Dược Hậu Giang lãi 631 tỉ đồng năm 2019, cổ phiếu DHG tăng trần 3 phiên liên tiếp kể từ khi virus corona bùng phát
CTCP Dược Hậu Giang báo cáo kết quả kinh doanh quí IV/2019 không thay đổi nhiều so với cùng kì năm trước với doanh thu thuần tăng 5,5% lên 1.279 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 0,6% lên 204 tỉ đồng.
Cả năm 2019, doanh thu thuần của Dược Hậu Giang đạt 3.897 tỉ đồng, tăng nhẹ so với mức 3.882 tỉ đồng đạt được năm 2018; lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 631,3 tỉ đồng, giảm hơn 3%.
Đây là năm thứ ba Dược Hậu Giang chứng kiến kết quả kinh doanh đi ngang. Với kết quả này, công ty hoàn thành tương ứng được 98,7% kế hoạch doanh thu và 94,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2019.
Trong cơ cấu doanh thu năm 2019 của Dược Hậu Giang, hàng sản xuất đạt 3,275 tỉ đồng, tăng trưởng 3,27% so với cùng kì, hoàn thành 91,9% kế hoạch. Các mặt hàng khác đạt 615 tỉ đồng, giảm 11,1%.
Trong đó, cơ cấu sản phẩm không có nhiều thay đổi so với năm trước đó, với sản phẩm kháng sinh chiếm 38 - 39% tổng doanh thu. Công ty cho biết định hướng trong thời gian tới sẽ giảm các sản phẩm kháng sinh, giảm đau hạ sốt và tập trung phát triển các nhóm hàng mới như thuốc tiểu đường và thần kinh.
Theo IMS, tăng trưởng của ngành dược năm 2019 đối với các doanh nghiệp nội địa là 6 - 7%, thấp hơn so với mức tăng trưởng 8% của năm 2018.
Đánh giá của Công ty chứng khoán BSC, tốc độ tăng trưởng chậm lại do nhu cầu tiêu dùng của người dân chuyển hướng sang kênh bệnh viện và điều trị và các sản phẩm thuốc cũng đang tiến vào giai đoạn bão hòa. BSC cho rằng xu hướng tập trung vào kênh bệnh viện của các doanh nghiệp dược vẫn sẽ duy trì trong các năm tới.
Trong ngắn hạn, BSC kì vọng ngành dược sẽ được hưởng lợi do dịch virus corona đang bùng phát. Tại kênh nhà thuốc, người dân sẽ tăng mạnh chi tiêu nhằm phòng và chữa bệnh, nhất là các sản phẩm thuốc (kháng sinh, hạ sốt), các sản phẩm sát khuẩn, sát trùng trong tình hình dịch bệnh vẫn nghiêm trọng.
Đối với Dược Hậu Giang, BSC cho rằng doanh nghiệp này sẽ được hưởng lợi đáng kể nhờ cơ cấu sản phẩm tập trung vào kháng sinh (chiếm 38 - 39% doanh thu), giảm đau (chiếm 20 - 21% doanh thu) và hệ thống phân phối sâu rộng tại 63 tỉnh thành.
Dược Hậu Giang cho biết sẽ thay đổi chiến lược phát triển kênh bán hàng trong thời gian tới, qua việc mở rộng thị trường xuất khẩu và tập trung kênh phân phối tại bệnh viện. Công ty dự kiến sản lượng qua kênh nhà thuốc sẽ giảm lại, thay vào đó xu hướng chuyển sang kênh điều trị (phòng khám, phòng mạch) và chuỗi siêu thị.