|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đồng USD mạnh có thể làm hại kinh tế Mỹ và thay đổi đường lối của Fed

18:41 | 31/10/2022
Chia sẻ
Một khảo sát của Bloomberg cho biết đồng dollar Mỹ (USD) mạnh nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế của Mỹ và cả quá trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang.

Một nửa số nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát cho biết những tác động toàn cầu từ một đồng USD mạnh có nhiều khả năng sẽ dội ngược lại Mỹ trong vòng 18 tháng tới và ảnh hưởng đến các chính sách tiền tệ. Chỉ có 28% nhà kinh tế cho rằng sức mạnh đồng bạc xanh nhiều khả năng sẽ không gây tác động gì.

Đồng USD đã tăng 13% so với các loại tiền tệ chính khác trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị do cuộc xung đột Ukraine và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để chống lại lạm phát kỷ lục trong vòng 40 năm.

Fed được kỳ vọng sẽ tiếp tục chiến dịch thắt chặt bằng cách nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào hôm 2/11 sắp tới. Dự báo mới nhất của cơ quan này cho thấy lãi suất sẽ chạm 4,4% vào cuối năm 2022, và nhảy lên 4,6% vào 2023, từ khoảng lãi suất mục tiêu 3 - 3,25% hiện tại.

 

Chủ tịch Jerome Powell và các đồng nghiệp đang cố gắng hạ nhiệt nền kinh tế và áp lực giá cả bằng cách thắt chặt điều kiện tài chính của Mỹ, trong đó giá trị của đồng USD là một thành tố quan trọng.

Một đồng USD mạnh mẽ thường có xu hướng kìm hãm lạm phát bằng cách hạ giá hàng nhập khẩu và giảm hoạt động sản xuất trong nước thông qua việc nâng giá hàng xuất khẩu.

“Fed và các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang ở vị thế không dễ chịu khi phải hạn chế nhu cầu nhằm bắt kịp một nền kinh tế bị hạn chế về nguồn cung”, bà Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng tại KPMG cho biết.

“Fed nhận thức được hiệu ứng lan tỏa nhưng không có cách nào để giải quyết những rủi ro trên một cách trực tiếp do nhiệm vụ với nền kinh tế Mỹ của mình”, bà nói.

Bà Anna Wong, chuyên gia của Bloomberg về kinh tế Mỹ, cho biết: “Thông thường, thâm hụt thương mại sẽ tăng vọt khi đồng USD tăng giá mạnh như đã quan sát kể từ năm ngoái. Nhưng hiệu ứng trên đã vắng bóng một cách đáng ngạc nhiên, ngay cả khi chúng ta đã có 5 quý tăng giá USD”.

“Một giải thích khả dĩ là việc Mỹ đang tăng cường xuất khẩu năng lượng. Việc [tăng trưởng thâm hụt thương mại] vắng bóng có nghĩa là USD lên giá ít có ảnh hưởng với nền kinh tế hơn so với trong quá khứ", bà nói.

Các nhà kinh tế trong khảo sát của Bloomberg có quan điểm chia rẽ về mức độ nghiêm trọng của tình trạng căng thẳng tài chính, đa số nhận thấy sẽ có ảnh hưởng tới động thái của ngân hàng trung ương Mỹ.

Trong bài khảo sát, 44% cho biết Fed có thể hoàn thành quá trình thắt chặt lãi suất bất chấp những áp lực về tài chính. 38% cho biết các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ buộc phải hạ lãi suất sớm hơn dự kiến, và 18% cho rằng Fed không thể tăng lãi suất nhiều như kế hoạch.

DXY so sánh USD với 6 loại tiền tệ lớn, bao gồm euro, yen Nhật, bảng Anh, dollar Canada, krona Thụy Điển và franc Thụy Sỹ.

“Fed có thể sẽ không thể nâng lãi suất như dự kiến, nhưng sẽ buộc phải chậm lại để tránh bất ổn tài chính”, bà Julia Coronado, nhà sáng lập của MacroPolicy Perspectives nói.

Các nhà kinh tế trả lời khảo sát kỳ vọng lãi suất sẽ đạt đỉnh 5% vào năm sau và đa số dự báo một cuộc suy thoái tại Mỹ cũng như toàn thế giới.

Một loạt nhà kinh tế nổi bật, bao gồm người chuyên đưa ra những dự báo tăm tối là Tiến sĩ Nouriel Roubini, đã cảnh báo rằng những biến động trong thị trường tài chính có thể khiến Fed và những ngân hàng trung ương khác phải ngừng chiến dịch chống lạm phát. “Các định chế tài chính lớn đang tan vỡ trên toàn cầu, còn hiện tại ở Mỹ thì chưa”, ông Roubini nói.

Áp lực tài chính gần đây thể hiện rõ rệt tại Anh, nơi Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã phải can thiệp nhằm hỗ trợ thị trường. Thủ tướng Liz Truss chỉ trụ được 44 ngày trong bối cảnh những phản ứng dữ dội với kế hoạch hạ thuế của bà đã làm lung lay niềm tin nhà đầu tư.

2/3 số nhà kinh tế được khảo sát cho biết những diễn biến trên thị trường Anh phần lớn hoặc hoàn toàn là kết quả do chính sách của London chứ không phải việc Fed thắt chặt và đồng USD mạnh lên.

Fed đôi khi được nhắc đến như là ngân hàng trung ương của thế giới, phản ánh tầm quan trọng của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu. 3/4 các nhà kinh tế cho rằng định nghĩa trên là phù hợp, trong khi 33% nói rằng Fed không nhận thức đầy đủ vai trò của mình.

Ngược lại, 22% cho rằng Fed chỉ có trách nhiệm duy nhất với nền kinh tế Mỹ, với mục tiêu đảm bảo tỷ lệ việc làm tối đa và ổn định giá cả.

Minh Quang