|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Dòng tiền thuần của Nam Long lần đầu rơi vào trạng thái âm trong 7 năm

10:03 | 30/01/2020
Chia sẻ
Nam Long vừa ghi nhận lãi lớn trong trong quí IV, dẫn đến lợi nhuận cả năm đều tăng trưởng. Song, dòng tiền thuần ghi nhận âm gần 190 tỉ đồng. Lần gần nhất là vào năm 2012, Nam Long ghi nhận dòng tiền thuần trong năm âm 28 tỉ đồng.

CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) vừa công bố BCTC hợp nhất quí IV/2019. Trong đó, doanh thu thuần đạt 1.221 tỉ đồng, tăng 50% so với cùng kì và lợi nhuận sau thuế (LNST) của cổ đông công ty mẹ đạt 548 tỉ đồng, cao gấp 4 lần quí IV/2018.

Nam Long cho biết, doanh thu trong quí phần lớn đến từ bàn giao căn hộ và biệt thự từ các dự án Flora Novia và nhà phố, Đảo Nhỏ và Valora Island với tổng số tiền hơn 1.000 tỉ đồng và doanh thu dịch vụ tổng thầu, xây dựng đóng góp 200 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, chi phí tài chính của công ty giảm mạnh từ 17 tỉ đồng về gần 2 tỉ đồng. Đồng thời, Nam Long có hơn 114 tỉ đồng tiền lãi từ công ty liên doanh, liên kết, trong khi cùng kì chỉ lãi hơn 8 tỉ đồng, cùng với khoản lợi nhuận khác 244 tỉ đồng đẩy lợi nhuận trong quí IV của Nam Long tăng trưởng cao.

Dòng tiền thuần của Nam Long lần đầu rơi vào trạng thái âm trong 7 năm - Ảnh 1.

Nguồn: Báo cáo KQKD hợp nhất Nam Long quí IV/2019

Lũy kế cả năm 2019, doanh thu thuần của Nam Long giảm 27% về 2.546 tỉ đồng. Bù lại, công ty có 126 tỉ đồng tiền lãi từ công ty liên doanh, liên kết (cùng kì 14 tỉ đồng) và 408 tỉ đồng thu nhập khác (cùng kì 19 tỉ đồng). 

Tại ngày 31/12/2019, Nam Long có ba công ty liên doanh, liên kết với tổng giá trị đầu tư trên 1.667 tỉ đồng, bao gồm CTCP Southgate (916,5 tỉ đồng), CTCP NNH Mizuki (750 tỉ đồng) và Công ty TNHH Anabuki NL Housing Service Việt Nam (834 triệu đồng).

Bên cạnh đó, Việt Thiên Lâm đã được sáp nhập vào CTCP Paragon Đại Phước vào ngày 29/8/2019. Tính đến cuối kì, tổng giá phí đầu tư của Việt Thiên Lâm được ghi nhận gần 1.150 tỉ đồng.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng 26%, thu được 960 tỉ đồng. Với kết quả này, Nam Long đã thực hiện được 73% kế hoạch doanh thu và vượt nhẹ kế hoạch lợi nhuận năm.

Phần lớn đóng góp lợi nhuận của Nam Long trong năm 2019 đến từ 382 tỉ đồng lợi nhuận khác. Nam Long không thuyết minh về khoản mục này trong báo cáo của mình, tuy nhiên, trong quí I/2019, Nam Long từng ghi nhận khoản thu nhập khác 137 tỉ đồng do đánh giá lại tài sản mua Việt Thiên Lâm.

Mặc dù kết quả kinh doanh tăng trưởng nhưng dòng tiền thuần của Nam Long lần đầu rơi vào trạng thái âm trong 7 năm gần nhất (kể từ năm 2012 âm 28 tỉ đồng) với gần 190 tỉ đồng.

Tính đến cuối năm tài chính 2019, tổng tài sản của Nam Long tăng 13% so với đầu năm, ghi nhận 10.788 tỉ đồng.

Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn khác giảm mạnh từ 1.023 tỉ đồng vè còn 329 tỉ đồng, chủ yếu do công ty không còn ghi nhận tạm ứng trên 800 tỉ đồng mua cổ phần như đầu năm.

Tổng giá trị tồn kho tại 12 dự án của Nam Long tính đến cuối kì trên 4.200 tỉ đồng, tăng 29% so với đầu năm. Riêng dự án Paragon Đại Phước chiếm 1.702 tỉ đồng.

Tại ngày 31/12/2019, Nam Long đang ghi nhận 4.588 tỉ đồng nợ phải trả, tăng 300 tỉ đồng so với con số đầu năm 2019. Trong đó, khoản người mua trả tiền trước tăng nhẹ lên 1.200 tỉ đồng.

Nguyên Ngọc

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.