|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Doanh nghiệp bán lẻ Hàn Quốc đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội tại thị trường Việt Nam

15:47 | 04/07/2023
Chia sẻ
Lãnh đạo một công ty bán lẻ Hàn Quốc khẳng định rằng trong bối cảnh các doanh nghiệp bán lẻ nước này tìm kiếm cơ hội bên ngoài thị trường Trung Quốc, không có điểm đến nào tốt như Việt Nam.

Theo tờ Korea Times, các công ty bán lẻ tại Hàn Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực thâm nhập thị trường Việt Nam, nơi có tiềm năng tăng trưởng lớn nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và có tỷ lệ dân số đang ở trong độ tuổi lao động cao.

Lotte Group, một trong hai gã khổng lồ bán lẻ hàng đầu tại Hàn Quốc cùng với Shinsegae, đang có những hoạt động tích cực nhất tại thị trường Việt Nam. Tập đoàn này hiện có 20 công ty thành viên hoạt động tại Việt Nam, bao gồm Lotte GRS, Lotte Shopping và Lotte Culture Works.

Lotte Shopping chuẩn bị khai trương Lotte Mall West Lake Hanoi tại Hà Nội vào tháng 8. Tập đoàn Lotte đã đầu tư tổng cộng 250 triệu USD (329,7 tỷ won) vào dự án này. Đây sẽ là khu phức hợp trung tâm mua sắm lớn nhất Việt Nam, bao gồm cả khu vực khách sạn và văn phòng.

Hình ảnh về dự án Lotte Mall West Lake Hanoi. (Ảnh: Lotte Group).

Gã khổng lồ bán lẻ này cũng đang đầu tư khoảng 900 triệu USD để thành lập Thủ Thiêm Eco Smart City. Đây là khu phức hợp, bao gồm trung tâm mua sắm, khách sạn, văn phòng, nhà ở và rạp chiếu phim. Vào tháng 8, Thủy cung Lotte World cũng sẽ được khai trương tại Hà Nội.

"Thị trường bán lẻ Việt Nam đã tăng trưởng khoảng 100 lần trong 20 năm qua. Đây là điểm đến kinh doanh hấp dẫn với tỷ lệ dân số trẻ cao, yêu thích ẩm thực Hàn Quốc, K-pop và phim truyền hình Hàn Quốc.

Tại Lotte Mall West Lake, chúng tôi sẽ cung cấp khoảng 3.600 mét vuông địa điểm cho người tiêu dùng trẻ tuổi thưởng thức các nội dung văn hóa Hàn Quốc, như không gian trải nghiệm yoga, xưởng thủ công và cửa hàng sách", một quan chức của Lotte Shopping cho biết.

Trong khi đó, ông lớn Shinsegae cũng có kế hoạch mở cửa hàng Emart thứ ba tại Việt Nam, theo hợp đồng nhượng quyền chính với Tập đoàn THACO trong nửa cuối năm nay.

Một đơn vị bán lẻ của Hàn Quốc khác là GS Retail đã mở hơn 200 cửa hàng tiện lợi GS25 tại Việt Nam. Liên doanh giữa GS Retail và Tập đoàn Sơn Kim của Việt Nam dự kiến mở rộng hoạt động kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam bằng cách ký kết hợp đồng đầu tư với Tổ chức Tài chính Quốc tế (International Finance Corporation- IFC).

Việt Nam có thị trường nội địa với dân số gần 100 triệu người. Dân số thuộc tầng lớp trung lưu dự kiến đạt 56 triệu người trong 10 năm tới, với tốc độ tăng trưởng cao nhất ở Đông Nam Á là 10,1% trong giai đoạn 2016-2021.

Nhìn vào tỷ lệ thành phần dân số, những người dưới 30 tuổi chiếm 50% tổng dân số trên cả nước. Ngoài ra, tỷ lệ dân số đang trong độ tuổi lao động cũng chiếm tới 70%.

"Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn vì có lượng dân số trẻ và đang trong độ tuổi lao động tương đối cao. Ngoài ra, các sản phẩm của Hàn Quốc rất được người tiêu dùng tại Việt Nam ưa chuộng, nhờ xu hướng tiếp cận nhiều với K-pop và K-drama.

Trong thời điểm nhiều nhà bán lẻ đang tìm kiếm các điểm đến kinh doanh tiếp theo bên ngoài thị trường Trung Quốc, không có lựa chọn nào tốt hơn Việt Nam vào lúc này", lãnh đạo của một công ty bán lẻ tại Hàn Quốc cho biết.

Các doanh nghiệp bán lẻ Hàn Quốc tăng cường tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài

Theo Asia Nikkei, các nhà bán lẻ Hàn Quốc ngày càng có xu hướng mở rộng ra nhiều thị trường nước ngoài trong bối cảnh thương mại điện tử dần chiếm thị phần lớn hơn tại Hàn Quốc.

Theo tổ chức xếp hạng tín dụng NICE, một số đơn vị bán lẻ tại Hàn Quốc từng phải đối mặt với rủi ro vào vài năm trước khi các tập đoàn bán lẻ thương mại điện tử như Coupang nổi lên, được hỗ trợ bởi nguồn vốn từ các tập đoàn đầu tư lớn như SoftBank hay Market Curly.

“Trong khi các doanh nghiệp thương mại điện tử không ngừng phát triển, tăng trưởng của các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống có dấu hiệu chậm lại”, lãnh đạo NICE cho biết vào năm 2019.

Vào năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát và hoành hành trên khắp thế giới, bán lẻ truyền thống cũng là ngành chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều cửa hàng bán lẻ đã phải đóng cửa để thực hiện các lệnh giãn cách xã hội.

Ngược lại, thương mại điện tử lại là một trong những lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất trong đại dịch khi người dân hạn chế ra ngoài, dành nhiều thời gian hơn tại nhà.

Sau đại dịch, dù tình hình phần nào được cải thiện, song các nhà bán lẻ truyền thống Hàn Quốc vẫn còn đối mặt với nhiều nỗi lo, đặc biệt là khi nền kinh tế toàn cầu bất ổn đã tác động tới tâm lý người tiêu dùng, khiến họ ngại chi tiêu hơn.

Trong bối cảnh đó, các thị trường nước ngoài, chẳng hạn như Việt Nam, được dự báo mang đến nhiều cơ hội tăng trưởng hơn cho các nhà bán lẻ truyền thống Hàn Quốc.

Số lượng cửa hàng của các nhà bán lẻ Hàn Quốc tại Việt Nam tính đến tháng 12/2019 vẫn khá khiêm tốn so với các đối thủ. (Nguồn: Asia Nikkei).

Việt Nam - Thị trường tiềm năng nhưng đầy tính cạnh tranh

Quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam dự kiến tăng từ 246,65 tỷ USD vào năm 2023 lên 435,59 tỷ USD vào năm 2028, với tộc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 12,05% trong giai đoạn 2023 – 2028, theo báo cáo của Modor Intelligence.

 Quy mô thị trường bán lẻ Việt và những "người chơi lớn". (Nguồn: Modor Intelligence). 

Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD, dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% tổng ngân sách quốc nội GDP.

Theo Bộ Tài chính, mặc dù kinh tế năm 2023 được nhận định là đối mặt với nhiều khó khăn nhưng dự báo đây sẽ là năm phục hồi của ngành bán lẻ sau dịch COVID-19.

Nhiều tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ sẽ mở cửa trở lại, thậm chí mở rộng hệ thống và thị trường kinh doanh. Cùng đó, sức mua của người tiêu dùng được dự kiến tăng, là yếu tố quan trọng để ngành bán lẻ sôi động và tăng trưởng mạnh mẽ.

Để đón đầu cơ hội năm 2023, mới đây, Central Retail, nhà bán lẻ Thái Lan đã công bố sẽ đầu tư thêm 20.000 tỷ đồng vào thị trường bán lẻ Việt Nam trong 5 năm tới. Ngoài ra, một doanh nghiệp bán lẻ ngoại khác là Tập đoàn Aeon cũng đang lên kế hoạch xây thêm đại siêu thị tại Hà Nội. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam.

Có thể thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng cho các doanh nghiệp bán lẻ Hàn Quốc khai thác. Dù vậy, tỷ lệ cạnh tranh cũng sẽ tăng lên khi cả các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng như nước ngoài (Thái Lan, Nhật Bản,…) tăng cường các hoạt động trên thị trường.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Anh Nguyễn

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.