Doanh nghiệp ngoại khó nhọc đưa công nhân trở lại nhà máy, dù Thượng Hải đã nới phong tỏa
Thiếu công nhân trầm trọng
Kể từ tháng 3, Trung Quốc đã áp đặt các đợt phong tỏa cũng như biện pháp hạn chế nghiêm ngặt tại những trung tâm kinh tế lớn trong nước, từ thành phố Thâm Quyến ở phía nam đến tỉnh Cát Lâm ở phía bắc.
Đợt phong tỏa ở Thượng Hải là một trong các sự cố gây xáo trộn nhất đối với cuộc sống của người dân cũng như đối với hoạt động và chuỗi cung ứng của doanh nghiệp nước ngoài. Thượng Hải chiếm khoảng 3,8% GDP của Trung Quốc, đồng thời là nơi có cảng biển nhộn nhịp nhất thế giới.
Cuối tuần trước, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc thông báo đã cử một nhóm quan chức đến Thượng Hải. Bộ này kêu gọi ưu tiên nối lại hoạt động tại 666 doanh nghiệp lớn trong các ngành nhu chip, biopharma và sản xuất ô tô.
Bà Bettina Schoen-Behanzin, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc (Eurocham), cho biết một số lượng “đáng kể” các thành viên của Eurocham nằm trong danh sách của Bộ Công nghiệp Trung Quốc.
Tuy nhiên, “nhiều công ty vẫn phải đối mặt với những thách thức do thiếu lao động và khó khăn về logistics”, bà Schoen-Behanzin chia sẻ với CNBC. Theo ước tính, chưa đến 30% nhân viên của các công ty thành viên có đủ điều kiện để trở lại làm việc.
Nằm trong danh sách của Bộ Công nghiệp Trung Quốc đồng nghĩa rằng một nhà máy có thể hoạt động trở lại nếu công nhân sinh hoạt tại cơ sở sản xuất và chỉ tiếp xúc hạn chế với những người có kết quả xét nghiệm âm tính hợp lệ. Quy trình này được gọi là “quản lý khép kín”.
“Một số doanh nghiệp ước tính, dù được liệt vào danh sách trắng, họ khó có thể hoàn thành các yêu cầu cần thiết để đạt được trạng thái quản lý khép kín hoặc có thể chỉ kêu gọi được 30 - 40% nhân viên quay trở lại nhà máy”, ông Matthew Margulies - Phó Chủ tịch phụ trách hoạt động tại Trung Quốc của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung, cho hay.
Theo lời ông Johan Annell, đối tác tại hãng tư vấn Asia Perpective, khi các công ty nước ngoài cố gắng thu hút công nhân mới vào làm việc, họ thường sẽ gặp trục trặc với “chính quyền địa phương, những người không muốn cho người dân ra khỏi nhà”.
Một thách thức khác đối với những người lao động được phép rời khỏi căn hộ của họ là các hạn chế liên quan đến việc đi lại thời COVID.
Ngoài ra, hạn chế giao thông cũng có thể ảnh hưởng đến việc phân phối linh kiện. Ông Annell cho biết: “Các tài xế xe tải luôn lo sợ rằng nếu có nguy cơ bị cách ly 14 ngày khi đến nhà máy đó thì họ thà bỏ đơn giao hàng và làm việc khác”.
Vị đối tác nói thêm, để một doanh nghiệp có thể hoạt động với 30% công suất trong một tuần là “một kết quả thực sự rất khả quan rồi”.
Vận tải đường bộ điêu đứng
Chính sách kiểm soát dịch giữa các tỉnh thường khác nhau và có thể bao gồm lệnh cấm đi lại cho đến yêu cầu xét nghiệm COVID đối với tài xế lái xe. Các biện pháp này đã gây thiệt hại không đồng đều lên doanh nghiệp, dù là nước ngoài hay trong nước.
Một thước đo doanh thu vận tải hàng hóa đường bộ của Trung Quốc đã giảm 27,2% trên toàn quốc kể từ ngày 1 đến 17/4 so với cùng kỳ năm trước, nhà kinh tế Ting Lu của Nomura cho hay. Đối với Thượng Hải, chỉ số trên thậm chí còn lao dốc 82,6% trong cùng giai đoạn.
Chính quyền Bắc Kinh đã hơn một lần kêu gọi chính quyền các địa phương nên hỗ trợ dịch vụ vận tải hàng hóa và loại bỏ bớt quy định, chẳng hạn như bắt người lái xe phải đợi kết quả xét nghiệm trước khi có thể đi tiếp.
Tuần trước, ông Richard Yu - Giám đốc nhóm kinh doanh tiêu dùng của Huawei, đã cảnh báo trong một bài đăng trên WeChat rằng nếu hoạt động sản xuất tại Thượng Hải không được nối lại trong tháng 5, toàn bộ các doanh nghiệp công nghệ và công nghiệp có chuỗi cung ứng liên kết với thành phố này sẽ phải dừng lại, đặc biệt là ngành sản xuất ô tô.
Doanh nghiệp nước ngoài nói gì?
Theo CNBC, các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc đang báo cáo tình hoạt động trở lại ở nhiều mức độ khác nhau. Ở diễn biến khác, Thượng Hải vẫn ghi nhận khoảng 20.000 ca nhiễm mới hàng ngày.
Theo lời CEO Tesla Elon Musk trong cuộc họp gần đây, nhà máy ở Thượng Hải của Tesla đã “vận hành trở lại” kể từ ngày 20/4. “Chúng tôi đã gặp phải những thách thức đáng kể do phong tỏa song vẫn có thể sản xuất một lượng lớn các phương tiện chất lượng cao”.
Mặt khác, công ty hóa chất DuPont cho biết trong khi hầu hết các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc của họ đã hoạt động bình thường hoặc được quản lý khép kín, các nhà máy tại Thượng Hải vẫn phải đóng cửa.
“Các cơ sở tại Thượng Hải sẽ quay lại làm việc ngay khi chúng tôi nhận được sự chấp thuận của chính phủ Trung Quốc…Chúng tôi đang đánh giá những thách thức về logistics và tìm kiếm các tuyến đường cũng như hệ thống thay thế để vận chuyển sản phẩm và nguyên liệu nhằm đáp ứng nhu cầu của khác hàng”, DuPont cho hay.
Đầu tuần trước, Volkswagen thông báo đang đánh giác mức độ của khả thi của việc tiếp tục sản xuất tại nhà máy ở Anting, ngoại ô Thượng Hải. Trong khi đó, nhà máy của hãng ở Changchun, tỉnh Cát Lâm đã “dần trở lại hoạt động”.
Tập đoàn hóa chất khổng lồ của Đức BASF cho biết các cơ sở của họ ở Thượng Hải đã phải hoạt động dưới các biện pháp hạn chế của chính quyền địa phương kể từ cuối tháng 3, một số dây chuyền phải giảm công suất.
BASF nhấn mạnh: “Đã có những vấn đề về nguồn cung nguyên liệu thô, gián đoạn logistics và thiếu hụt lao động gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của chúng tôi”.