|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dow Jones trải qua phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 3, Nasdaq mất gần 7% trong tháng 9

07:09 | 27/09/2023
Chia sẻ
Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 26/9 khi doanh số bán nhà mới và báo cáo niềm tin người tiêu dùng làm dấy lên lo ngại về của sức khỏe của nền kinh tế Mỹ.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 26/9, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã mất 388 điểm, tương đương 1,14% và tụt xuống 33.618 điểm. Dow Jones vừa trải qua phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2023 cũng như lần đầu tiên đóng cửa dưới mức bình quân trượt 200 ngày (MA 200) kể từ tháng 5.

Dow Jones lần đầu đi xuống dưới đường MA 200 kể từ cuối tháng 5. 

Hai chỉ số chính còn lại cũng trải qua một phiên giao dịch khó khăn. S&P 500 giảm 1,47%, đóng cửa với 4.274 điểm, lần đầu chốt phiên dưới mốc 4.300 kể từ đầu tháng 6. Trong khi đó, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite sụt 1,57%, kết thúc ở mức 13.064 điểm. 

Nasdaq và S&P 500 đều tụt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6. 

Cổ phiếu VinFast (VFS) tiếp tục giảm giá trong phiên hôm qua, mất 8% và tụt xuống còn 12,88 USD/cp. Khối lượng giao dịch đạt 2 triệu đơn vị, thấp hơn so với mức trung bình. Vốn hóa công ty mất gần 3 tỷ USD và tụt xuống còn hơn 30 tỷ USD, đứng vị trí số 16 trong danh sách những hãng xe lớn nhất thế giới. 

Cổ phiếu Amazon đã giảm 4%, mức cao nhất trong nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa siêu lớn, sau khi gã khổng lồ này bị Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đệ đơn kiện chống độc quyền. FTC cáo buộc nhà bán lẻ trực tuyến này giữ giá quá cao và gây tổn hại cho đối thủ. 

Cổ phiếu Amazon tụt giá nhanh trong những phiên gần đây. 

Trong khi đó, dữ liệu về doanh số bán nhà mới tháng 8 đã không như kỳ vọng. Theo Bộ Thương mại Mỹ, trong tháng 8, tổng số nhà đang rao bán là 675.000 căn, giảm 8,7% so với tháng 7. Các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát từng dự đoán con số này đạt 695.000 căn.

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Conference Board đã giảm từ mức 108,7 vào tháng 8 xuống 103 trong tháng 9. Các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát dự đoán chỉ số này chỉ giảm xuống 105,5.

Ngoài ra, chỉ số kỳ vọng của Conference Board cũng giảm xuống 73,7. Chỉ số kỳ vọng dưới ngưỡng 80 thường báo hiệu một cuộc suy thoái trong năm tới. 

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, CEO JPMorgan Chase là ông Jamie Dimon cảnh báo lãi suất có thể cần phải tăng hơn nữa để kìm hãm lạm phát. Bình luận trên đã khiến cổ phiếu ngân hàng đi xuống. SPDR S&P Regional Banking ETF (KRE) mất hơn 1% trong khi cổ phiếu Wells Fargo giảm khoảng 2%, Morgan Stanley tụt 1%. 

Những diễn biến trên khiến thị trường càng thêm giảm điểm trong tháng 9. Tính đến nay, chỉ số Nasdaq Composite đã giảm gần 7%, trong khi S&P 500 và Dow Jones lần lượt mất hơn 5% và 3%. 

 

Một trong số những chất xúc tác đẩy giá cổ phiếu đi xuống trong tháng 9 là việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cảnh báo sẽ có ít đợt cắt giảm lãi suất hơn trong năm tới. Tin tức trên đã kéo lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lên mức đỉnh kể từ năm 2007.

Ông Sam Stovall, chiến lược gia đầu tư trưởng tại CFRA Research, nhận định: “Các nhà đầu tư vẫn đang lo lắng xem sự gia tăng của lợi suất trái phiếu sẽ phản ánh điều gì về nền kinh tế, thị trường chứng khoán, về Fed cũng như giá trị đồng USD”. 

“Tôi nghĩ các nhà đầu tư đang thiếu thông tin rõ ràng và do đó đã quyết định bán ra”, ông cho hay.

Trong tuần này, thị trường cũng đang theo dõi cuộc đàm phán về dự luật chi tiêu ở Washington. Các nhà lập pháp hy vọng có thể ngăn chặn nguy cơ chính phủ Mỹ phải đóng cửa vào ngày 1/10.

Minh Quang