảnh_Viber_2019-07-08_11-06-12

Vùng trồng mía nguyên liệu của SLS. (Ảnh: Đức Quỳnh)

Theo số liệu mà SLS cung cấp, trong 5 năm qua, công ty đã chi hơn 62 tỉ đồng hỗ trợ cho người dân về chuyển đổi cây trồng, giống, phân, bù giá mía, giá cước.

Một khó khăn khác mà ông Lương đề cập đến đó là việc người dân không tôn trọng hợp đồng: "Khi có tiểu thương đặt vấn đề mua mía với giá cao hơn một chút so với nhà máy, người dân sẵn sàng bán, phá vỡ hợp đồng, mặc dù dù các thương lái chỉ mua với số lượng nhỏ".

Giám đốc nguyên liệu của Mía đường Sơn La cho biết trong vụ tới công ty sẽ kí với nông dân giá thu mua mía bảo hiểm, tối thiểu 800.000 đồng/tấn.

"Mặc dù giá thị trường thấp hơn nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận mua với giá đó để bà con yên tâm sản xuất và bám trụ với cây mía. Thị trường lên, chúng tôi sẽ mua với giá cao hơn, không để mía tồn đọng. Tất cả điểm thu mua dù xa hay gần chúng tôi vẫn để một giá", ông Lương cho biết.

Đức Quỳnh