|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp VN30: Lãi ròng quí I giảm hơn 350 tỉ đồng, gần 2/3 có ROA và ROE tụt dốc

05:50 | 10/05/2019
Chia sẻ
Quí I vừa qua, tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp trong chỉ số VN30 giảm nhẹ dù doanh thu tăng hơn 4%. Các chỉ số ROA và ROE của đa số các công ty đều đi xuống.

Doanh thu tăng, lợi nhuận giảm, ngân hàng áp đảo

Theo thống kê của FiinPro, 30 doanh nghiệp góp mặt trong chỉ số VN30 đạt tổng doanh thu thuần 197.266 tỉ đồng trong quí I vừa qua, tăng trưởng 4,1% so với cùng kì năm ngoái (doanh thu thuần của các ngân hàng được coi là thu nhập lãi thuần).

Ngược lại, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp này lại giảm hơn 1%, tương đương giảm 358 tỉ đồng xuống còn 33.698 tỉ đồng.

Cá biệt doanh nghiệp duy nhất báo lỗ là Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (Mã: CII). Theo giải trình của CII, trong quí I/2019, mặc dù công ty đã hoàn tất một số công đoạn trọng yếu nhưng theo chuẩn mực kế toán vẫn chưa đủ điều kiện để ghi nhận doanh thu và lợi nhuận, do vậy công ty chịu lỗ sau thuế 5,51 tỉ đồng. Việc hạch toán sẽ được thực hiện trong quí II và như vậy CII kì vọng lợi nhuận hợp nhất lũy kế 6 tháng đầu năm 2019 (chưa trừ lợi thế thương mại) có thể đạt khoảng 500 tỉ đồng, thực hiện 53,65% kế hoạch đề ra. Trong quí I/2018, CII có lãi gần 16 tỉ đồng.

Doanh nghiệp VN30: Lãi ròng quí I giảm hơn 350 tỉ đồng, gần 2/3 có ROA và ROE tụt dốc - Ảnh 1.

Lợi nhuận sau thuế quí I của 30 doanh nghiệp trong chỉ số VN30 (tỉ đồng). Nguồn số liệu: FiinPro.

Tuy nhiên CII không phải doanh nghiệp duy nhất có kết quả kinh doanh đi xuống. Trong nhóm VN30 quí vừa qua có tới 12 thành viên báo lãi sau thuế giảm. Tỉ lệ giảm thấp nhất là CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS) với 1,9%, kế đến là Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (Mã: REE) với 7,7%. Đại gia ngành thép CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) báo lãi giảm tới 19%. Đây là kết quả đã được Chủ tịch Trần Đình Long báo trước trong đại hội cổ đông thường niên tổ chức ngày 29/3, nguyên nhân được ông Long đưa ra là giá quặng sắt tăng cao do sự cố vỡ đập Vale tại Brazil.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Mã: VCB) giữ ngôi quán quân lợi nhuận quí vừa qua với giá trị 4.707 tỉ đồng, theo sau là Tổng công ty Khí Việt Nam (Mã: GAS) với 3.029 tỉ đồng, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Mã: VNM) với 2.791 tỉ đồng và Công ty cổ phần Vinhomes (Mã: VHM) lãi ròng 2.540 tỉ đồng.

Tính chung có 13 doanh nghiệp lãi ròng trên nghìn tỷ. Ba doanh nghiệp thuộc "họ Vingroup" là Tập đoàn Vingroup, Vinhomes và Vincom Retail chiếm 10% về số lượng nhưng đóng góp 12,43% lợi nhuận của cả nhóm với giá trị 4.191 tỉ đồng

8 ngân hàng chỉ chiếm 23,3% về số lượng nhưng có tổng lợi nhuận sau thuế 14.596 tỉ đồng, đóng góp 43,3%.

Gần 2/3 doanh nghiệp có ROA và ROE sụt giảm

Các tỉ lệ ROA và ROE ở đây được tính bằng tổng lợi nhuận 4 quí gần nhất (Quí II, III, IV/2018 và quí I/2019) chia cho giá trị tài sản hoặc vốn chủ sở hữu cuối quí I/2019).

Xét về tỉ lệ ROA, có 19/30 doanh nghiệp có ROA của năm kết thúc quí I/2019 sụt giảm so với năm kết thúc quí I/2018. Công ty cổ phần Gemadept (Mã: GMD) có ROA giảm mạnh nhất, từ 26,31% xuống còn 10,22%, tương đương mức giảm 16,1%.

Doanh nghiệp VN30: Lãi ròng quí I giảm hơn 350 tỉ đồng, gần 2/3 có ROA và ROE tụt dốc - Ảnh 2.

ROA của nhóm doanh nghiệp VN30 trong 4 quí kết thúc ngày 31/3/2019. Nguồn số liệu: FiinPro

Đồng thời cũng có 19/30 doanh nghiệp có ROE đi xuống. Tuy nhiên hai tập hợp doanh nghiệp này không hoàn toàn trùng khớp nhau. 

Hai ngoại lệ duy nhất là Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) có ROE tăng nhưng ROA giảm và Công ty cổ phần tập đoàn Masan (Mã: MSN) có ROE giảm nhưng ROA đi lên.

Doanh nghiệp VN30: Lãi ròng quí I giảm hơn 350 tỉ đồng, gần 2/3 có ROA và ROE tụt dốc - Ảnh 3.

ROE của nhóm doanh nghiệp VN30 trong 4 quí kết thúc ngày 31/3/2019. Nguồn số liệu: FiinPro

Công ty cổ phần Vinhomes (Mã: VHM) dẫn đầu trong việc cải thiện cả tỉ lệ ROA lẫn ROE với mức tăng lần lượt là 5,49 và 14,15 điểm %. 

Tổng tài sản của 30 doanh nghiệp thời điểm 31/3 đạt xấp xỉ 5,1 triệu tỉ đồng, tăng 11,6% so với một năm trước đó. Vốn chủ sở hữu 810.000 tỉ đồng, tăng 23,6% so với ngày 31/3/2018.

Song Ngọc

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.