Doanh nhân tuổi Dậu 'người khóc người cười' trong năm Đinh Dậu 2017
Năm Đinh Dậu 2017, thị trường chứng khoán bùng nổ khi tăng trưởng 48%, đạt đỉnh 10 năm nhờ dòng tiền khối ngoại, làn sóng thoái vốn bên cạnh yếu tố vĩ mô, chính sách tiền tệ ổn định. Không chỉ thế, bước sang tháng 1/2018, VN-Index đã vượt mốc 1.100 điểm. Sâu trong nội tại việc dòng tiền đổ mạnh vào chứng khoán bắt nguồn từ hoạt động kinh doanh khởi sắc của các doanh nghiệp mà nhờ công lớn của các "thuyền trưởng".
Nhìn lại năm Đinh Dậu 2017, các doanh nhân tuổi Dậu cũng trải qua một năm với "người khóc người cười", người kinh doanh phất, tài sản tăng mạnh nhưng có người lại lao đao vì tài sản bốc hơi, công ty thua lỗ.
"Người cười" vì lợi nhuận kỷ lục, tài sản tăng gấp hai...
Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (Mã: MWG) sinh năm 1969, tức tuổi Kỷ Dậu. Ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch của Thế giới Di động từ năm 2007.
Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Hội đồng quản trị của Thế giới Di động |
Qua 10 năm điều hành Thế giới Di động, từ một doanh nghiệp doanh thu chỉ đạt 86 triệu USD năm 2009 thì hết năm 2017 đã cán mốc 2,9 tỷ USD, đứng số một Việt Nam về thị phần bán lẻ điện thoại di động. Lợi nhuận sau thuế 2017 của Thế giới Di động đạt 2.603 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử thành lập.
2017 cũng là năm chuỗi Điện máy Xanh của Thế giới Di động mở rộng thần tốc với khoảng 357 cửa hàng cùng với đó, Công ty cũng thử nghiệm xong chuỗi Bách hoá Xanh và mở thêm gần 150 cửa hàng.
Đặc biệt, để giải quyết bài toán tăng trưởng khi thị trường bán lẻ điện thoại di động bão hoà, ông Tài đã chọn hướng đi mới ở lĩnh vực dược phẩm để tận dụng thế mạnh bán lẻ của mình. Thế giới Di động hoàn tất mua lại chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang, cửa hàng mới với tên gọi Nhà thuốc An Khang và lên kế hoạch mở 50 - 60 cửa hàng vào cuối năm 2018.
Nhờ kết quả kinh doanh tốt mà cổ phiếu MWG đã tăng trưởng đến 50% hơn 1 năm qua. Bằng việc sở hữu trực tiếp gần 8,2 triệu cổ phiếu MWG, ước tính từ đầu 2017 đến nay, tài sản của ông Tài đã tăng thêm khoảng 287 tỷ đồng lên 918 tỷ đồng.
Từng là một trong ba người phụ nữ lọt top 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á, bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) sinh năm 1957, tức tuổi Đinh Dậu. Bà Dung đã có 13 năm nắm giữ vị trí "thuyền trưởng" của Phú Nhuận.
Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận |
Giống Thế giới Di động thì 2017 của PNJ có thể coi là một năm thành công khi doanh thu và lợi nhuận đều đạt mốc cao nhất lịch sử nhờ tài kinh doanh của nữ tướng Cao Thị Ngọc Dung. Doanh thu của Công ty đạt 10.976 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 726 tỷ đồng; tăng trưởng lần lượt 28% và 61% so với 2016. Trong năm Công ty đã mở mới thêm được 54 cửa hàng trang sức nâng tổng số cửa hàng lên 269.
Kinh doanh khởi sắc cũng khiến cổ phiếu PNJ tăng trưởng đến 119% từ đầu 2017 đến nay. Qua việc sở hữu gần 10 triệu cổ phiếu PNJ, chỉ trong 1 năm qua, tài sản của bà Dung đã tăng thêm 832 tỷ đồng lên 1.470 tỷ đồng, xếp ở vị trí thứ 15 trong danh sách các phụ nữ giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
"Linh hồn" của Pymepharco - đế chế lớn mạnh thứ hai trong ngành dược là ông Huỳnh Tấn Nam với hơn 11 năm gắn bó, đưa Pymepharco liên tục tăng trưởng lợi nhuận từ 2010 đến nay. Ông Nam sinh năm 1957, tức tuổi Đinh Dậu và được cho là người có tầm nhìn dài hạn, dám nghĩ dám làm trong giới lãnh đạo ngành dược.
Ông Huỳnh Tấn Nam - Chủ tịch của Pymepharco |
Năm 2017, "người anh cả" Dược Hậu Giang lao đao vì tăng trưởng, đánh dấu năm suy giảm sau 3 năm tăng trưởng liên tiếp. Còn Pymepharco, nhờ tài chèo lái của ông Huỳnh Tấn Nam, Công ty lại ghi nhận mốc doanh thu và lợi nhuận cao nhất lịch sử với lần lượt đạt 1.622 tỷ đồng, 286 tỷ đồng; tăng 7,5% và 20% so với 2016.
Chào sàn ngày 8/11/2017 với giá tham chiếu 68.000 đồng/cp, có thời điểm cổ phiếu PME tăng lên đến 92.000 đồng/cp và giao dịch ở mức 82.000 đồng/cp tính đến ngày 9/2. So với giá tham chiếu thì cổ đông của Pymepharco đã lãi đến 20% chỉ trong 3 tháng. Bằng việc sở hữu hơn 1 triệu cổ phiếu PME, tài sản của ông Nam cũng tăng khoảng 15 tỷ lên 88 tỷ đồng.
..."người khóc" vì kiện tụng, giá heo
Sinh năm 1957, nhưng ông Đặng Phước Thành - Chủ tịch Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun - Mã: VNS) lại không hề có một năm suôn sẻ khi kinh doanh thụt lùi, doanh nghiệp vướng vào kiện tụng.
Tài sản của Chủ tịch Vinasun Đặng Phước Thành bốc hơi 1/2 chỉ trong một năm |
Ba năm trước, thị phần taxi truyền thống vẫn nằm trong tay ba "ông lớn" là Mai Linh, Vinasun, Taxigroup, sự xuất hiện của Uber, Grab đã xoay chuyển ván cờ này. Từ kẻ thống lĩnh thị phần taxi khu vực phía Nam, năm 2017 Vinasun đã phải cắt giảm đến hơn 10.000 nhân viên. Doanh thu giảm 35% còn 2.937 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế sụt 39% còn 190 tỷ đồng và còn thấp hơn năm 2012.
Grab, Uber đã khiến cuộc chơi thị phần taxi xáo trộn, có thời điểm tháng 10/2017 lái xe của Vinasun đã treo cả biểu ngữ phản đối Grab, Uber với nội dung "Yêu cầu Uber và Grab tuân thủ pháp luật".
Grab, Uber lấn áp sân chơi của Vinasun khi ứng dụng đặt xe ngày càng phổ biến trong thời đại smartphone, đặc biệt là giá cước rẻ hơn nhiều so với taxi truyền thống.
Vinasun cũng đã cố gắng ra mắt ứng dụng đặt xe ngay năm 2015, nhưng dường như cơn bão khủng khiếp của Uber, Grab đã lấn át taxi truyền thống.
Tháng 4/2017, Vinasun đã kiện Grab vì cạnh tranh không lành mạnh và vụ kiện được xét xử ngày 6/2/2018 vừa qua. Vinasun yêu cầu Grab phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng 42 tỷ đồng, tương đương lợi nhuận bị sụt giảm hai năm 2016, 2017. Tuy nhiên Grab đã đưa ra nhiều bằng chứng minh oan cho mình và phiên toà phải tạm dừng để thu thập thêm bằng chứng.
Chưa rõ kết quả vụ kiện tụng sẽ đi đến đâu nhưng trước mắt, ngoài đánh mất thị phần taxi, cổ đông Vinasun ngậm ngùi vì trái đắng cổ phiếu VSN giảm 50% từ đầu năm 2017 đến nay. Với việc sở hữu 16,9 triệu cổ phiếu, chiếm 24,92% vốn cổ phần, thì tài sản của ông Thành - cổ đông lớn nhất đã "bay hơi" khoảng 270 tỷ xuống còn 237 tỷ đồng.
Cùng sinh năm 1957, nếu Chủ tịch Vinasun lao đao vì mất thị phần, kiện tụng thì ông Nguyễn Như So - Chủ tịch của Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã: DBC) cũng có một năm đau đầu vì khủng hoảng ngành chăn nuôi khi dư thừa thịt heo. Có thời điểm giá heo hơi xuống thấp dưới 20.000 đồng/kg, mức thấp nhất tại Việt Nam kể từ trước đến nay. Người nông dân lao đao, khóc ròng vì tiền thu về không bù nổi giá vốn.
Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch Tập đoàn Dabaco |
Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, giống gia súc gia cầm và chế biến thực phẩm thì Dabaco cũng gánh chịu những tổn thất nặng nề từ cuộc khủng hoảng giá heo. Thậm chí vào quý II/2017, Dabaco còn ghi nhận khoản lỗ 33 tỷ đồng vì heo rớt giá, người chăn nuôi không dám tái đàn, Công ty chịu ảnh hưởng từ mảng thức ăn chăn nuôi cho đến con giống.
Sau quý II, giá heo hơi có xu hướng hồi phục, đến cuối năm 2017 dao động quanh 31.000 - 35.000 đồng/kg, nhưng vẫn thấp hơn so với thời kỳ chưa rớt giá khoảng 50.000 - 55.000 đồng/kg. Tuy nhiên đà phục hồi của giá heo cũng giúp Công ty đỡ lao đao trong hai quý cuối 2017.
Cả năm 2017, Dabaco đạt 5.855 tỷ đồng doanh thu thuần, 200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; giảm lần lượt 6% và 56% so với cùng kỳ và chỉ thực hiện được khoảng 62 - 63% kế hoạch năm.
Ngay thời kỳ khủng hoảng, Hội đồng quản trị đã quyết định bán 50% cổ phần Công ty TNHH chế biến thực phẩm Dabaco cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Kido và 5% cho ông Nguyễn Như So.
Dù kinh doanh lao đao năm 2017 song giá cổ phiếu DBC không biến động quá mạnh khi chỉ giảm từ 34.000 đồng/cp xuống thấp nhất khoảng 23.000 đồng/cp hồi tháng 11, sau đó lại hồi phục lên khoảng 27.000 đồng/cp. Với việc sở hữu hơn 15,1 triệu cổ phiếu DBC, chiếm 18,27% vốn, ước tính tài sản ông Nguyễn Như So giảm khoảng trên 100 tỷ đồng và chốt ngày 9/2 ở mức 412 tỷ đồng.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/