|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh thu Nhựa Bình Minh bất ngờ tăng tốc

14:05 | 24/07/2019
Chia sẻ
Đầu tư gấp đôi cho hoạt động bán hàng, doanh thu 6 tháng của Nhựa Bình Minh tăng đến 22% trong 6 tháng đầu năm 2019.

Doanh thu tăng mạnh nửa đầu năm

CTCP Nhựa Bình Minh (Mã: BMP) vừa công bố, doanh thu trong quí II/2019 của doanh nghiệp này đạt 1.177 tỉ đồng, tăng 7% so với cùng kì năm trước. Nhờ chi phí thấp hơn, Nhựa Bình Minh đạt 275 tỉ đồng lợi nhuận gộp, biên lợi nhuận cũng được cải thiện từ mức 22,55% lên mức 23,36%.

Nhựa Bình Minh trong quí II đã chi 67 tỉ đồng cho hoạt động bán hàng, tăng 120% so với cùng năm 2018. Chi phí quản lí cũng tăng 114% lên mức 41 tỉ đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của Nhựa Bình Minh giảm 14% so với cùng kì năm 2018, ghi nhận ở mức 119 tỉ đồng.

Nhìn chung, hoạt động bán hàng đã được Nhựa Bình Minh chú trọng nhiều hơn trong trong 6 tháng đầu năm. Con số luỹ kế chi cho hoạt động bán hàng trong 6 tháng là 124 tỉ đồng, tăng 117,5% so với cùng năm trước.

Nhờ đó, doanh thu của Nhựa Bình Minh đã tăng 22% lên 2.109 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế giảm 6,7% so với cùng kì năm 2018 xuống mức 210 tỉ đồng.

Ưu tiên mở rộng thị phần

Mức tăng trưởng doanh thu của Nhựa Bình Minh là một tín hiệu khá bất ngờ. Trước đó, sự gia tăng cạnh tranh từ các nhà máy mới của các doanh nghiệp khác trong ngành đã khiến doanh thu Nhựa Bình Minh tăng trưởng rất khiêm tốn trong năm 2018.

Theo Báo cáo của CTCK Rồng Việt (VDSC), giai đoạn 2014-2016, một loạt nhà máy tăng công suất cũng như nhiều doanh nghiệp gia nhập ngành do sức hấp dẫn của lợi nhuận ngành ống nhựa. 

Để chiếm thị phần, nhiều nhà sản xuất lựa chọn chiến lược tăng chiết khấu cho hệ thống phân phối. Trong số đó, nổi bật là Ống nhựa Hoa Sen với chiết khấu lên tới 40%, gây sức ép lên các đối thủ, trong đó có Nhựa Bình Minh. Theo đó, buộc Nhựa Bình Minh phải chấp nhận hi sinh lợi nhuận để tăng giữ thị phần.

Tuy nhiên, chiến lược này vốn tốn kém và không thể kéo dài năm này qua năm khác, cạnh tranh bằng chiết khấu không phải là chiến lược khôn ngoan trong dài hạn. Theo đó, VDSC dự báo các đối thủ của Nhựa Bình Minh sẽ ngừng tăng chiết khấu. Nhựa Bình Minh nhờ đó có thể duy trì biên gộp quanh mức 23% và biên ròng quanh 12%. 

Qua báo cáo 6 tháng đầu năm, việc Nhựa Bình Minh tăng đầu tư cho hoạt động bán hàng cho thấy một thông điệp rõ ràng, họ sẽ tiếp tục ưu tiên giữ vững và đánh chiếm thị phần nhiều hơn là thu về nhiều lợi nhuận. Với vị thế đứng đầu cùng tình hình tài chính lành mạnh, Nhựa Bình Minh có lí do để chấp nhận giảm lợi nhuận nhằm giữ vị trí số một hiện nay.

Tính đến 30/6, Nhựa Bình Minh có tổng tài sản 2.753 tỉ đồng. Dù vẫn duy trì chính sách trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông đều đặn hàng năm, Nhựa Bình Minh vẫn còn khoảng 650 tỉ đồng tiền mặt ròng trên BCTC sau khi trừ nợ vay.

Trong khi đó, đối thủ từng làm đảo lộn thị trường ống nhựa ba năm vừa qua là Hoa Sen đang phải vật lộn với những khó khăn của ngành tôn thép, đặc biệt là tình hình tài chính căng thẳng với những khoản nợ vay hơn chục ngàn tỉ đồng.

Hoàng Trung