|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dow Jones nhảy vọt 700 điểm sau tín hiệu lạm phát tiếp tục hạ nhiệt

07:46 | 07/01/2023
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ phiên 6/1 đi lên mạnh mẽ sau khi các báo cáo kinh tế tháng 12 cho thấy dấu hiệu lạm phát đang giảm, đồng nghĩa với việc các đợt nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có tác dụng như mong muốn.

Dow Jones bật tăng mạnh mẽ trong phiên 6/1 và đi lên trong tuần đầu năm 2023.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones bật tăng 700 điểm, tương đương 2,13%, và kết phiên ở gần 33.631 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng xấp xỉ 87 điểm, tức 2,28%, và dừng ở 3.895 điểm.

Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 264 điểm, ứng với 2,6%, và đóng cửa ở 10.569 điểm. Đây là phiên tăng mạnh nhất của Nasdaq kể từ hôm 29/12 và của Dow Jones và S&P 500 kể từ ngày 30/11. Tất cả 30 cổ phiếu thành viên của Dow Jones đều đi lên.

Phiên hồi phục mạnh mẽ 6/1 giúp các chỉ số tăng điểm trong tuần đầu năm 2023. Dow Jones và S&P 500 cùng tăng 1,5%, Nasdaq cao hơn 1% so với cuối tuần trước.

Sau phiên tăng điểm 6/1/2023, Nasdaq vẫn còn thấp hơn 34% so với đỉnh lịch sử thiết lập hôm 19/11/2021.

Báo cáo việc làm phi nông nghiệp tháng 12 cho thấy nền kinh tế Mỹ tạo ra thêm 223.000 việc làm, cao hơn mức 200.000 mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo nhưng là mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020 đến nay.

Trong khi đó, tiền lương tăng 0,3%, chậm hơn mức 0,4% dự báo. Việc tiền lương tăng chậm sẽ giúp giảm bớt áp lực lên mặt bằng giá cả nói chung, hạ nhiệt lạm phát.

CNBC dẫn lời ông Michael Arone, Giám đốc chiến lược đầu tư tại State Street Global Advisors, nhận định: “Tất cả những gì nhà đầu tư quan tâm là số liệu mới công bố cho thấy lạm phát đang đi về phía mục tiêu của Fed”.

Tốc độ tăng tiền lương tháng 12/2022 đã chậm lại so với tháng 11 và thấp hơn dự báo của các chuyên gia.

Các chỉ số chứng khoán còn đi lên sau khi báo cáo nhà quản trị mua hàng (PMI) do Viện Quản lý Nguồn cung công bố cho thấy hoạt động dịch vụ giảm sút trong tháng 12. Đây là lần đầu tiên ngành dịch vụ thu hẹp sau 30 tháng mở rộng liên tiếp và là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang chậm lại, giảm bớt áp lực lạm phát.

Chỉ số PMI trên 50% đồng nghĩa với hoạt động kinh tế mở rộng, dưới 50% nghĩa là hoạt động thu hẹp so với tháng trước. Trước khi giảm xuống còn 49,6% trong tháng 12/2022, chỉ số PMI ngành dịch vụ do ISM công bố đã có 30 tháng liên tiếp ở trên ngưỡng 50%.

Đà tăng lan tỏa khắp thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên 6/1, như biểu đồ bên dưới cho thấy. Cổ phiếu vật liệu và công nghệ đi lên mạnh mẽ nhất, theo sau là nhóm bất động sản.

Tất cả 11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều đi lên trong phiên 6/1/2023.

Đức Quyền

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.