Bàn chuyện chứng khoán năm Kỷ Hợi (Kỳ 2): Những nhóm cổ phiếu ‘hóa rồng’ với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do?
Trong năm 2019, hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định CPTPP có hiệu lực, dự báo mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Một trong số đó là nhóm Dệt may.
Ngành Dệt may hưởng lợi với dự báo tăng trưởng nhu cầu thế giới
Theo thống kê của Statista, nhu cầu hàng may mặc thế giới dự báo đạt khoảng 1.650 tỉ USD vào năm 2020, trong đó thị trường Mỹ đạt khoảng 334,2 tỉ USD (tăng trưởng bình quân năm đạt 2,5%) và nhóm 10 thị trường lớn nhất châu Âu đạt 291,2 tỉ USD (tăng trưởng bình quân năm đạt 0,4%).
Hiện nay, khoảng 90% sản xuất dệt may của Việt Nam là phục vụ xuất khẩu. Do đó, việc dự báo tăng trưởng nhu cầu hàng dệt may toàn cầu được dự báo là tác động tích cực đến các doanh nghiệp trong ngành tại Việt Nam.
Doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Ảnh minh họa |
Cơ hội cho ngành dệt may từ các hiệp định thương mại tự do
Các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP được đánh giá tác động tích cực đến ngành dệt may Việt Nam. Theo phân tích của Công ty Biêns An Toàn, việc thông qua hiệp định EVFTA sẽ xóa bỏ thuế trong 7 năm so với hiện nay các doanh nghiệp phải chịu thuế là 6 - 12%.
Hiệp định EVFTA. Ảnh minh họa |
Hiện, EVFTA đã hoàn tất rà soát pháp lý và sẽ trải qua quá trình phê chuẩn nội bộ của các thành viên, dự kiến có thể được thông qua sớm nhất vào kỳ họp Quốc hội tháng 6- 7/2019 và có hiệu lực sau 1 tháng. Châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của dệt may Việt Nam, sau Mỹ. Khi hiệp định này có hiệu lực, 42,5% dòng thuế áp dụng đối với các SP dệt may sẽ giảm về 0%, 57,5% còn lại sẽ giảm về 0% theo lộ trình 3-7 năm sẽ giúp hàng hóa Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn so với Campuchia hay Bangladesh (hưởng thuế suất GSP ưu đãi 0%).
Bên cạnh EVFTA, việc CTTPP có hiệu lực vào ngày 14/1/2019 được đánh giá tác động tích cực đến các doanh nghiệp trong ngành. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chứng khoán BSC, CPTPP tác động không đáng kể trong ngắn hạn, nhưng mở ra cơ hội trong dài hạn. Hiện, 7/10 quốc gia thành viên hiện tại đã có các hiệp định thương mại với Việt Nam, các hiệp định mở ra cơ hội cho việc khởi động lại các dự án sợi dệt nhằm đón đầu TPP trong giai đoạn trước cũng như tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Canada.
Bên cạnh những cơ hội, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn chưa tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do do chưa hoàn thiện chuỗi giá trị. Hiện, ngành sợi xuất đi 2/3 sản lượng thành phẩm trong khi ngành may lại nhập khẩu 70% nguyên liệu đầu vào. Đây là điểm yếu của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ Trung
Trong giai đoạn 2016 – 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc từ Trung Quốc sang Mỹ liên tục giảm. Việc gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ Trung được đánh giá là cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chiếm thị phần của hàng may mặc Trung Quốc xuất sang Mỹ.
Bên cạnh đó, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm giá mạnh so với đồng USD giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhập vải và các nguyên phụ liệu dệt may với giá rẻ hơn. Hơn nữa, ngành dệt may của Việt Nam cũng sẽ giành được nhiều thị phần tại Mỹ có giá trị đạt 12,8 tỷ USD (40% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành) dự kiến năm 2018 đạt được 13,8 tỷ USD, nhờ mức giá cạnh tranh cũng như thu hút được vốn FDI, từ đó giúp tăng xuất khẩu và nhiều việc làm mới được tạo ra.
Doanh nghiệp dệt may dự báo hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ Trung. Ảnh minh họa |
Theo như dự báo của Chứng khoán BSC, nếu lấy được 1% thị phần hàng may mặc Trung Quốc xuất sang Mỹ, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam dự kiến tăng 70%.
Ngoài ra, Trung Quốc đang siết chặt các vấn đề bảo vệ môi trường, đóng cửa các nhà máy nhuộm, làm giảm giá nguyên vật liệu đầu vào do nhu cầu sản xuất giảm, giá thành phẩm tăng lên do nguồn cung từ Trung Quốc giảm theo, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng biên lợi nhuận gộp.
Lao động giá rẻ và bài toán tăng lương
Bên cạnh việc hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do, ngành dệt may Việt Nam còn có lợi thế là lực lượng lao động lành nghề, cùng thời gian sản xuất trung bình tại Việt Nam khoảng 60-90 ngày thấp hơn Trung Quốc và Ấn Độ (80-120 ngày), tương đương với Indonesia, Malaysia.
Tuy nhiên, chi phí lương cho lao động dệt may tại Việt Nam chỉ bằng 2/3 so với lương tại Indonesia và Malaysia. Điều này giúp dệt may Việt Nam nhận được nhiều đơn đặt hàng cho công đoạn sản xuất hàng dệt may của các hãng thời trang, các nhà bán lẻ trên thế giới.
Doanh nghiệp dệt may hưởng lợi với nguồn nhân lực giá rẻ. Ảnh minh họa |
Năm 2019, lương cơ bản 2019 được điều chỉnh tăng 7%, mức lương tối thiểu vùng cũng tăng 5% - 6%. Điều này dự báo tạo áp lực chi phí lên các doanh nghiệp Dệt may.
(Còn tiếp)
Trong kỳ tiếp theo, chúng tôi sẽ phân tích về triển vọng đầu tư nhóm cổ phiếu Thủy sản với câu chuyện hội nhập trong năm Kỷ Hợi .