|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền điều hướng sang HNX, UPCoM trong cơn bĩ cực tại sàn HOSE?

18:00 | 04/03/2021
Chia sẻ
Phiên giao dịch chiều nay (4/3), khi sàn HOSE tắc nghẽn lệnh và chỉ có thể giao dịch trong khoảng 15 phút đầu phiên, dòng tiền đã tìm đến các cổ phiếu trên HNX và UPCoM. Hệ quả là, thanh khoản trên sàn HNX và thị trường UPCoM tăng đột biến so với mức bình quân 1 tuần hay 1 tháng trước đó.

Những lo ngại về giao dịch của sàn HOSE

Câu chuyện quá tải sàn HOSE trở nên nóng bỏng với giới đầu tư chứng khoán hơn bao giờ hết. Phiên hôm nay (4/3), nhà đầu tư bất đắc dĩ phải "nghỉ sớm" khi hệ thống chỉ có thể nhận lệnh trong 15 phút giao dịch đầu phiên chiều. Nhiều NĐT nghĩ đến viễn cảnh chỉ có thể giao dịch cổ phiếu trong phiên sáng trên sàn này.

Trước đó, để giải quyết tình trạng quá tải, HOSE đã nâng lô giao dịch tối thiểu từ 10 lên 100 cổ phần để giảm 18% số lượng lệnh ngay đầu tháng 1. Mặc dù vậy, tình tạng tắc nghẽn vẫn chưa được giải quyết. Để rồi, kịch bản nâng lô giao dịch lên 1.000 đơn vị được nghĩ đến.

Với nhiều năm kinh nghiệm, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Chứng khoán SSI cho rằng lô 1.000 là giải pháp "ít dở" hơn và khả dĩ nhất lúc này để duy trì hệ thống.

Từ góc độ cơ quan quản lý, nhằm tháo gỡ vấn đề, mới đây Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) có văn bản về việc việc chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE sang HNX. Theo đó, UBCKNN yêu cầu HNX khẩn trương tiếp nhận xử lý cho doanh nghiệp giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE, mà không xem xét lại hồ sơ theo quy trình niêm yết mới.

Tuy nhiên, việc chuyển sàn cần có thời gian vì cần sự thống nhất của các cổ đông. Không ít doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE đang có cổ đông lớn là các quỹ đầu tư nước ngoài. Theo hướng dẫn, doanh nghiệp cần Nghị quyết của Hội đồng quản trị hoặc của Đại hội đồng cổ đông.

Lãnh đạo của một doanh nghiệp niêm yết đặt vấn đề về việc chuyển sàn trở lại HOSE sau khi hệ thống giao dịch được nâng cấp sẽ ra sao. Do đó, câu chuyện chuyển sàn có lẽ chưa thể giải quyết "một sớm một chiều".

Song song với đó, một giải pháp tình thế khác được HNX gấp rút lấy ý kiến các đơn vị thành viên là việc chỉnh sửa hệ thống phần mềm nhằm đáp ứng trường hợp chuyển một số chứng khoán đang giao dịch trên HOSE sang giao dịch tại một bảng mới trên hệ thống của HNX. Việc chuyển đổi này vẫn giữ nguyên các quy định giao dịch như HOSE (biên độ, kết cấu phiên, bước giá,…). Cho đến thời điểm này, kết quả của việc lấy ý kiến vẫn chưa được thông tin chính thức.

Sàn HOSE bĩ cực, dòng tiền tìm đến HNX và UPCoM

Trở lại câu chuyện, dĩ nhiên rằng NĐT không thể đứng nhìn tình trạng cổ phiếu không thể giao dịch hay tiền "nằm chết" trong khi cơ quan quản lý vẫn đang cố gắng để tìm lời giải. Với nhiều NĐT chuyên nghiệp, giao dịch chứng khoán trở thành câu chuyện cơm áo gạo tiền, nên việc tìm ra giải pháp đầu tư hiệu quả là điều tất yếu.

Hệ quả là dòng vốn bắt đầu có dấu hiệu dịch chuyển sang các cổ phiếu niêm yết trên sàn HNX và thị trường UPCoM, rõ nét nhất là phiên giao dịch chiều nay (4/3).

Dòng tiền ồ ạt đổ sang HNX, UPCoM trong cơn bĩ cực tại sàn HOSE - Ảnh 1.

Thanh khoản tăng đột biết tên sàn HNX phiên hôm nay (4/3). Nguồn: MBS

Theo thống kê, giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HNX hôm nay tăng đột biến lên 2.711 tỷ đồng, cao hơn 52,6% phiên trước đó. So với trung bình 1 tuần gần đây (1.934 tỷ đồng) và 1 tháng gần đây (1.874 tỷ đồng), thanh khoản hôm nay cao hơn khoảng 40,2% và 44,7%.

Dòng tiền ồ ạt đổ sang HNX, UPCoM trong cơn bĩ cực tại sàn HOSE - Ảnh 2.

Thanh khoản tăng đột biết tên thị trường UPCoM phiên hôm nay (4/3). Nguồn: MBS

Tương tự, thanh khoản hôm nay trên thị trường UPCoM cũng tăng đột biến lên 1.682 tỷ đồng, cao hơn 87,5% phiên trước đó (3/3). Giá trị giao dịch phiên hôm nay gấp đôi bình quân thanh khoản trên thị trường UPCoM.

Với dòng tiền ồ ạt đổ vào sàn HNX, HNX-Index và HNX30-Index phục hồi mạnh mẽ và lấy lại sắc xanh sau những phút giảm sâu cuối phiên sáng và đầu phiên chiều. Dòng tiền tìm đến những mã cổ phiếu trong nhóm dầu khí (PVS, PVC, PVB), phân bón - hóa chất (PLC, LAS) hay những mã vốn hóa trung bình như S99, TVC, NTP, HTP, EVS.

Trên UPCoM, dòng tiền cũng tìm đến những mã cổ phiếu nhóm ngành dầu khí như BSR, OIL, PVP, PVM. Thanh khoản cổ phiếu BSR đạt kỉ lục với hơn 36,6 triệu đơn vị. Đóng cửa phiên, mã BSR tăng giá 10,7% lên 15.500 đồng/cp. Cổ phiếu OIL tăng kịch trần (14,5%) lên 14.200 đồng/cp và khối lượng khớp lệnh gần 10,6 triệu đơn vị.

Ngoài ra, dòng tiền còn tìm đến các mã khác trên thị trường UPCoM như VGI, DDV, PXL, AFX, PVM, VEA, ACV, MPC. Các cổ phiếu này đều đóng cửa trong sắc xanh.

Đánh giá về khả năng dòng tiền điều hướng từ HOSE sang HNX và UPCoM, ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc Môi giới Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng: "Dòng tiền có sự điều hướng kể từ khi sàn HOSE ngưng chứ không dịch chuyển liền trong phiên sáng. Ví dụ trong phiên chiều nay, chúng ta nhìn thấy BSR, PVS có dấu hiệu được điều hướng.

Hiện tại thị trường đang hình thành thói quen là buổi sáng trên sàn HOSE và buổi chiểu chuyển qua giao dịch trên HNX và UPCoM. Chứ không chỉ là điều hướng không".

Thêm quan điểm, ông Bùi Tiến Đức, Trưởng phòng Môi giới của Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) đánh giá dòng tiền thông minh trên thị trường tìm đến những cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng dài hạn, câu chuyện rõ ràng. Do đó, những vấn đề khi bị tắc nghẽn giao dịch hoặc cổ phiếu penny "nổi sóng" với thông tin nâng lô lên 1.000 chỉ là diễn biến ngắn hạn, chưa thể đại diện cho dòng tiền của thị trường. Như đã thấy, giá trị và khối lượng giao dịch trên thị trường tập trung vào các cổ phiếu như VNM, HPG, TCB, CTG, VCB. Đây đều là những bluechip có vốn hóa lớn và làm ăn thực sự chất lượng.

Lợi Hoàng