Doanh nghiệp xuất khẩu lao động 'bất động' trong đại dịch
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối tháng 11-2019, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (Hanic) đã đứng ngồi không yên vì biết chắc rằng, các hợp đồng đưa lao động của công ty sang các quốc gia và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Malaysia, thị trường trọng điểm của Hanic sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
“Vũ Hán là trung tâm cung cấp nguyên liệu đầu vào sản xuất cho các nhà máy tại Đài Loan, Malaysia, ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng tại các thị trường mà chúng tôi đang đưa lao động sang làm việc", ông Lê Tuấn Hùng, Phó tổng giám đốc Hanic nói.
Do đó, bắt đầu từ cuối năm 2019, công ty đã dừng đưa lao động sang Đài Loan làm việc. Đến hết tháng 2, công ty tiếp tục dừng đưa lao động đi Malaysia. Thời điểm này, việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là rất nguy hiểm, khả năng lây nhiễm dịch bệnh cao tại các sân bay. Chưa kể, các đối tác của Hanic cũng ít việc, họ đã chủ động dừng đưa lao động theo các hợp đồng đã ký trước đó.
Nếu như những năm trước, đầu năm là thời điểm nhộn nhịp đưa lao động đi làm việc tại các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan…thì nay, nhiều đơn hàng tuyển dụng, xuất cảnh lao động đều bị tạm dừng trong thời gian dịch. Một số doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu lao động sang thị trường Hàn Quốc, Đài Loan… trong tháng 2 đã tạm lùi ngày xuất cảnh của lao động và chưa biết bao giờ có thể nối lại được.
Giám đốc một công ty xuất khẩu lao động đưa khoảng 700 lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2019 cho hay, kể từ sau Tết Nguyên đán, một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Đài Loan, Trung Đông bắt đầu giảm đơn hàng tiếp nhận lao động Việt Nam. Trong tháng 3, một số thị trường dừng không tiếp nhận lao động và một số hãng bay quốc tế cũng dừng đường bay. Đến tháng 4 thì dừng hẳn tất cả các thị trường.
“Đường bay cấm nên các đối tác nước ngoài cũng không tới Việt Nam để phỏng vấn lao động được. Nhiều lao động có visa cũng không bay được. Những đơn hàng đã tuyển rồi thì dừng làm hồ sơ. Kế hoạch tuyển dụng của các đối tác cũng cắt giảm hơn 50%”, ông này nói.
Nhiều lao động do công ty này tuyển dụng, dù đã có visa nhưng trong tình cảnh thấp thỏm chờ đợi, không biết bao giờ mới có thể được sang Đài Loan và Nhật Bản.
Vừa qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có công điện yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước chỉ đạo các doanh nghiệp tạm dừng tổ chức xuất cảnh cho người lao động đến hết ngày 30-4.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài cần tuyên truyền, vận động người lao động Việt Nam yên tâm ở lại và chấp hành quy định của nước sở tại về phòng, chống dịch Covid-19, không di chuyển, không đến các địa bàn có dịch Covid-19; tăng cường quản lý, nắm tình hình, đảm bảo quyền lợi của người lao động trong trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo quy định này, các doanh nghiệp phải tạm dừng những hợp đồng đã ký. Những hợp đồng này có thể sẽ được thực hiện trở lại khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải tạm dừng tuyển chọn và đào tạo lao động.
Theo ông Hùng, số lao động làm việc tại Đài Loan hiện nay vẫn có việc làm và thu nhập bình thường do chính phủ nước này kiểm soát dịch bệnh khá tốt. Tuy nhiên, với thị trường Malaysia, lao động tại đây khá hoang mang do số ca nhiễm tại quốc gia này đã lên hơn 3.700 trường hợp. Đặc biệt, trong thời gian phong tỏa đất nước, một số lao động không có việc làm, dù vậy vẫn được nhận mức lương cơ bản đủ để trang trải cuộc sống. Một số công nhân làm trong lĩnh vực sản xuất mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thiết bị y tế vẫn có việc làm, thu nhập gấp 3 lần ngày thường vì được tính làm vào ngày lễ.
“Nói chung, về cơ bản, thu nhập lao động thấp hơn nhưng vẫn duy trì được cuộc sống", ông Hùng nói.
Ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam (Vamas) cho rằng, trong quí 1 có khoảng gần 5.000 lao động trở về nước, trong đó Nhật Bản là gần 3.000 lao động, Hàn Quốc là 1.255 lao động. “Những lao động này chủ yếu là do hết hạn hợp đồng trở về nước".
Theo ông Tân, đây là thời gian để doanh nghiệp cơ cấu lại hoạt động, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giảng dạy, cũng như tuyển chọn lao động.
Theo thống kê chưa đầy đủ, có trên 32.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong quí 1. Quy mô lao động vẫn lớn nhất là đến các nước thị trường Đông Bắc Á, chiếm gần 97% tổng số lao động đưa đi. Số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài giảm không đáng kể so với cùng kỳ năm trước, khoảng 0,8%. Tuy nhiên, kể từ quí 2 trở đi, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ giảm mạnh.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện có trên 560.000 lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài tại 36 quốc gia và vùng lãnh thổ có trường hợp nhiễm Covid-19.
Trong đó, tại Hàn Quốc có 48.000 người; Nhật Bản có khoảng 230.000 thực tập sinh/lao động người Việt đang (số này chưa bao gồm khoảng 9.000 người là thực tập sinh đã bỏ trốn, đang cư trú bất hợp pháp); tại Đài Loan (Trung Quốc) có 224.713 lao động Việt Nam; và khoảng hơn 10.000 lao động Việt Nam làm việc trên 13 thị trường châu Âu.