|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Động lực thúc đẩy tiêu dùng mới của 'đại gia' bán lẻ nước Mỹ

12:36 | 21/06/2021
Chia sẻ
Với việc nhanh chóng thực hiện các chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên diện rộng, các hoạt động xã hội tại nước Mỹ dường như đang trở lại guồng quay bình thường.

Trong bối cảnh đó, một loạt hãng bán lẻ đang tận dụng cơ hội để lên kế hoạch kích thích chi tiêu tiêu dùng. 

Hãng bán lẻ đình đám nước Mỹ là Target đã khởi động Ngày hội bán hàng Deal Days với nhiều chương trình giảm giá hấp dẫn đối với các mặt hàng như ngũ cốc, thịt và nước ngọt.

Deal Days được triển khai để cạnh tranh với Ngày hội mua sắm Amazon Prime Day từ năm 2019, song đây là năm đầu tiên Target sử dụng sự kiện này để quảng bá các mặt hàng tạp hoá. Chương trình giảm giá sẽ kéo dài từ ngày 20/6 đến hết ngày 22/6 - dài hơn một ngày so với sự kiện của “gã khổng lồ” thương mại điện tử Amazon.

Động lực thúc đẩy tiêu dùng mới của 'đại gia' bán lẻ nước Mỹ - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Getty Images).

Target không bị ảnh hưởng quá nhiều do đại dịch COVID-19, bởi với tư cách là một nhà bán lẻ hàng thiết yếu, tập đoàn này được phép duy trì hoạt động ngay cả khi các thành phố thực hiện giãn cách xã hội. 

Hàng tạp hóa là động lực chính giúp thúc đẩy doanh số bán hàng và thị phần của Target trong đại dịch. Khi người dân buộc phải ở nhà, họ có xu hướng tự nấu nhiều hơn, do đó sẽ có nhu cầu mua các nguyên liệu cho bữa tối và làm đầy các tủ đựng thức ăn. 

Tuy nhiên, ngay cả khi cuộc sống về guồng quay bình thường và các hãng đối thủ được hoạt động trở lại, Target vẫn luôn thu hút khách hàng bởi nguồn cung hàng hoá lớn và đa dạng. 

Trước khi đại dịch xảy ra, người tiêu dùng ở Mỹ chi tiêu nhiều tại các nhà hàng và quán bar hơn so với các cửa hàng tạp hóa. Mô hình đó đã đảo ngược vào tháng 3/2020. 

Du vậy, trong hai tháng qua, thói quen chi tiêu nhiều hơn cho việc ăn uống ở nhà hàng của người dân Mỹ đã trở lại, theo dữ liệu từ Cục Điều tra dân số Mỹ. Điều này khiến các cửa hàng tạp hóa phải cạnh tranh để giành lấy một “miếng bánh” lớn hơn. 

Trong số đó, Amazon Prime Day vẫn là cái tên đình đám hơn cả. Theo một phân tích của Adobe Analytics dựa trên kết quả khảo sát hơn 1.000 người tiêu dùng và khách hàng truy cập vào các trang web bán lẻ của Mỹ, có đến gần 60% số người tiêu dùng cho biết họ có kế hoạch sẽ mua hàng trực tuyến trong ngày Amazon Prime Day.

Để tận dụng cơ hội này, Target dự kiến sẽ có một chương trình khuyến mãi đặc biệt dành cho phân khúc hàng tạp hóa. Đó là chiếc thẻ quà tặng trị giá 10 USD cho những khách hàng có mức chi tiêu từ 50 USD trở lên các mặt hàng thực phẩm và đồ uống, đồng thời cho phép khách hàng sử dụng một trong các dịch vụ trong ngày bao gồm đưa đón và giao hàng tận nhà. 

Doanh số bán hàng của Target trong năm tài chính 2020 đã tăng hơn 15 tỷ USD - nhiều hơn mức tăng trưởng của 11 năm tài chính trước đó cộng lại. Trong khi đó, cổ phiếu của tập đoàn cũng tăng gần 31% trong năm ngoái, nâng giá trị thị trường lên gần 114,05 tỷ USD.

Doanh số bán hàng tương đương của Target, là doanh số được ghi nhận tại các cửa hàng trực tuyến mở được ít nhất 13 tháng, đã tăng 19,3% trong năm tài chính gần đây nhất – cao hơn bất kỳ cửa hàng tạp hóa lớn nào khác. 

Để so sánh, doanh số tương đương của Kroger và Walmart lần lượt tăng 14,1% và 8,6%, mặc dù số liệu có thể điều chỉnh một chút do năm tài chính của các nhà bán lẻ và định nghĩa doanh số bán hàng có thể khác nhau. 

Krishnakumar Davey, Chủ tịch bộ phận phân tích chiến lược của công ty nghiên cứu thị trường IRI, nhận định Target sẽ sử dụng hàng tạp hóa như một yếu tố khác biệt để kích hoạt “cơ chế bảo vệ” trong ngày Amazon Prime Day. Trong năm qua, cơ chế này đã giúp Target khuyến khích chi tiêu nhiều hơn và thu hút khách hàng mới, ông Davey giải thích.

Theo nghiên cứu thị trường của IRI, Target thâm nhập sâu hơn vào phân khúc những khách hàng có thu nhập thấp hơn và những người mua sắm lớn tuổi.

Phương Nga

M&A bất động sản một thập kỷ nhìn lại
Trong 10 năm qua, thị trường M&A bất động sản tại Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động và có sự phát triển đáng chú ý. Các thương vụ M&A chủ yếu tập trung vào các phân khúc văn phòng, công nghiệp, nhà ở và khách sạn tại các thành phố trọng điểm như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai.