|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đồng yen lại tụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1986, làm tăng khả năng Nhật Bản can thiệp tỷ giá

20:43 | 26/06/2024
Chia sẻ
Đồng yen đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1986 so với đồng USD. Diễn biến này làm dấy lên lo ngại rằng các nhà chức trách Nhật Bản có thể sẽ sớm buộc phải hỗ trợ đồng nội tệ.

Thị trường đang đồn đoán rằng chính phủ Nhật Bản sẽ lần nữa can thiệp để hỗ trợ đồng yen. (Ảnh minh hoạ: Reuters).

 

Theo ghi nhận của Bloomberg, trong phiên giao dịch ngày 26/6, đồng yen đã giảm 0,34% xuống 160,25 yen đổi 1 USD - đánh dấu mức thấp nhất kể từ năm 1986 và gần sát con số từng buộc Tokyo phải can thiệp thị trường ngoại hối vào tháng 4 năm nay.

Tính từ đầu năm 2024, đồng nội tệ của Nhật Bản đã sụt hơn 12%. Đà giảm của đồng yen khiến giá hàng hoá nhập khẩu vào Nhật Bản tăng cao, gây tổn hại đến người tiêu dùng và khiến doanh nghiệp ngày càng bất an.

Chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ đang gây áp lực lên đồng yen, bất chấp những nỗ lực của Tokyo nhằm ngăn đồng tiền này trượt giá. Hiện tại, lãi suất tại nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu vẫn gần mức 0.

Rủi ro tiếp theo đối với đồng yen có thể là báo cáo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) tháng 5 của Mỹ. Đây là thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), dự kiến sẽ công bố vào ngày 28/6.

Tuy nhiên, báo cáo lạm phát vẫn có thể giúp giảm bớt một số áp lực lên đồng yen. Các nhà kinh tế dự đoán lạm phát lõi (không tính giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động) sẽ giảm bớt. Điều này có thể thúc đẩy Fed sớm hạ chi phí đi vay trong năm nay.

Chia sẻ với Bloomberg, chiến lược gia vĩ mô Erik Nelson của Wells Fargo cho hay: “Bình luận của Bộ Tài chính Nhật Bản trong những ngày gần đây cho thấy Tokyo ngày càng quan ngại về đồng yen”.

Vị chiến lược gia dự đoán Nhật Bản có thể sẽ chờ đợi cho đến khi đồng yen vượt mức 165 yen đổi 1 USD mới can thiệp. Đây là mức tỷ giá mà nhiều ngân hàng, bao gồm Bank of America, cho là “giới hạn mới” của Nhật Bản.

Rủi ro cho Nhật Bản là rất lớn. Các nhà chức trách đã chi kỷ lục 9.800 tỷ yen (tương đương 61,1 tỷ USD) cho các đợt can thiệp gần đây. Citigroup ước tính nước này có thể chi tối đa 200 - 300 tỷ USD để hỗ trợ đồng yen.

Trong tuần này, các quan chức Nhật Bản vẫn chủ yếu đưa ra cảnh báo bằng lời nói. Bộ trưởng Bộ Tài chính Shunichi Suzuki cho biết Tokyo đang theo dõi chặt chẽ diễn biến trên thị trường và sẽ thực hiện mọi biện pháp có thể khi cần thiết.

 

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Masato Kanda cảnh báo rằng các nhà chức trách sẵn sàng can thiệp 24 giờ một ngày nếu cần.

Ông Kanda nhấn mạnh: “Nếu đồng yen biến động quá mạnh, nó sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế quốc gia. Trong trường hợp có những biến động thái quá do hành vi đầu cơ, chúng tôi sẵn sàng can thiệp”.

Ông Win Thin, trưởng bộ phận chiến lược thị trường toàn cầu tại Brown Brothers Harriman & Co., nhận định: “Nếu tỷ giá bắt đầu biến động mạnh và đồng yen vượt mốc 160 yen đổi 1 USD, Tokyo có thể can thiệp để làm dịu thị trường”.

Các động thái can thiệp trước đây của Nhật Bản nhằm hỗ trợ đồng nội tệ đã khiến giới chức nước ngoài phải chú ý. Tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ đã bổ sung Nhật Bản vào danh sách giám sát các hoạt động ngoại hối.

Hiện tại, Mỹ không xác định Nhật Bản hay bất kỳ đối tác thương mại nào là thao túng tiền tệ. Song, các quan chức ở Washington lưu ý “việc can thiệp chỉ nên dành cho những trường hợp rất đặc biệt với sự tham vấn trước thích hợp”.

Trong các cuộc trao đổi với Bloomberg, nhiều chiến lược gia khác cho biết biến động trên thị trường ngoại hối nhìn chung vẫn còn thấp, khiến các nhà chức trách Nhật Bản khó nhảy vào can thiệp.

Khả Nhân