Doanh nhân châu Á hứa hẹn gì trong năm 2018 - Phần 1: Thay đổi luật chơi thị trường
Những xu hướng công nghệ ở châu Á trong năm 2018 mà giới khởi nghiệp nên biết | |
Châu Á vượt Mỹ trở thành khu vực có nhiều tỷ phú nhất thế giới |
Để trả lời câu hỏi này, Nikkei Asian Review đã lựa chọn 9 doanh nhân châu Á tiêu biểu để khắc họa xu hướng phát triển chung của các doanh nghiệp lớn tại châu lục này.
Trong phần 1, chúng tôi giới thiệu đến những chiến lược của ông trùm viễn thông Ấn Độ Mukesh Ambani, người kế thừa tập đoàn tư nhân số 1 Thái Lan Suphachai Chearavanont, và bà Aireen Omar - CEO của AirAsia Berhad.
Mukesh Ambani: Người thay đổi luật chơi thị trường viễn thông Ấn Độ
Ông Mukesh Ambani, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Reliance Industries (Ấn Độ). Nguồn: Amit Dave/Reuters. |
Ông Mukesh Ambani, tỷ phú Ấn Độ sở hữu tập đoàn Reliance Industries, đã làm chấn động thị trường viễn thông cạnh tranh khốc liệt tại nước này khi cho ra mắt mạng di động 4G Reliance Jio Infocomm. Trong năm 2018 này, thị trường đang chờ đợi bước đi tiếp theo của Reliance Jio.
Việc Reliance Jio ra mắt vào tháng 9/2016 đã khơi mào cuộc chiến giá nảy lửa giữa hãng này với các nhà mạng hiện hữu như Bharti Airtel, Vodafone India và Idea Cellular. Reliance Jio đã khiến thị trường “phát sốt” khi cung cấp các cuộc gọi thoại và dữ liệu di động miễn phí cho các thuê bao của mình đến hết ngày 31/3.
Nhà mạng này hiện sở hữu 150 triệu thuê bao và, dù bắt đầu tính cước kể từ tháng 4, các gói cước dữ liệu 4G với giá cực thấp của Jio dự kiến sẽ tiếp tục thu hút khách hàng trong năm 2018.
“Jio có còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng mạng 4G nữa hay không vẫn cần thời gian trả lời. Sau một năm miễn phí cước gọi và dữ liệu di động, Jio có thể tăng giá cước trong năm 2018, khiến cuộc đua với các nhà mạng khác của Ấn Độ trở nên cân bằng hơn”, báo cáo tháng 12/2017 của OpenSignal (Anh) cho biết.
Tuy nhiên, tâm điểm trong năm 2018 sẽ là quan hệ giữa tỷ phú Mukesh Ambani với người em trai, Anil Ambani – Chủ tịch hãng Reliance Communications đang chìm sâu trong nợ nần. Ông Anil Ambani đã công bố kế hoạch xử lý nợ vào tháng 12/2017, gồm việc rút khỏi thị trường viễn thông không dây và bán bớt tài sản, trong đó có bất động sản.
Ngày 28/12/2017, hai anh em nhà Ambani công bố việc ký kết thỏa thuận ràng buộc trong đó Reliance Jio sẽ mua lại hạ tầng mạng không dây của Reliance Communications. Thỏa thuận này dự kiến sẽ được chính phủ xem xét và thông qua từng bước một trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay.
Với ông Mukesh Ambani, Jio không chỉ là một công ty viễn thông đơn thuần. Nhờ trí tuệ nhân tạo và công nghệ blockchain hiện nay, ông cho rằng Jio đang có cơ hội số hóa mọi lĩnh vực của nền kinh tế Ấn Độ - từ tài chính, công nghiệp, nông nghiệp đến giáo dục, giải trí và chăm sóc sức khỏe.
“Liệu Jio có thể trở thành doanh nghiệp đầu tiên đổi mới cả một quốc gia trên mọi lĩnh vực? Chúng tôi có thể và sẽ làm được”, ông Ambani cho biết.
Suphachai Chearavanont: Người kế thừa tập đoàn tư nhân số 1 Thái Lan
Ông Suphachai Chearavanont, giám đốc điều hành Tập đoàn CP (Thái Lan). Nguồn: The Nation. |
Suphachai Chearavanont là con út của tỷ phú người Thái Dhanin Chearavanont, nhưng ông lại là người có sự nghiệp nổi bật nhất trong 4 anh chị em. 2018 có thể là năm mà ông sẽ bước ra khỏi cái bóng của cha mình.
Cách đây một năm, ông Suphachai 50 tuổi, chính thức nối nghiệp cha khi tiếp nhận chức giám đốc điều hành Tập đoàn Charoen Pokphand (CP) – đế chế viễn thông, bán lẻ và nông nghiệp số 1 Thái Lan. Dù vẫn giữ ghế chủ tịch tập đoàn nhưng ông Dhanin đã có kế hoạch chuyển giao toàn bộ quyền lực trong vòng 10 năm tới.
“Còn rất nhiều thứ tôi phải học hỏi từ cha mình”, ông Suphachai nói với Nikkei Asian Review vào tháng 1/2017 sau khi nhậm chức CEO Tập đoàn CP.
Ông từng là giám đốc điều hành hãng viễn thông True Corp trực thuộc CP từ năm 1999. Ông đã đưa True Corp thành nhà mạng di động lớn thứ 3 Thái Lan, vượt qua Total Access Communication nhờ tận dụng triệt để các công nghệ mới. Dù tham gia thị trường viễn thông muộn hơn các đối thủ nhưng True Corp là nhà mạng đầu tiên bán iPhone và vận hành mạng 4G tại Thái Lan.
Tầm nhìn của Tập đoàn CP trong 5 đến 10 năm tới, theo tuyên bố của ông Suphachai vào tháng 5/2017, là trở thành “một doanh nghiệp phát triển nhờ chất lượng và công nghệ tiên tiến”. CP sẽ tập trung vào dịch vụ hậu cần, ứng dụng robot vào sản xuất và công nghệ sinh học.
“Nếu không thay đổi, chúng tôi sẽ tụt lại phía sau vì mọi thứ đang biến đổi quá nhanh”, ông Suphachai nói với truyền thông địa phương vào tháng 5/2017.
Aireen Omar: Người có nhiệm vụ biến AirAsia thành ‘doanh nghiệp kỹ thuật số’
Bà Aireen Omar sẽ giữ chức phó CEO tập đoàn AirAsia từ ngày 10/1. Nguồn: Huffington Post. |
Aireen Omar, giám đốc điều hành AirAsia và CEO AirAsia Berhad (Malaysia), đang có nhiệm vụ và mục tiêu mới là biến hãng hàng không giá rẻ này thành một “doanh nghiệp kỹ thuật số”.
Từ ngày 10/1, bà Aireen Omar sẽ đảm nhận chức Phó CEO tập đoàn AirAsia. Với vị trí này, bà có nhiệm vụ hỗ trợ CEO Tony Fernandes; quản lý các hoạt động phi hàng không của hãng, gồm dịch vụ thanh toán trực tuyến BigPay, website mua sắm trực tuyến hàng miễn thuế ROKKIShoppe.com và công ty phục vụ món ăn trên chuyến bay Santan.
Việc thăng chức cho bà Aireen nằm trong kế hoạch phát triển 10 năm tới của CEO Tony Fernandes. Ông Fernandes đang thành lập một công ty đầu tư bao gồm AirAsia - công ty con hoạt động chuyên biệt trong ngành hàng không giá rẻ, cùng với các công ty con khác.
Bà Aireen là một trong số ít những phụ nữ đã phá vỡ các rào cản vô hình để khẳng định mình trong ngành công nghiệp hàng không. Bà tham gia AirAsia từ năm 2006 với vị trí giám đốc tài chính, sau đó được thăng chức tương đương CEO vào năm 2012.
Với kinh nghiệm giao dịch chứng khoán phái sinh tại công ty chứng khoán Deutsche Bank chi nhánh New York và London, bà đã giúp AirAsia huy động vốn bằng các mô hình tài chính sáng tạo trong giai đoạn khủng hoảng năm 2009 để phát triển đội bay.