|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao các NHTW đã tăng mạnh lãi suất mà số người mất việc không nhảy vọt?

07:49 | 22/09/2023
Chia sẻ
Trái ngược với các cuộc chiến chống lạm phát của ngân hàng ương trong quá khứ, các nước phương Tây vẫn đang duy trì được tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp.

(Hình minh họa: ABC News). 

Để có thể đánh bại lạm phát, ngân hàng trung ương (NHTW) cần hạ nhiệt thị trường lao động. Trong hai năm qua, tăng trưởng tiền lương tại các nước giàu đã làm gia tăng chi phí lao động, kéo giá cả liên tục lên cao. Nhưng khi các nhà hoạch định chính sách bắt đầu tăng lãi suất để giảm tốc nền kinh tế, họ mong đợi đến kết quả tươi đẹp hơn.

Giới chức NHTW muốn đạt được kịch bản nền kinh tế “hạ cánh mềm”, tức là hạ gục lạm phát mà không khiến việc làm bị xóa sổ hàng loạt. Đây là đòi hỏi rất khó với một công cụ thô như chính sách tiền tệ.

Liệu các NHTW có đang đạt được thành công? Theo tờ Economist, các bằng chứng cho đến thời điểm hiện tại cho thấy các thị trường lao động từ San Francisco cho đến Sydney đang diễn biến theo đúng ý các nhà hoạch định chính sách.

 

Thành công bất ngờ

Vào thời điểm các NHTW bắt đầu tăng lãi suất, nhu cầu dành cho lao động gần như đang ở mức cao kỷ lục. Năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm các quốc gia giàu có OECD vẫn dưới 5%, gần bằng với mức thấp nhất mọi thời đại.

Nhu cầu được thể hiện qua việc số cơ hội việc làm tăng vọt lên mức cao nhất từ trước đến nay. Người lao động đòi hỏi mức lương cao hơn vì biết rằng họ có nhiều lựa chọn.

Lịch sử cho thấy nhiệm vụ mà các NHTW tự đặt ra cho mình khó khăn đến mức nào. Năm ngoái, nhà kinh tế Michael Feroli của JPMorgan Chase đã nghiên cứu các giai đoạn trong quá khứ và lưu ý rằng “mỗi khi tỷ lệ vị trí trống giảm một chút thì sau cùng thước đo này sẽ tụt rất mạnh và nền kinh tế rơi vào suy thoái”.

Để đánh giá thị trường lao động của các nước giàu, tờ Economist đã tổng hợp dữ liệu từ OECD và Indeed, trang web tuyển dụng có dữ liệu của 16 quốc gia.

Trong nhóm các nước nói trên, trung bình các chủ lao động đã giảm 20% số lượng vị trí cần tuyển dụng. Tại một số quốc gia như Nhật Bản, Thụy Sỹ và Canada, tỷ lệ này là khoảng 25% hoặc hơn.

 

Sự sụt giảm số vị trí trống đang giúp kìm hãm tăng trưởng tiền lương. Tại Mỹ, tốc độ tăng trưởng tiền lương đã chững từ mức 6% cuối năm 2022 xuống dưới 5%. Tăng trưởng tiền lương ở Canada đang giảm tốc mạnh. Tại những nước khác, dữ liệu không thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, tiền lương ở Đức và Italy có lẽ đã ngừng tăng, còn ở Anh áp lực lương vẫn khá đáng kể.

Đối với các nhà hoạch định chính sách, thành công trên sẽ không được hoàn hảo nếu nó đi kèm với tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh. Theo nghiên cứu của hai nhà kinh tế Alex Domash và Larry Summers thuộc Đại học Harvard, trong thời kỳ bình thường, nếu tỷ lệ vị trí trống giảm trên 20% thì tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng khoảng 3 điểm % trong vòng một năm.

Nhưng trên thực tế thì số vị trí trống đã giảm hơn một năm nhưng tỷ lệ thất nghiệp của các nước OECD vẫn đang được duy trì ổn định. Tốc độ tăng trưởng việc làm khoảng 500.000 mỗi tháng tại các nước giàu vẫn ngang ngửa với nửa cuối năm ngoái.

Tỷ lệ việc làm của nhóm dân số trong độ tuổi lao động (từ 16 đến 64 tuổi) đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại trong khoảng một nửa các quốc gia thuộc OECD. Ngay cả tại những nước nổi tiếng có tỷ lệ thất nghiệp cao như Italy và Bồ Đào Nha, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm cũng đang ở mức cao kỷ lục.

Lý do

Vì sao các thị trường lao động lại đi ngược với quy tắc lịch sử? Một giả thuyết liên quan tới làn sóng “Đại Nghỉ việc” trong thời COVID-19.

Năm 2021, một số doanh nghiệp có thể đã lo sợ chuyện người lao động bỏ việc để mở startup tiền mã hóa hoặc viết sách nên đã đăng tin tuyển dụng để phòng hờ. Giờ đây, khi số người bỏ việc giảm bớt, doanh nghiệp lại gỡ các tin này xuống.

Giả thuyết thứ hai liên quan tới tới tình trạng “tích trữ lao động”. Trong giai đoạn phong tỏa của năm 2020, nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm nhân viên rồi phải chật vật để tuyển thêm người khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Do đó ngày nay, dẫu nền kinh tế chậm lại và các công ty gỡ quảng cáo tuyển dụng, họ vẫn cố gắng giữ lấy nhân viên trong biên chế.

Các NHTW vẫn còn việc phải làm bởi lạm phát tại nhiều nơi vẫn đang ở mức cao. Ngay cả tại Mỹ và Canada, cầu dành cho lao động vẫn tương đối cao so với cung. Tại các nước giàu, tăng trưởng tiền lương vẫn vượt trội so với năng suất, càng làm tăng áp lực giá cả. Và nghiên cứu của hai nhà kinh tế Domash và Summers vẫn có thể đúng nếu tỷ lệ thất nghiệp bật tăng trong những tháng tới.

Trong hai năm qua, các NHTW đã liên tục phải nghe hết lời cảnh báo này đến lời cảnh báo khác rằng chiến lược của họ sẽ thất bại. Tuy nhiên, những dự đoán đó vẫn chưa thành hiện thực và bởi vậy, các nhà hoạch định chính sách vẫn có lý do để hy vọng.

Giang