|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp tôn mạ, ống thép phản bác lập luận của Hoà Phát về áp thuế thép HRC

12:27 | 08/04/2024
Chia sẻ
Liên quan đến phát biểu của ông Nguyễn Việt Thắng – CEO Tập đoàn Hòa Phát về lý do gửi đơn yêu cầu khởi kiện áp thuế chống bán phá giá đối thép HRC nhập khẩu, nhóm 9 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép đã có phản ứng mạnh mẽ trước thông tin này.

Trước đó, ngày 26/3, trong buổi gặp mặt các nhà đầu tư tại Khu Liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất, ông Thắng dẫn 3 lý do đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đầu tiên, lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh. Thứ hai, giá bán HRC của Trung Quốc giảm từ 618 USD/tấn vào quý I/2023 xuống  còn 557 USD/tấn trong quý IV/2023 có dấu hiệu bán phá giá. Và cuối cùng một số doanh nghiệp Trung Quốc bán HRC vào Việt Nam dưới giá thành, chấp nhận bán lỗ để bán được hàng, cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp Việt Nam.

Các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam khẳng định rằng 3 lý do này không có cơ sở pháp lý và không phù hợp với diễn biến thực tế thị trường để đề nghị khởi xướng điều tra CBPG sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc. 

Cụ thể, với lý do đầu tiên, theo quy định Luật Quản lý Ngoại Thương 2017, lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh không phải là điều kiện để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá. Điều này không nằm trong 3 điều kiện để áp dụng biện pháp CBPG với một loại hàng hoá nhập khẩu.

Theo các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam, lượng HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng là điều tất yếu vì cung HRC nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu.

“Theo quy luật cung cầu của thị trường, quốc gia nào sản xuất được HRC chất lượng tốt với giá bán hợp lý sẽ xuất khẩu được nhiều HRC hơn các quốc gia khác. Trong năm 2023, HRC do các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất có chất lượng tốt, giá bán hợp lý, nên lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc tăng nhiều hơn so với nhập khẩu HRC từ các quốc gia khác là hoàn toàn phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường”, nhóm 9 doanh nghiệp cho biết. 

Đối với lý do thứ hai “giá bán thép HRC giảm trong năm 2023 có dấu hiệu bán phá giá”, nhóm doanh nghiệp cho rằng không có căn cứ pháp lý để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá.

Các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép khẳng định rằng “giá bán giảm” và “bán phá giá” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, không thể bị sử dụng nhầm lẫn dẫn đến hiểu sai bản chất của vấn đề.

Giá bán HRC trên thế giới chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó 2 yếu tố chính là chi phí sản xuất HRC của từng quốc gia; và quan hệ cung cầu HRC tại từng thời điểm.

Chi phí nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi phí sản xuất HRC. Nguyên liệu chính để sản xuất HRC là quặng sắt và than cốc. Giá quặng sắt và than cốc biến động hàng ngày theo quan hệ cung cầu trên thị trường. 

Ngoài ra, chi phí năng lượng, chi phí nhân công, chi phí đầu tư máy móc thiết bị, thời gian khấu hao máy móc thiết bị và các chi phí khác phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau ở các quốc gia khác nhau. Do đó, chi phí sản xuất HRC của mỗi quốc gia sẽ khác nhau và vận động hoàn toàn khách quan theo quy luật cung cầu của cơ chế thị trường.

Quan hệ cung cầu HRC trên thế giới cũng thay đổi hàng ngày. Việc tăng cung hoặc giảm cung, hoặc tăng cầu, hoặc giảm cầu HRC tại từng thời điểm đều sẽ làm tăng hoặc giảm giá bán HRC trên thế giới. Đây là vận động hoàn toàn khách quan theo quy luật cung cầu của cơ chế thị trường.

Kết hợp 2 yếu tố chính tác động lên giá bán HRC là chi phí sản xuất ở mỗi quốc gia sẽ khác nhau và quan hệ cung cầu HRC trên thế giới thay đổi hàng ngày sẽ dẫn đến giá HRC thế giới biến động hàng ngày. 

“Như vậy, giá bán HRC thế giới tăng hay giảm là kết quả khách quan theo quy luật cung cầu của cơ chế thị trường. Giá bán HRC của Trung Quốc giảm từ 618 USD/ tấn vào quý I/2023 xuống còn 557 USD/ tấn trong quý IV/2023 là hoàn toàn phù hợp với xu hướng giảm giá HRC của thế giới”, các doanh nghiệp cho biết. 

Lý do cuối cùng, “một số doanh nghiệp Trung Quốc bán HRC vào Việt Nam dưới giá thành, chấp nhận bán lỗ để bán được hàng”, nhóm 9 doanh nghiệp cho rằng điều này không có căn cứ. 

Họ cho rằng để biết các doanh nghiệp sản xuất HRC tại Trung Quốc có đang bán lỗ, bán dưới giá thành sản phẩm HRC vào Việt Nam hay không, cần có số liệu chi tiết về giá thành sản xuất HRC của các doanh nghiệp Trung Quốc. Thực tế, không thể có một doanh nghiệp Việt Nam nào có thể tiếp cận với hồ sơ kế toán của các doanh nghiệp Trung Quốc để biết chi phí sản xuất HRC của các doanh nghiệp Trung Quốc là bao nhiêu bởi đây là các thông tin bảo mật của từng doanh nghiệp. Do đó, đây chỉ là phỏng đoán không có căn cứ để cố chứng minh Hòa Phát đang bị cạnh tranh không lành mạnh bởi HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.

Chia sẻ tại Toạ đàm Áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng thép cán nóng (HRC) , nên hay không? của VITV, ông Vũ Văn Thanh – Phó Tổng Giám đốc, Tập đoàn Hoa Sen cho biết nhận định “doanh nghiệp Trung Quốc bán HRC dưới giá thành” mang tính chất “hoài nghi”

“Tại sao biết họ bán lỗ?”, ông Thanh đặt vấn đề.

TS Vũ Đình Ánh – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính) cho biết “Kể cả trong trường hợp họ lỗ vẫn là hoạt động kinh doanh bình thường. Do đó, trong kinh tế có thuật ngữ “thời gian hoàn vốn”, nên người ta hoàn toàn chấp nhận lỗ, đặc biệt là những doanh nghiệp mới”.

Theo nhóm 9 doanh nghiệp, giả định rằng có tình trạng các doanh nghiệp Trung Quốc bán HRC vào Việt Nam dưới giá thành, bán lỗ để cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp sản xuất HRC tại Việt Nam, đây không phải là hành vi bán phá giá theo quy định của Điều 78, Luật Quản lý Ngoại Thương.

Theo Điều 78, Luật Quản lý Ngoại Thương số 05/2017/QH14, biện pháp chống bán phá giá được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu khi thỏa mãn đủ 3 điều kiện sau đây:

-       Điều kiện 1: Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bị bán phá giá với biên độ bán phá giá được xác định cụ thể;

-       Điều kiện 2: Ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước;

-       Điều kiện 3: Tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bị bán phá giá ở Điều kiện 1 với thiệt hại của ngành sản xuất trong nước quy định ở Điều kiện 2.

 

H.Mĩ

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.