Doanh nghiệp BOT đưa cổ phiếu giao dịch trên UPCoM đầu xuân Kỷ Hợi dù chưa có doanh thu, lợi nhuận
Cổ phiếu BOT Cầu Thái Hà giao dịch trên UPCoM ngày 14/2
Theo thông tin từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), 40 triệu cổ phiếu của CTCP BOT Cầu Thái Hà chính thức giao dịch trên UPCoM với mã giao dịch BOT vào ngày 14/2. Giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 10.000 đồng/cp. Biên độ dao động trong phiên giao dịch đầu tiên là +/- 40%. Hoat động kinh doanh chính của công ty là quản lý, vận hành xây dựng các công trình đường bộ, đường sắt.
Về lịch sử hình thành, tháng 10/2014, Bộ Giao thông vận tải ban hành quyết định phê duyệt liên danh Công ty TNHH Tiến Đại Phát – CTCP Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân – CTCP Đầu tư và Xuất nhập khẩu Bình Minh là nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình theo hình thức hợp đồng BOT.
Ngày 16/10/2014, CTCP Cầu Thái Hà thành lập nhằm tạo thuận lợi cho việc huy động vốn và triển khai thực hiện dự án với số vốn góp ban đầu 245 tỉ đồng. Năm 2018, công ty trải qua hai lần tăng vốn điều lệ lên 400 tỉ đồng thông qua hình thức phát hành cho cổ đông hiện hữu.
Nguồn: Thu Thủy tổng hợp |
Về cơ cấu cổ đông tính đến ngày 15/1/2019, BOT Cầu Thái Hà có 4 cổ đông lớn nắm giữ 95,17% vốn cổ phần. Trong đó, Công ty TNHH Tiến Đại Phát có tỉ lệ sở hữu lớn nhất với 59,48% vốn điều lệ. CTCP CNC Capital Việt Nam sở hữu 19% vốn điều lệ công ty. Cổ đông tổ chức còn lại CTCP PIV (Mã: PIV) nắm giữ 9,88% vốn điều lệ. Duy nhất cổ đông cá nhân bà Nguyễn Thị Lan Hương sở hữu 6,81% vốn điều lệ tại BOT Cầu Thái Hà. Đáng chú ý, bà Hương không là thành viên của Hội đồng Quản trị và Ban lãnh đạo công ty.
Nguồn: Cáo bạch niêm yết |
Được biết, ông Ngô Tiến Cương, Chủ tịch HĐQT của BOT Cầu Thái Hà từng giữ chức Chủ tịch HĐQT của CTCP PIV từ tháng 7/2018 đến tháng 12/2018. Bên cạnh đó, ông Ngô Tiến Cương là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc của Công ty TNHH Tiến Đại Phát.
VietinBank tài trợ tín dụng cho BOT Cầu Thái Hà
Từ thời điểm thành lập đến nay, công ty triển khai duy nhất dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Thái Hà tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam và Huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình với tổng vốn đầu tư 1.672 tỉ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 14,71%, đạt 246 tỉ đồng, công ty vay vốn 1.426 tỉ đồng từ Ngân hàng ViettinBank – Chi nhánh Hà Nam, tương ứng 85,29% vốn đầu tư. Tổng chiều dài công trình cầu Thái Hà là 5,67km. Thời gian thu phí dự kiến là 16 năm 7 tháng bắt đầu từ ngày công trình được quyền thu phí.
Được biết, Dự án BOT cầu Thái Hà vượt sông Hồng đã được thông xe kỹ thuật từ tháng 11/2016 sau hơn hai năm thi công. Hội đồng Nghiệm thu cấp Bộ đã chấp thuận và cho phép doanh nghiệp dự án đưa công trình vào khai thác từ ngày 3/4/2018. Tuy nhiên, từ tháng 1/2017 đến nay, nhà đầu tư Dự án cầu Thái Hà đã liên tục xin Bộ GTVT chưa tiến hành thu phí và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án hỗ trợ nhà đầu tư, do doanh thu thu phí không đạt so với phương án tài chính.
Cụ thể, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty, ông Nguyễn Đức Ý cho biết lưu lượng xe qua cầu Thái Hà chỉ đạt 400 xe/ngày đêm, nếu nhà đầu tư tổ chức thu phí đường bộ, thì chi phí tổ chức thu lớn hơn doanh thu (22 triệu đồng so với 14 triệu đồng/ngày đêm).
BOT Cầu Thái Hà chưa có doanh thu trong năm 2018
Dự án duy nhất vẫn trong giai đoạn triển khai xây dựng và vận hành thử nghiệm khiến công ty chưa phát sinh doanh thu và lợi nhuận trong năm 2018. Ngoài ra, toàn bộ chi phí quản lý, chi phí xây dựng, triển khai và các chi phí liên quan khác được BOT Cầu Thái Hà quyết toán và đưa vào tổng mức đầu tư của dự án thay vì ghi nhận vào chi phí hoạt động của công ty.
Tính đến 31/12/2018, tổng tài sản công ty đạt 1.488 tỉ đồng, tăng trưởng 7,3% so với năm 2017. Trong đó, chiếm tỉ trọng lớn nhất là chi phí xây dựng cơ bản dơ dang, đạt 1.381 tỉ đồng, tương ứng 92,86% trong năm 2018.
Nguồn: Thu Thủy tổng hợp |
Năm 2019, công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần 88 tỉ đồng, 111 tỉ đồng doanh thu cho năm 2020, tương ứng tỉ lệ tăng trưởng 26% so với 2019.