Bàn chuyện chứng khoán năm Kỷ Hợi (Kỳ 1): Cơ hội nào từ những cổ phiếu thoái vốn nhà nước?
Ảm đạm thoái vốn nhà nước trong năm Mậu Tuất
Năm 2018 được đánh giá không mấy thành công đối với hoạt động thoái vốn nhà nước. Mặc dù theo kế hoạch, trong năm 2018, số lượng doanh nghiệp thoái vốn chiếm tỉ trọng cao nhất, gần 70% số doanh nghiệp thoái vốn nhà nước trong cả giai đoạn 2018 – 2020.
Trong 11 tháng đầu năm 2018, Nhà nước chỉ thoái vốn được 18 đơn vị, trong đó chỉ có 2 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2018, còn lại 16 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2017. Như vậy, công tác thoái vốn năm 2018 mới chỉ thực hiện được 1,1%.
Dấu ấn của hoạt động thoái vốn năm 2018 là thương vụ bán vốn của SCIC tại Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã: VCG). Tổng giá trị mà SCIC thu về từ việc thoái 57,71% vốn cổ phần tại Vinaconex là 7.366 tỉ đồng.
Thoái vốn tại Vinaconex trong năm 2018. Ảnh: HNX |
Triển vọng thoái vốn trong năm Kỷ Hợi
Ngày 5/1, Thủ tướng Chính phủ đã kí ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo, đẩy mạnh cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước. Theo chỉ thị, Thủ tướng đề nghị các cơ quan rà soát, điều chỉnh lại danh sách các đơn vị thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2018 - 2020, đảm bảo khả năng thực hiện. Rà soát các đơn vị thoái vốn chưa thực hiện được trong giai đoạn 2016 - 2018 để chuyển giao sang SCIC để thực hiện thoái vốn trong giai đoạn 2019 - 2020.
Theo Quyết định số 1232 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch sẽ thoái vốn nhà nước tại 62 doanh nghiệp, trong đó có những cái tên nổi bật như Tổng Công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã: HVN), Tổng Công ty Viglacera – CTCP (Mã: VGC)…
Nguồn: Quyết định số 1232 |
Dưới đây là tổng hợp một số thương vụ thoái vốn được Chứng khoán BSC đưa ra mà nhà đầu tư cần quan tâm trong năm Kỷ Hợi:
Nguồn: Chứng khoán BSC |
Những cổ phiếu với câu chuyện thoái vốn được dự báo ‘lên ngôi’ trong năm Kỷ Hợi
Ông Bùi Nguyên Khoa |
Theo ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường - CTCP Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC), sau biến động tiêu cực đầu năm 2019 thị trường chứng khoán có khả năng ổn định trở lại, phục hồi rõ rệt trong khoảng từ tháng 3 - tháng 6. Một vài chủ đề đầu tư đáng lưu ý trong năm 2019 gồm:
Một là, nhóm cổ phiếu lớn trong VN30 nhờ kỳ vọng nâng hạng thị trường.
Hai là, nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại gồm Dệt may, Thủy Sản, Khu công nghiệp và Cảng biển.
Ba là, những cổ phiếu có tính phòng thủ có mức lợi tức cao, các ngành có tiềm năng tăng trưởng ổn định, dài hạn như Tiện ích, Dược phẩm, công nghệ thông tin.
Bốn là, những cổ phiếu cơ bản thuộc nhóm cổ phiếu vừa đang có mức định giá hợp và nằm trong kế hoạch thoái vốn nhà nước.
Năm là, các ngành tập trung vào tăng trưởng tiêu dùng trong nước như bán lẻ, đồ uống, dịch vụ hàng không.
Sau thoái vốn thất bại, Viglacera liệu thoái vốn thành công trong năm Kỷ Hợi?
Năm 2018, Bộ Xây dựng hiện thoái vốn tại Viglacera theo phương thức khớp lệnh qua sàn. Tuy nhiên, thương vụ thoái vốn này không thành công.
Đánh giá về triển vọng thoái vốn tại Viglacera, theo Công ty Biên An Toàn, kế hoạch chuyển sàn niêm yết của Viglacera từ HNX sang HOSE không chỉ giúp công ty hu hút sự quan tâm của giới đầu tư mà còn là tiền đề cho thương vụ thoái gần 54% vốn của Bộ Xây dựng tại Viglacera trong năm 2019.
Triển vọng thoái vốn tại Viglacera. Ảnh minh họa. |
Với vị thế là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, việc thoái vốn sắp tới tại Viglacera giúp doanh nghiệp có cổ đông chiến lược với định hướnglâu dài, giúp bộ máy tinh gọn, gia tăng năng suất và giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.
(Còn tiếp)
Trong kỳ tiếp theo, chúng tôi sẽ phân tích về triển vọng đầu tư nhóm cổ phiếu Thủy sản, Dệt may trong năm Kỷ Hợi.