|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thiếu công nhân vào giai đoạn nước rút

16:42 | 26/07/2021
Chia sẻ
"Điều mong mỏi của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản giờ này là công nhân được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 càng sớm càng tốt. Nếu doanh nghiệp chết sẽ kéo theo cả chuỗi như ngân hàng, nông ngư dân… cùng chung số phận", đại diện doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cho biết.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở TP HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) quá nhanh khiến hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản dù đã chuẩn bị các phương án ứng phó nhưng vẫn lúng túng.

Để thực hiện "3 tại chỗ", nhiều công ty thuyết phục công nhân, người lao động bằng nhiều chính sách như cung cấp chỗ ăn nghỉ, đồ dùng thiết yếu, phụ cấp thêm từ 50.000 - 100.000 đồng/ngày để duy trì ổn định sản xuất.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp không bố trí đủ chỗ ở thì đành chấp nhận thuê khách sạn hoặc kí túc xá sinh viên cho công nhân. Tuy nhiên, hiện có 30 - 50% công nhân xin nghỉ việc vì con nhỏ, hoàn cảnh gia đình hoặc vì đã tiếp xúc với người từ Bình Dương, Long An, TP HCM trở về.

Hoặc một số doanh nghiệp phải giảm công suất chế biến từ 30 - 90% do không thể sắp xếp được chỗ ở, nghỉ ngơi cho công nhân và người lao động.

VASEP cho biết với đặc thù của ngành chế biến thủy sản thì không thể bố trí chỗ ở cho công nhân ngay tại nhà máy đông lạnh, thậm chí còn phải tách biệt với khu chế biến để đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, từ trước đến nay phần lớn lao động của các nhà máy chế biến thủy sản là người dân địa phương nên vẫn đi về trong ngày, ít trường hợp có nguyện vọng, nhu cầu ở lại khu nhà của công ty. Do đó, doanh nghiệp cần có thời gian chuẩn bị các phương án sản xuất cũng như tài chính.

Những doanh nghiệp không thể bố trí được thì buộc phải tạm đóng cửa nhà máy, cho công nhân nghỉ việc, vẫn trả lương.

Quý I và II, nguồn tôm nguyên liệu ít và giá cao nên doanh nghiệp chỉ duy trì công suất ổn định. Tuy nhiên, kể từ quý III, xuất khẩu tăng tốc vì đơn hàng nhiều và tôm bắt đầu rộ thu hoạch.

Tuy nhiên, đúng vào thời điểm nước rút thì COVID-19 lại bao vây tứ phía miền Tây. Dù nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng việc vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu vẫn gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp cũng phải "bó tay".

"Điều mong mỏi của doanh nghiệp giờ này không phải là tăng trưởng bao nhiêu mà là công nhân, người lao động được tiêm vắc xin càng sớm càng tốt. Doanh nghiệp đang cầm hơi để cả nghìn công nhân không bị thất nghiệp.

Nếu doanh nghiệp chết sẽ kéo theo cả chuỗi như ngân hàng, nông ngư dân… cùng chung số phận", Tổng Giám đốc một doanh nghiệp cá tra tại Đồng Tháp cho biết.

Trao đổi với người viết, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: "Hiện nay, một số doanh nghiệp thủy sản đang gặp khó khăn do có tình trạng công nhân bị nhiễm COVID-19 hoặc công nhân e ngại, không dám đi làm.

Bộ NN&PTNT có văn bản đề nghị các tỉnh quan tâm, ưu tiên cho xét nghiệm và tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho các đơn vị chế biến, đóng gói thủy sản và giết mổ gia súc, gia cầm.

Tuy nhiên, tùy theo nguồn vắc xin được phân bổ mà các địa phương sẽ sắp xếp đối tượng ưu tiên".

Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu tôm phản ánh việc xe chở thức ăn nuôi tôm xuống vùng nuôi bị kiểm tra tải trọng hay xe chở đầu vỏ tôm không được qua Cần Thơ để bán cho nhà máy chế biến vì không phải hàng thiết yếu.

Mặt khác, Bộ Y tế đã gửi công văn gửi UBND các tỉnh không kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa (lái xe, người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hóa đi theo xe).

Nhưng hầu hết các tỉnh miền Tây vẫn yêu cầu tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính COVID-19. Điều này cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, dồn doanh nghiệp vào thế khó.

Hoàng Anh