Giá xăng lại tăng trên toàn thế giới, dễ kích thích áp lực lạm phát phình to lần nữa
Động lực lạm phát mới
Hợp đồng tương lai giá xăng tại New York vừa vọt lên mức cao nhất trong 9 tháng, gây ra cú sốc mới cho người tiêu dùng, tờ Bloomberg cho hay. Cùng lúc, giá tại châu Á cũng đang đi lên.
Nguồn cung xăng đang bị siết chặt do nhiều nhà máy lọc dầu bất ngờ ngừng hoạt động và dự trữ tại các trung tâm lưu trữ quan trọng như Bờ Vịnh nước Mỹ hay Singapore xuống thấp hơn bình thường tại thời điểm này trong năm.
Trên thị trường năng lượng, trong khi giá dầu thô giao sau không biến động mấy kể từ đầu năm đến giờ, hợp đồng xăng tương lai của Mỹ đã bật tăng hơn 20%.
Việc giá xăng tăng trở lại có thể khiến các ngân hàng trung ương, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), phải đau đầu bởi các quan chức sẽ phải vắt óc suy nghĩ nên thắt chặt chính sách tiền tệ đến đâu để kìm chế lạm phát.
Giá xăng thường là một chủ đề gây tranh cãi vì đây có thể là chi phí thiết yếu hàng ngày đối với nhiều người, bên cạnh thực phẩm và nhà ở. Giá năng lượng là một trong nhiều yếu tố khiến lạm phát toàn cầu đi lên.
Tại Mỹ, kiểm soát giá xăng cũng là một vấn đề quan trọng đối với Tổng thống Joe Biden, khi mà chỉ còn hơn một năm nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử tiếp theo, đặc biệt là sau khi ông ra lệnh giải phóng một lượng lớn dầu dự trữ vào mùa hè năm ngoái.
Chia sẻ với Bloomberg, ông Andrew Hollenhorst, kinh tế trưởng của Citigroup tại thị trường Mỹ, cho hay: “Chi phí năng lượng tăng có thể kéo giá tiêu dùng lên cao hơn và dẫn đến lạm phát hàng hoá...”
Theo nhà kinh tế cấp cao Brett Ryan của Deutsche Bank, khi giá xăng tại Mỹ tăng 1 cent/gallon, chi tiêu hàng năm của người tiêu dùng sẽ sụt khoảng 1,15 tỷ USD.
Điều đó đồng nghĩa rằng, khi giá xăng giảm 1,3 USD/gallon vào quý II năm nay, người tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tiết kiệm được 150 tỷ USD và có thể dùng số tiền này để mua sắm các hàng hoá, dịch vụ khác.
Giờ đây, cơn gió thuận chiều có thể sẽ trở thành gió ngược, kéo chi tiêu tiêu dùng đi xuống nếu giá xăng tiếp tục tăng mạnh, ông Ryan cảnh báo.
Giá xăng tăng ở khắp mọi nơi
Tồn kho thấp và nhu cầu cao tại các khu vực trọng điểm đã góp phần khiến giá xăng trên khắp thế giới bật tăng.
Ở châu Âu, giá xăng đang tăng nhanh hơn giá dầu thô, dù xu hướng này vẫn chưa khiến chi phí năng lượng của người dân phình to.
Trong khi đó, giá xăng tại thị trường Singapore, một trung tâm cung ứng quan trọng của châu Á, đang dần mạnh lên do xuất khẩu nhiên liệu của Trung Quốc thấp hơn dự kiến.
Ở nhiều thị trường mới nổi, chính phủ đang phải đối mặt với gánh nặng tài chính lớn hơn bởi họ đang tung ra nhiều trợ cấp giá nhiên liệu để giúp người dân nghèo trang trải chi phí sinh hoạt.
Nguồn cung xăng dầu toàn cầu đã không thể phục hồi mạnh mẽ từ mức thấp kỷ lục, dù có thêm công suất lọc dầu ở Trung Đông, Trung Quốc và cả Mỹ.
Công suất tại các thị trường trên tăng cũng không đủ để bù đắp cho việc ngừng hoạt động ngoài kế hoạch của các nhà máy Baton Rouge tại Mỹ (thuộc Exxon Mobil), Pernis tại Rotterdam (thuộc Shell) và Mizushima tại Nhật Bản (của ENEOS).
Những sự gián đoạn này đã thắt chặt nguồn cung ngay tại thời điểm lượng tồn kho xăng dầu vẫn còn thấp, Bloomberg nhấn mạnh.
Theo nhà phân tích Callum Bruce tại Goldman Sachs, các hệ thống lọc dầu trên toàn thế giới dễ bị ngừng hoạt động hơn sau khi vận hành hết công suất trong nhiều năm.
Ngoài ra, các đợt nắng nóng kỷ lục tại châu Âu và một số khu vực của châu Á cũng khiến nhiều nhà máy khó lọc các loại dầu thô nhẹ hơn, ông Bruce thông tin thêm.
Tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, một loạt chỉ số cho thấy nhu cầu đang nhảy vọt. Mức độ tắc nghẽn ở 15 thành phố có nhiều xe hơi nhất đã tăng khoảng 25% so với tháng 1/2021, theo BloombergNEF.
Đồng thời, tồn kho xăng dầu thương mại được cho là đang ở mức thấp nhất kể từ ít nhất là năm 2019.
Hãng tư vấn Rystad Energy ước tính, nhu cầu xăng của Trung Quốc sẽ đạt khoảng 3,3 triệu thùng/ngày vào tháng 7. Con số này cao hơn 14% so với cùng kỳ năm 2019, tức thời điểm trước đại dịch.
Ở châu Âu, nhu cầu xăng dầu cũng đang tăng trở lại. Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy đều ghi nhận mức tiêu thụ đi lên so với cùng kỳ.
Ngoài ra, khu vực này còn đang bị hạn chế nguồn cung do các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) lên Nga, khiến các nhà máy lọc dầu tại đây không được cung cầu dầu thô và các nguyên liệu thô khác để sản xuất xăng.