|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dow Jones bất ngờ rớt hơn 600 điểm, cổ phiếu ngân hàng lao dốc

07:17 | 19/01/2023
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm sút trong phiên 18/1 một số khi nhà đầu tư chốt lời sau hai tuần giá cổ phiếu đi lên. Số liệu bán lẻ tháng 12 gây thất vọng cũng làm thị trường lo ngại về nguy cơ suy thoái.

Dow Jones giảm tổng cộng 1.000 điểm trong hai ngày gần đây.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones rớt gần 614 điểm, tương đương 1,81%, và kết phiên ở 33.297 điểm. S&P 500 giảm 1,56% xuống còn 3.929 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 15/12 năm ngoái.

Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite mất 1,24% và đóng cửa ở 10.957 điểm, chấm dứt chuỗi tăng 7 phiên liên tục.

Nasdaq giảm phiên đầu tiên sau 7 phiên tăng liên tiếp, quay xuống dưới ngưỡng 11.000 điểm.

CNBC dẫn lời ông Yung-Yu Ma, Giám đốc chiến lược đầu tư của BMO Wealth Management, nhận định: “Chúng ta vừa có giai đoạn đầu năm rất khả quan, nhưng bây giờ thị trường đang trong một mùa công bố kết quả kinh doanh đầy căng thẳng, gần đây đón nhận số liệu tiêu cực về doanh số bán lẻ và khảo sát hoạt động sản xuất của bang New York. Cuộc họp Fed ngày 1/2 cũng ngày càng đến gần. Thận trọng là động thái hợp lý trong tương lai gần”.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2022, kéo theo cổ phiếu của hàng loạt ngân hàng lớn như JPMorgan Chase, Bank of America và Wells Fargo tụt dốc với tỷ lệ lần lượt 3%, 2,3% và 1,7%. Cổ phiếu các ngân hàng nhỏ như Zions và Fifth Third mất tương ứng 5,1% và 4,1%. Biểu đồ dưới đây cho thấy cổ phiếu tài chính giảm mạnh hơn chỉ số chung.

Bên cạnh đó, tập đoàn công nghệ Microsoft thông báo sa thải 10.000 nhân viên, gây ảnh hưởng xấu tới tâm lý nhà đầu tư. Cổ phiếu Microsoft giảm 1,9%, kéo Dow Jones đi xuống.

Tất cả 11 nhóm cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500 đều kết phiên 18/1 trong sắc đỏ.

Về phía số liệu kinh tế, Bộ Thương mại Mỹ vừa cho biết doanh số bán lẻ tháng 12 giảm 1,1% so với tháng trước, tiêu cực hơn so với mức sụt 1% mà các chuyên gia dự báo. Số liệu bán lẻ chưa được điều chỉnh theo lạm phát nên con số trên vừa phản ánh lạm phát hạ nhiệt, vừa cho thấy xu hướng chi tiêu dè dặt của người tiêu dùng trong mùa lễ hội cuối năm.

Nếu không kể xe ô tô, doanh số bán lẻ cũng giảm 1,1%, trong khi các nhà kinh tế dự báo mức giảm 0,5%. Doanh số tại các cửa hàng bách hóa sụt 6,6%, doanh số bán hàng online giảm 1,1%.

Doanh số bán lẻ tại Mỹ giảm trong hai tháng liên tiếp 11 - 12/2022.

Nhà đầu tư cũng đánh giá báo cáo mới nhất từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 12 giảm 0,5% so với tháng liền trước, sâu hơn mức giảm 0,1% mà các nhà kinh tế dự đoán. Nếu không kể giá năng lượng và thực phẩm, PPI lõi tăng 0,1%, khớp với kỳ vọng của thị trường.

Tính chung cả năm 2022, PPI toàn phần tăng 6,2%, thấp nhất kể từ tháng 3/2021 và giảm đáng kể so với mức tăng 10% của năm 2021.

Lạm phát CPI và PPI của Mỹ đều liên tục hạ nhiệt trong những tháng gần đây.

Sau phiên tụt dốc 18/1, nhiều nhà đầu tư bắt đầu nghi ngờ tính bền vững của đà tăng trên thị trường chứng khoán kể từ đầu năm 2023. Dow Jones hiện chỉ còn cao hơn 0,45% so với cuối năm trước, S&P 500 và Nasdaq khả quan hơn với mức tăng tương ứng 2,33% và 4,69%.

Ông Mark Haefele, Giám đốc đầu tư của công ty quản lý tài sản UBS Global Wealth Management, nhận xét: “Các tài sản rủi ro đã có một khởi đầu tích cực trong năm 2023, nhà đầu tư được khích lệ bởi các dấu hiệu lạm phát đã hạ nhiệt và quá trình mở cửa nhanh chóng ở Trung Quốc. Một mùa đông tương đối ấm áp cũng đã xoa dịu những lo ngại về cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu”.

Mặc dù vậy, ông Haefele cũng cảnh báo: “Hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định rằng mối đe dọa lạm phát đã hoàn toàn qua đi. Số liệu lạm phát toàn phần tháng 12 ở cả Mỹ và Eurozone đều đã giảm tốc, nhưng số liệu lạm phát lõi vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu của các ngân hàng trung ương”. 

Đức Quyền