|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Làm thép cuộn cán nóng có thực sự khó, HRC Việt có ưu thế ra sao trên thị trường?

15:05 | 04/04/2024
Chia sẻ
Sản xuất HRC là mong muốn của không ít ông chủ ngành thép nhưng hiện tại ở Việt Nam mới chỉ hai doanh nghiệp làm được điều này là Hòa Phát và Formosa.

Thông tin các doanh nghiệp sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) gửi hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng này nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ đang gây ra nhiều tranh cãi. Các doanh nghiệp tôn mạ, ống thép đang phản đối gay gắt động thái này bởi thép HRC nhập khẩu là một phần không thể thiếu trong quá trình sản xuất của họ trong bối cảnh nguồn cung trong nước vẫn có thiếu hụt nhiều. 

Nhu cầu thép cuộn cán nóng (HRC) tại Việt Nam được ước tính khoảng 10 - 13 triệu tấn/năm nhưng sản lượng HRC trong nước tối đa khoảng 8 triệu tấn. Hiện mới chỉ có hai doanh nghiệp là Hoà Phát và Formosa sản xuất được thép HRC (Hoà Phát 3 triệu tấn, Formosa hơn 5 triệu tấn). 

Năm ngoái, sản lượng HRC thực tế là 6,7 triệu tấn trong đó một nửa dùng cho xuất khẩu. Một nửa còn lại mới chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu của các doanh nghiệp tôn mạ, do vậy phần lớn HRC nguyên liệu của nhóm này được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Vậy làm thép HRC có thực sự khó?

HRC là kiểu thép tấm dạng cuộn, là vật liệu có độ bền cao, độ mềm dẻo tốt và được sản xuất với phương pháp cán nóng, trong điều kiện nhiệt độ lên đến 1.000 độ C là nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm hạ nguồn như tôn mạ, ống thép,... Ngoài ra, thép HRC còn được dùng phổ biến trong ngành sản xuất ô tô, gia công kết cấu nhà xưởng, làm bồn bể,...

Trên thực tế, để sản xuất thép thông thường có thể đi từ hai nguyên liệu là quặng sắt hoặc thép phế liệu.

Hiện nay, công nghệ phổ biến tại Việt Nam là dùng thép phế liệu và sử dụng lò điện hồ quang (EAF) hoặc lò cảm ứng (IF) để xử lý thành phôi vuông và cán ra thành phẩm.

Đối với với lò EAF và IF, quy trình sản xuất thép từ phế liệu tương đối đơn giản. Phế liệu sau khi được phân loại, xử lý sẽ được nạp vào lò EAF hoặc IF để luyện thành phôi vuông và cán ra thành phẩm cuối cùng. 

Sản xuất ra HRC thì công nghệ phức tạp hơn và phải đi từ nguyên liệu là quặng sắt và dùng lò cao để xử lý. Quặng sắt với hàm lượng và kích cỡ khác nhau được chế biến, phối trộn theo tỷ lệ yêu cầu, kết hợp với than coke, vôi và dôlômit được đưa vào lò cao luyện ra gang lỏng. 

Tiếp theo, nước gang được chuyển sang lò thổi ôxy (BOF), lò tinh luyện để tạo ra các mác thép theo yêu cầu của thị trường, thông qua hệ thống máy đúc đúc ra các loại phôi - thép thô bán thành phẩm. Cuối cùng, tại nhà máy cán thép, phôi vuông sẽ được cán ra thép xây dựng thành phẩm gồm thép thanh vằn và thép cuộn; phôi dẹt được cán thành thép HRC.

Với tỷ lệ tạp chất cực thấp, thép luyện từ quặng có đặc tính chịu uốn, độ dẻo dai và độ giãn dài cao. Do đó, thép luyện từ quặng sở hữu cơ lý tính vượt trội và có thể cán thành những sản phẩm có đường kính, mác cao hơn.

 Sơ đồ: Quy trình sản xuất thép khép kín từ thượng nguồn. (Ảnh: Tạp Chí Công Thương)

Tại sao nhiều ông lớn ngành thép Việt cần HRC nhưng chưa thể làm?

Do công nghệ phức tạp, việc đầu tư để xây dựng dây chuyền sản xuất ban đầu lớn nên không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ tiềm lực và sẵn sàng để đầu tư làm thép HRC. 

Để đầu tư hai dự án sản xuất HRC, Hoà Phát đã phải bỏ ra một lượng vốn khủng, lớn hơn nhiều so với dây chuyền sản xuất thép từ phế liệu.

Cụ thể, khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1 có tổng vốn đầu tư 52.000 tỷ đồng, được thiết kế với quy mô công suất 4 triệu tấn một năm (sau đó đã nâng công suất thực tế lên 6 triệu tấn/năm). Dự án Hoà Phát Dung Quất 2, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn/năm với tổng mức đầu tư lên đến 85.000 tỷ đồng.

Tập đoàn Hoa Sen cũng từng có ý định đầu 10 tỷ USD (tương đương khoảng 230.000 tỷ đồng) vào dự án thép Cà Ná với tham vọng sản lượng đạt 16 triệu tấn và có thể tự chủ được nguồn cung nguyên liệu sản xuất tôn mạ. Tuy nhiên, tham vọng đó không thành bởi liên quan đến vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường và công nghệ. 

Tại buổi chia sẻ với cổ đông năm 2022, Tổng Giám đốc Thép Nam Kim Võ Hoàng Vũ cũng cho biết vấn đề lớn nhất để sản xuất HRC là bài toán tài chính và công nghệ. Trong khi đó, công nghệ sản xuất HRC khác hoàn toàn so với những gì mà Nam Kim đang có.

Vị CEO này cho hay để làm được điều này, suất đầu tư có thể gấp nhiều lần so với mức khoảng 4.500 tỷ đồng mà công ty bỏ ra để làm dự án Nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Do đó, Nam Kim cũng không có ý định làm thép thượng nguồn.

Ưu thế của HRC Việt Nam

Thép HRC của Hoà Phát và Formosa có lợi thế “độc tôn” so với hàng nhập khẩu đó chính nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam. Các doanh nghiệp tôn mạ, ống thép khi xuất khẩu sang các thị trường nhạy cảm về nguồn gốc xuất xứ như Mỹ, EU, Mexico, Canada buộc phải mua hàng từ Hoà Phát và Formosa.

Cụ thể, hiện nay các doanh nghiệp tôn mạ tại Việt Nam đang ưu tiên sử dụng nguyên liệu HRC được sản xuất nội địa để sản xuất các đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường này vì phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ để không bị áp thuế chống lẩn tránh hoặc phù hợp với các quy định theo Hiệp định CPTPP.

Đây là lý do khiến cho mặc dù trước nay giá HRC vẫn cao hơn nhiều so với thép nhập khẩu (phần lớn từ Trung Quốc) nhưng vẫn tiêu thụ bình thường.

Bên cạnh đầu tư lớn vào dây chuyền sản xuất, năm 2021, Hoà Phát còn mua lại 100% cổ phần Dự án mỏ quặng sắt Roper Valley, đây là mỏ có trữ lượng ước tính đạt 320 triệu tấn nhằm chủ động nguyên liệu đầu vào.

Kể từ khi cho ra mẻ thép HRC đầu tiên vào giữa năm 2020, doanh thu và lợi nhuận cao hơn nhiều so với giai đoạn trước đó. Đỉnh điểm là năm 2021, doanh thu thuần của Hoà Phát gần 150.000 tỷ, gấp 2,5 lần so với năm 2018 - thời điểm Dung Quất 1 chưa đi vào hoạt động. Lợi nhuận sau thuế là hơn 34.000 tỷ đồng gấp gần 3 lần so với năm 2019. 

 Lợi nhuận sau thuế của Hoà Phát qua các năm 2009 - 2023 (cột trái) và so sánh với năm trước đó (cột phải) (Nguồn: Wichart)

Dự án Dung Quất 1 của Hoà Phát có công suất khoảng 5,6 triệu tấn thép, trong đó thép HRC chiếm 3 triệu tấn. Theo ông Thắng, toàn bộ số thép HRC này được tiêu thụ hết, trong đó xuất khẩu chiếm một nửa. 

Trong cuộc gặp gỡ với nhà đầu tư vào tuần trước, ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoà Phát, cũng tự tin với khả năng cạnh tranh của sản phẩm HRC so với thép nhập từ Trung Quốc. 

“Trong năm tới, nếu kịch bản kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng trưởng thấp hơn dự báo, bất động sản nước này tiếp tục khủng hoảng, ngành thép của họ sẽ có thể vấn đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, chúng tôi tự tin rằng vẫn có thể cạnh tranh được, Hoà Phát vẫn bán được hàng nhưng biên lợi nhuận có thể thu hẹp”, ông Thắng nói với cổ đông. 

 So sánh biên lãi gộp của một số doanh nghiệp thép (Nguồn: Wichart)

Ông cũng chia sẻ thêm rằng với Dung Quất 2, trong giai đoạn 1, Hoà Phát sẽ có thêm khoảng 2 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC). Đồng thời, công ty dự kiến mở rộng thêm thị trường Trung Đông, Châu Phi, Mỹ… để giảm rủi ro bị áp thuế chống bán phá giá vào một số thị trường. 

"Tất nhiên, bán hàng vào các thị trường đó còn nhiều vấn đề về kỹ thuật nhưng chúng tôi tự tin bán được hết lượng hàng đó trong năm 2025”, ông Thắng nói. 

H. Mĩ