|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dự kiến xuất khẩu tôm đạt 3,8 tỷ USD

17:19 | 04/01/2018
Chia sẻ
Tính tới tháng 11/2017, XK tôm Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2016. Điều này thể hiện sự nỗ lực của các DN trong bối cảnh thị trường diễn biến phức tạp. Hơn nữa, diện tích và sản lượng tôm nuôi trong nước tăng đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Tỷ giá đồng yên, EUR, NDT tệ tăng so với USD cũng hỗ trợ tốt cho XK tôm Việt Nam.
du kien xuat khau tom dat 38 ty usd Thủy sản đạt kỷ lục xuất khẩu mới
du kien xuat khau tom dat 38 ty usd Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, Hà Lan tăng mạnh
du kien xuat khau tom dat 38 ty usd

Nhu cầu NK từ các thị trường tiêu thụ chính (EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...) tăng cao phục vụ nhu cầu các lễ hội cuối năm. Trong khi một số nước đối thủ gặp khó khăn về sản xuất và thị trường XK như việc Thái ngừng NK tôm Ấn Độ ảnh hưởng không chỉ Ấn Độ mà còn làm Thái Lan bị giảm nguồn cung nguyên liệu cho chế biến. Từ tháng 10/2016, Ấn Độ hiện đang chịu tần suất kiểm tra 50% các lô tôm xuất sang EU và có nguy cơ bị EU cấm NK do lo ngại kháng sinh. Sản lượng tôm Thái Lan và Ấn Độ đều dự báo không tăng trong năm nay do dịch bệnh và thời tiết bất lợi. Đây được coi là các yếu tố hỗ trợ đắc lực cho hoạt động XK tôm của Việt Nam trong năm nay.

Tính tới tháng 11/2017, XK tôm sang các thị trường chính đều tăng trưởng tốt trừ Mỹ. Thị trường EU vươn lên vị trí số 1 trong khi Mỹ tụt xuống vị trí thứ 4. Trong số các thị trường NK chính, XK sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhất 60,2%.

Trong cơ cấu các sản phẩm tôm XK, tôm chân trắng chiếm vị trí chủ đạo với tỷ trọng 65,4%; tôm sú chiếm 23%, còn lại là tôm biển với 11,6%. XK các sản phẩm tôm chân trắng và tôm biển tăng trong khi XK các sản phẩm tôm sú giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong các sản phẩm tôm XK, XK tôm biển sống/tươi/đông lạnh (HS 03) tăng trưởng mạnh nhất.

Thị trường EU

Tính tới tháng 11 năm nay, EU vươn lên vị trí dẫn đầu về NK tôm Việt Nam. Giá trị XK sang thị trường này đạt trên 780 triệu USD, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Hà Lan là thị trường NK lớn nhất tôm Việt Nam trong khối EU. Trong 3 thị trường NK chính tôm Việt Nam trong khối EU (Hà Lan, Anh và Đức), XK sang Hà Lan tăng mạnh nhất 70,5% đạt 199,7 triệu USD. Tiếp đó, Anh và Đức lần lượt tăng 54,5% và 5,9%.

Do tôm nước lạnh giá cao và nguồn cung giảm, nhu cầu cao cho các lễ hội cuối năm nên EU tăng cường NK tôm từ Việt Nam.

Có thể nói, năm 2017, tôm Việt Nam thắng lợi tại thị trường EU nhờ tôm Ấn Độ (đối thủ chính của Việt Nam tại EU) bị dính kháng sinh và đối mặt với nguy cơ EU cấm NK nên tôm Việt Nam được lựa chọn thay thế.

Hơn nữa, để được hưởng thuế suất ưu đãi từ EU, DN phải mua tôm nguyên liệu trong nước dù giá cao hơn. Cũng do giá nguyên liệu tôm Việt Nam cao nên các DN đã đầu tư lớn để làm hàng chế biến sâu để gia tăng giá trị khi XK. Tôm Việt Nam có lợi thế được hưởng GSP từ EU mà Thái Lan và Trung Quốc không có.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đang chuẩn bị được ký kết. Khi EVFTA có hiệu lực, thuế XK tôm HS 03061100 sang EU về 0% từ mức hiện tại 12.5%, thuế SP tôm mã HS 03061710 về 0% từ 20% hiện tại; tôm HS 16052110 từ 20% hiện tại điều chỉnh về 0% sau 7 năm từ khi Hiệp định có hiệu lực; tôm HS 16052190 từ 20% về 0% sau 7 năm từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Mỹ

Lũy kế 11 tháng đầu năm 2017, XK sang Mỹ đạt 609,9 triệu USD; giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2016. XK sang Mỹ sụt giảm do thuế chống bán phá giá trong POR11 tăng cao, USD sụt giá do tác động từ các chính sách bảo hộ sản xuất trong nước của Tổng thống Trump.

Bên cạnh đó, Ấn Độ đẩy mạnh XK tôm sang Mỹ để bù đắp sự sụt giảm ở các thị trường chính khác khiến thị phần tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ sụt giảm.

NK tôm của Mỹ trong tháng 10/2017 đạt 68.735 tấn, tăng 17% so với cùng kỳ 2016. 10 tháng đầu năm 2017, NK tôm của Mỹ đạt 539.072 tấn, tăng 10,5% trong đó NK từ Ấn Độ tăng mạnh nhất.

Trung Quốc

XK sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhất trong số các thị trường NK chính của tôm Việt Nam với 60,2% đạt 637,9 triệu USD. Với đà tăng trưởng này, Trung Quốc có khả năng vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường lớn thứ hai của tôm Việt Nam trong quý 1/2018.

Sản lượng sản xuất tôm nội địa Trung Quốc sụt giảm do dịch bệnh và mưa lụt. Nhu cầu trong nước ngày càng tăng do tầng lớp trung lưu và lượng khách du lịch tăng khiến gia tăng nhu cầu tiêu thụ hải sản trong đó có tôm tại các nhà hàng.

Bên cạnh đó, vị trí địa lý thuận lợi, thanh toán tốt, đồng NDT ổn định đã kích thích nhu cầu nhà NK Trung Quốc. Từ 1/12/2017, tôm Việt Nam XK sang Trung Quốc có lợi thế hơn khi Trung Quốc quyết định giảm thuế NK từ 5% xuống 2% đối với sản phẩm tôm đông lạnh.

Xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng cuối cùng của năm 2017 dự báo vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Giá trị XK tôm cả năm ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2016.

Kim Thu