|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chiến dịch tăng lãi suất của các NHTW có thực sự là yếu tố kéo lạm phát đi xuống?

11:12 | 31/07/2023
Chia sẻ
Nếu nguyên nhân chính khiến lạm phát hạ nhiệt trong thời gian qua là việc các chuỗi cung ứng bình thường trở lại sau đại dịch, điều này đồng nghĩa rằng các ngân hàng trung ương có thể giảm lãi suất để ngăn suy thoái kinh tế.

(Hình minh họa: FT/Bloomberg). 

Lạm phát hạ nhiệt rõ rệt

Việc lạm phát đi xuống trong thời gian qua đã làm dấy lên tranh cãi về vai trò của các đợt tăng lãi suất mà nhiều ngân hàng trung ương đã thực hiện. Câu trả lời sẽ quyết định hướng đi của lạm phát và lãi suất trong thời gian tới.

Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã kéo lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm và để ngỏ khả năng sẽ tiếp tục tăng thêm. Nếu lãi suất gia tăng không phải yếu tố đẩy lạm phát đi xuống, điều này có nghĩa là các ngân hàng trung ương có khả năng hạ lãi suất để ngăn chặn suy thoái kinh tế. 

 

Khi các ngân hàng trung ương nâng lãi suất để khống chế lạm phát, lãi suất gia tăng sẽ làm giảm nhu cầu dành cho hàng hóa, dịch vụ và lao động, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp đi lên. Điều đó gây áp lực giảm giá cả và tiền lương.

Nhưng trong chu kỳ tăng lãi suất hiện nay, chúng ta mới chứng kiến phần thứ hai của trình tự trên xảy ra. Trong tháng 6, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) của Mỹ - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - đi lên 3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn hẳn mức tăng 7% ghi nhận vào một năm trước. Nhưng trong một năm qua, tỷ lệ thất nghiệp vẫn được duy trì ổn định quanh ngưỡng 3,6%.

Tại khu vực đồng euro, lạm phát đã hạ xuống 5,5% trong tháng 6, mức thấp nhất trong gần 18 tháng. Còn tỷ lệ thất nghiệp thì rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 25 năm, tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết. 

Chia rẽ quan điểm

Các chuyên gia đang chia làm hai phe để giải thích sự mâu thuẫn trên. Phe thứ nhất tuyên bố rằng lạm phát chủ yếu hình thành do các cú sốc nguồn cung trong đại dịch, và khi COVID-19 được kiểm soát, chúng cũng tự tiêu biến.

Thị trường ô tô là một ví dụ điển hình. Người bán đã không thể đáp ứng nhu cầu bị dồn nén hai năm trước, dẫn đến việc giá xe tăng mạnh, kéo theo giá sửa chữa và bảo hiểm ô tô đi lên. Tương tự, sự xuất hiện của nhiều hộ gia đình mới trong thời kỳ đại dịch đã khiến giá nhà đất và tiền thuê nhà nhảy vọt.

Phe này cho rằng lạm phát suy giảm trong thời gian gần đây chủ yếu là nhờ chuỗi cung ứng tự phục hồi, chứ không phải công lao của các ngân hàng trung ương - bởi tác dụng của lãi suất thường được thể hiện thông qua thị trường lao động.

Bà Lindsay Owens, Giám đốc điều hành tại Groundwork Collaborative, bình luận: “Tình thế hiện nay khiến cho rất nhiều giả định cũ lung lay”.

Phe thứ hai, bao gồm đa số các nhà kinh tế, phản đối lối diễn giải trên. Họ nói rằng nếu không có chính sách tiền tệ thắt chặt thì nhu cầu hàng hóa, dịch vụ và lao động sẽ còn cao hơn nữa, khiến các chuỗi cung ứng tiếp tục bị căng thẳng và áp lực giá mạnh lên.

 

Lãi suất cũng có thể tác động hành vi của các chủ thể trong nền kinh tế. Khả năng các nhà hoạch định chính sách chấp nhận suy thoái để khống chế lạm phát có thể đã tác động đến những người có khả năng thiết lập giá và tiền lương, bao gồm các lãnh đạo doanh nghiệp phụ trách việc lập kế hoạch đầu tư và tuyển dụng. 

Ví dụ, hồi năm 2022, CEO Jamie Dimon của JPMorgan đã cảnh báo về một "cơn bão tố kinh tế" do các đợt tăng lãi suất gây ra và tuyên bố sẽ "rất thận trọng” với bảng cân đối kế toán của ngân hàng này.

Ông Angel Ubide, quản lý cấp cao tại Citadel, khẳng định: “Lạm phát đi xuống là nhờ Fed đã kiềm chế, không cho nhu cầu tăng vượt mức cũng như nhờ các quan chức Fed đã neo giữ kỳ vọng về lạm phát”.

Bà Karen Dynan, nhà kinh tế thuộc Đại học Harvard, cũng cho rằng lạm phát thực tế sẽ còn cao hơn so với hiện nay nếu Fed không tăng lãi suất, “và có lẽ vẫn đang trên đà tăng”. 

Một lần nữa, chúng ta có thể lấy thị trường ô tô làm ví dụ minh hoạ. Lãi suất tăng cao đã khiến các khoản thanh toán tiền mua xe hàng tháng đi lên, làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng và tước đi quyền định giá của người bán.

Bà Julia Coronado, nhà sáng lập công ty cố vấn kinh tế MacroPolicy Perspectives, chỉ ra: “Điều này dẫn tới việc nhiều người mua tiềm năng bị đẩy ra khỏi thị trường, góp phần đẩy giá cả đi xuống”.

"Như kỳ vọng"

Tại châu Âu, tăng trưởng kinh tế đã chững lại kể từ cuối năm 2022. Các cuộc khảo sát doanh nghiệp tuần vừa qua cho thấy tăng trưởng đang yếu đi rõ rệt, đặc biệt là trong khu vực sản xuất - ngành nhạy cảm nhất với lãi suất.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde phát biểu trong cuộc họp báo tuần trước rằng các đợt tăng lãi suất đã tác động rất nhiều tới hệ thống tài chính, nhưng đến nền kinh tế nói chung thì không bằng.

 

Chủ tịch Fed Jerome Powell thì nhận xét rằng các đợt tăng lãi suất “đang phát huy tác dụng như kỳ vọng. Trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng chúng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm giá cả trong những ngành dịch vụ sử dụng nhiều lao động nhất”.

Theo tờ WSJ, một số nhà kinh tế cho rằng chính sách tiền tệ đã ảnh hưởng đến thị trường lao động, nhưng thể hiện qua đà giảm của số vị trí trống thay vì sự gia tăng của tỷ lệ thất nghiệp.

Cuộc tranh luận về tác động của các đợt tăng lãi suất còn có ý nghĩa quan trọng tới việc các ngân hàng trung ương cần tăng lãi suất nữa không, và nếu có thì bao nhiêu là đủ.

Ông Stefan Gerlach, cựu Phó Thống đốc của ngân hàng trung ương Ireland, dự kiến lạm phát sẽ tiếp tục đi xuống trong bối cảnh lãi suất gia tăng đè nén nhu cầu. Ông cho biết: “Tôi lo rằng các ngân hàng trung ương đã quá mạnh tay. Có lẽ họ thấy xấu hổ vì đã hiểu sai về lạm phát trong thời gian đầu”.

Giang