|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp gỗ Trung Quốc tràn sang, cảnh báo nguy cơ lẩn tránh thuế

11:57 | 08/01/2019
Chia sẻ
Các doanh nghiệp ngành gỗ VN được cảnh báo không tiếp tay cho hành vi lẩn tránh thuế của doanh nghiệp nước ngoài, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do sắp có hiệu lực trong năm 2019 giúp sản phẩm gỗ xuất xứ VN có lợi thế cạnh tranh.
doanh nghiep go trung quoc tran sang canh bao nguy co lan tranh thue
Gỗ xuất khẩu Việt Nam đang đem lại giá trị thặng dư cao - Ảnh: N.BÌNH

Ông Huỳnh Văn Hạnh, phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. HCM (HAWA), cho biết từ ngày 14-1 tới đây, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ có hiệu lực với Việt Nam.

Điều đó giúp chính thức mở ra các thị trường mới mà lâu nay mức thuế nhập khẩu đồ gỗ từ Việt Nam còn khá cao như Canada, Mexico, Peru…

Việt Nam cũng đang kỳ vọng ký kết cả hai Hiệp định Đầu tư và Hiệp định Thương mại tách từ Hiệp định Thương mại tự do VN - EU (EVFTA) vào quý I-2019. Các hiệp định thương mại tự do này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho ngành chế biến gỗ Việt Nam.

Tuy nhiên, chính những lợi thế này cũng có nguy cơ biến Việt Nam trở thành nơi tiếp tay cho cho hành vi lẩn tránh thuế của doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đang diễn ra quyết liệt.

Theo ông Hạnh, một thống kê gần đây của HAWA cho thấy trong năm 2018 có khoảng 65 doanh nghiệp gỗ nước ngoài đã đầu tư chính thức vào Việt Nam, trong đó có tới 23 doanh nghiệp đến từ Trung Quốc.

Sự chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam của doanh nghiệp chế biến gỗ Trung Quốc diễn ra gần hai năm nay được cho là nhằm hưởng lợi từ các hiệp định thương mại nêu trên. Điều đó tạo ra những thách thức cho các doanh nghiệp ngành đồ gỗ - thủ công mỹ nghệ trong nước.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ sang hầu hết các thị trường chủ lực của Việt Nam đều đạt mức tăng trưởng khá, đóng góp mạnh mẽ vào tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành.

Năm 2018, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 44% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, thị trường lớn thứ 2 là Nhật Bản (13%), tiếp theo là thị trường Trung Quốc, Hàn quốc, Anh, Úc, Canada, Pháp…

Xét về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc và Mỹ là hai thị trường cung ứng nguyên liệu chủ yếu cho Việt Nam lần lượt chiếm 19% và 14% tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ cả nước.

Khi đánh giá 100 doanh nghiệp có doanh thu ấn tượng của ngành năm 2018, tương đương hơn 4 tỉ USD, HAWA cũng cho biết doanh nghiệp nước ngoài đóng góp đến 44% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm, 55% còn lại của doanh nghiệp trong nước.

Còn nếu chỉ tính đến 11 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của doanh nghiệp khối FDI đã đạt 3,548 tỉ USD, tăng 9,54% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Các doanh nghiệp cần chú ý không tiếp tay cho các doanh nghiệp Trung Quốc về những hành vi lẩn tránh thuế để tránh bị vạ lây, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh toàn ngành mà chúng ta khó khăn gầy dựng hơn 20 năm qua", ông Hạnh lưu ý.

Ông đồng thời cũng nhắc nhở doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động loại bỏ ra khỏi chuỗi cung ứng những nguồn gỗ tự nhiên không minh bạch.

Xuất khẩu lâm sản năm 2018 của Việt Nam ước đạt 9,308 tỉ USD, tăng 15,9% so với năm 2017, chính thức vượt qua mức 9 tỉ USD của ngành thủy sản, trở thành mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong ngành nông nghiệpỉ

Giá trị xuất siêu lâm sản cả năm đạt tới 7 tỷ USD, đứng đầu các ngành kinh tế xuất khẩu của Việt Nam.

Xem thêm

N.Bình