|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dự báo dịch COVID-19 kéo dài nhiều tháng, thậm chí tính bằng năm

22:00 | 12/05/2020
Chia sẻ
Chiều 12/5, TS. Ki dong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, một số chuyên gia quốc tế đã làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về tình hình phòng, chống dịch bệnh tại Việt Nam.
Dự báo dịch COVID-19 kéo dài nhiều tháng, thậm chí tính bằng năm - Ảnh 1.

Ảnh: Đình Nam

Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến nay Việt Nam đã qua 26 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng. Hoạt động giám sát được triển khai đối với các nhóm nguy cơ như người có triệu chứng cảm, cúm, ho, sốt tại cơ sở y tế; những nơi có đông người lao động; khu vực có nguy cơ dịch tễ…

Hiện mỗi ngày Việt Nam xét nghiệm khoảng gần 2.000 mẫu, và đến nay đã có thực hiện xét nghiệm 275.000 mẫu, phát hiện 288 trường hợp nhiễm COVID-19, phần lớn ở trong cơ sở cách ly. Đánh giá dịch tễ học về nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng hiện rất thấp.

Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện giải pháp ngăn chặn triệt để nguồn lây nhiễm bên ngoài. Tất cả các trường hợp nhập cảnh đều phải cách ly tập trung 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 2 lần. 

Hệ thống giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh trong cộng đồng được duy trì để khoanh vùng, dập dịch ngay lập tức. Năng lực ứng phó với đại dịch tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là đội ngũ y tế trong chăm sóc, điều trị người nhiễm COVID-19 ở tất cả các tuyến.

Việt Nam đã chủ động sản xuất nhiều trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế, máy thở, thuốc điều trị… trong nước. Ban Chỉ đạo quốc gia tập trung hoạt động điều phối các ban ngành, tổ chức, lực lượng chính trị, lực lượng phòng, chống dịch.

Chúc mừng các kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, TS. Ki dong Park bày tỏ ấn tượng trước các biện pháp rất nhanh, hiệu quả đã được triển khai thời gian qua. 

“Các bạn nắm bắt thông tin rất nhanh, chia sẻ minh bạch, kịp thời, áp dụng công nghệ thông tin nhanh nhạy, hiệu quả… Tôi muốn dành thời gian phân tích, tổng hợp các bài học, kinh nghiệm phòng, chống dịch của Việt Nam để chia sẻ với cộng đồng quốc tế”, ông Park nói

TS. Ki dong Park cho biết thêm vài ngày trước, nhóm chuyên gia của WHO đã tham gia một cuộc họp kỹ thuật thảo luận về cập nhật hướng dẫn quản lý COVID-19, chiến lược xét nghiệm và trường hợp tử vong của bệnh nhân 251.

“Chúng tôi đã rà soát toàn bộ quá trình nhập viện, điều trị bệnh nhân 251 và xem xét rất kỹ các xét nghiệm làm cho bệnh nhân này với 6 lần liên tiếp âm tính với virus SARS CoV-2. Chúng tôi tin tưởng kết quả hội chẩn chuyên môn của các bác sĩ Việt Nam. 

Các chi tiết đưa ra hoàn toàn logic, không có lý do nào để cho rằng không chính xác. Sự tin tưởng này là kết quả làm quá trình hợp tác, làm việc lâu dài của WHO, các chuyên gia quốc tế với ngành y tế, các phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu dự phòng, dịch tễ tại Việt Nam”, TS. Ki dong Park khẳng định.

Tuy nhiên, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam và một số chuyên gia quốc tế đều nhấn mạnh hiện thế giới vẫn chưa có thuốc đặc hiệu, hay vắc-xin điều trị COVID -19… do vậy, dịch bệnh được dự báo sẽ kéo dài nhiều tháng, thậm chí tính bằng năm. 

Việt Nam vẫn phải ở trong tâm thế hết sức cảnh giác, theo dõi chặt chẽ khi các quốc gia đang phải ứng phó vô cùng vất vả, vẫn hiện hữu nguy cơ có những ca bệnh tại cộng đồng.

Tại cuộc làm việc, Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia cũng đặc biệt lưu ý trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trong thực hiện nghiêm việc cách ly đối với những chuyên gia, lao động kỹ thuật cao tại các cơ sở lưu trú ở địa phương.

Các bộ ngành, địa phương phải thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về xây dựng, ban hành các bộ tiêu chí an toàn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống sinh hoạt hàng ngày… trên tinh thần dịch vẫn còn kéo dài.

Thái Hà

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.