Doanh nghiệp gạo Ấn Độ không muốn hạn chế xuất khẩu
Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ dẫn nguồn tin từ financialexpress.com cho biết, các nhà xuất khẩu gạo hàng đầu Ấn Độ tin tưởng rằng, Chính phủ Ấn Độ sẽ không áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu một số loại lương thực chính như một số nước (Việt Nam, Nga, Kazakhstan…) đã làm, vì Ấn Độ có nguồn cung dồi dào và đủ khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước.
Ngoài ra, các nhà xuất khẩu gạo Phi Basmati Ấn Độ còn chỉ ra rằng, xuất khẩu gạo Phi Basmati của nước này đã giảm 41% về số lượng, xuống còn khoảng 4,5 triệu tấn trong năm tài chính 2019 - 2020 (4/2019 - 3/2020).
Ông B.V. Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ (REA) cho biết, không có bất kì lo ngại nào về việc thiếu hụt nguồn cung gạo tại Ấn Độ hiện nay.
Bởi vì Tổng công ty Lương thực Ấn Độ (FCI) đã dự trữ được lượng lúa gạo cao kỉ lục trong năm 2019 - 2020.
Bên cạnh đó, sản lượng lúa gạo của Ấn Độ năm nay cũng dự kiến đạt mức cao kỉ lục mới. Bang Andhra Pradesh và Telangana (các bang sản xuất lúa lớn) đã yêu cầu FCI hỗ trợ, thu mua tạm trữ thêm 8 triệu tấn gạo trong vụ Đông Xuân (đang thu hoạch) do vụ mùa bội thu.
Ông Rao cho biết thêm, gạo Phi Basmati của Ấn Độ không thể cạnh tranh với Việt Nam và một số nước xuất khẩu gạo khác, do giá gạo của nước này thấp hơn giá gạo Ấn Độ.
Cùng với đó, một số khách hàng mua gạo Phi Basmati chính của Ấn Độ tại khu vực như: Indonesia, Bangladesh,… đã đẩy mạnh sản xuất lúa gạo trong các năm 2018 - 2019, qua đó giảm lượng nhập khẩu trong năm 2019 - 2020.
Hiện nay, 5 nước Benin, Nepal, Somalia, UAE và Bờ Biển Ngà là những nhà nhập khẩu gạo Phi Basmati lớn nhất của Ấn Độ, chiếm 44% tổng giá trị xuất khẩu loại gạo này của Ấn Độ (trong giai đoạn từ tháng 4/2019 đến 12/2019). Hiện giá gạo Phi Basmati 5% tấm của Ấn Độ khoảng 390 USD (FOB, tại Kakinada, Andhra Pradesh).
Tuy nhiên, vụ Đông Xuân bội thu đang thu hoạch (bắt đầu từ tháng 10/2019) và sự suy yếu của đồng Rupi, kết hợp với tác động của lệnh phong tỏa khiến các nhà xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã tạm dừng kí kết các hợp đồng xuất khẩu gạo mới.
Trước đó, trong tuyên bố chung ngày 30/3, Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho rằng, sự không chắc chắn về sự sẵn có của thực phẩm có thể gây ra làn sóng hạn chế xuất khẩu, tạo ra sự thiếu hụt trên thị trường toàn cầu.
Đồng thời đề nghị các bên nỗ lực thực hiện biện pháp đảm bảo giao dịch diễn ra tự do nhất có thể, tránh gây tình trạng thiếu hụt thực phẩm.