|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dow Jones giảm tuần thứ 8 liên tiếp, S&P 500 có lúc rơi vào thị trường gấu

07:49 | 21/05/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 20/5 giảm sâu đầu phiên giữa lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế, S&P 500 chớm bước vào thị trường gấu. Các chỉ số sau đó hồi phục về gần tham chiếu.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ đều đang kém xa mức đầu năm.

Chỉ số S&P 500 có lúc sụt 2,3% nhưng đóng cửa nhích lên 0,01% và dừng ở 3.901,36 điểm. Ở đáy của phiên, S&P 500 thấp hơn 20,9% so với đỉnh trong ngày (intraday) thiết lập hôm 3/1/2022.

Theo thông lệ trên Phố Wall, một chỉ số bị coi là rơi vào thị trường gấu nếu như giảm quá 20% so với đỉnh lịch sử. Sau đà hồi phục cuối phiên 20/5, S&P 500 còn kém 19% so với mức kỷ lục trước đây.

Đây là lần sụt giảm nhanh nhất của thị trường chứng khoán Mỹ kể từ cuộc suy thoái chớp nhoáng vào tháng 3/2020 khi COVID-19 khởi phát tại Mỹ.

S&P 500 giảm 7 tuần liên tiếp.

CNBC dẫn lời ông George Ball, Chủ tịch công ty đầu tư Sanders Morris Harris, nhận định: “Cổ phiếu vẫn đang được định giá một cách tùy tiện và tâm lý nhà đầu tư từng giúp thị trường đi lên trong 10 năm qua đã chuyển sang tiêu cực”.

“Một thị trường gấu trung bình kéo dài gần một năm, chính xác là 338 ngày. Đợt suy giảm hiện nay mới diễn ra được 1/3 thời gian đó nên dư địa giảm tiếp vẫn còn, tuy nhiên thị trường có thể trải qua một số đợt hồi phục xen kẽ”, ông Ball nói thêm.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones có lúc sụt hơn 600 điểm nhưng kết phiên 20/5 với mức tăng nhẹ 8,77 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite đóng cửa giảm 0,3% và đang chìm sâu trong vùng thị trường gấu khi thấp hơn 30% so với đỉnh thiết lập hồi tháng 11/2021.

Tính chung cả tuần qua, Dow Jones giảm 2,9% và ghi nhận 8 tuần suy giảm liên tiếp như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Đây là chuỗi tuần sa sút dài nhất của Dow Jones kể từ năm 1923. S&P 500 và Nasdaq đi xuống tương ứng 3% và 3,8%, cùng nhau ghi nhận tuần giảm điểm thứ 7 liên tục.

Dow Jones giảm 8 tuần liên tiếp.

Ông David Wagner, Giám đốc quản lý danh mục tại Aptus Capital Advisors, nhận xét: “Đợt suy giảm trong tuần này tạo cảm giác như thể thị trường đã bắt đầu nhận ra rằng tăng trưởng thu nhập và khả năng tạo lợi nhuận của nhóm S&P 500 đang lâm nguy do lạm phát sẽ tiếp tục tăng cao trong năm nay”.

Thị trường chứng khoán Mỹ sa sút trong những tháng gần đây khi nền kinh tế phải đối mặt với áp lực lạm phát lớn nhất kể từ những năm 1980. Cuộc xung đột Nga – Ukraine khiến cho giá năng lượng nói riêng và các loại hàng hóa nói chung lên cao hơn.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hai lần nâng lãi suất trong tháng 3 và tháng 5 để hạ nhiệt lạm phát. Từ tháng 6 tới đây, Fed sẽ hạ quy mô bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, Fed đã bắt đầu hút tiền về từ trước đó thông qua công cụ repo nghịch đảo.

Đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ ban đầu tập trung ở các cổ phiếu công nghệ có định giá cao. Dần dần, đà lao dốc lan rộng ra các nhóm cổ phiếu khác. Cổ phiếu năng lượng là nhóm duy nhất trong S&P 500 hiện đang cao hơn mức đầu năm 2022.

Riêng phiên 20/5, nhóm công nghệ thuộc S&P 500 hồi phục 0,14% như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu sản xuất chip vẫn đi xuống như Applied Materials mất 3,9%, Nvidia và Advanced Micro Devices giảm lần lượt 2,5% và 3,3%.

 Thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến phân hóa trong phiên 20/5/2022.

Trong khi đó, cổ phiếu Deere lao dốc 14% sau khi tập đoàn sản xuất máy móc này công bố doanh thu thấp hơn kỳ vọng. Cổ phiếu cùng ngành Caterpillar cũng giảm hơn 4%. Những tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp như Deere và Caterpillar được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế. Khi những doanh nghiệp này làm ăn tốt tức là kinh tế nói chung tăng trưởng mạnh và ngược lại.

Các thị trường chứng khoán châu Âu và châu Á đa phần kết thúc phiên cuối tuần 20/5 trong sắc xanh.

 

Đức Quyền - Song Ngọc