Thị trường bán lẻ Việt Nam thu hút giới doanh nhân Thái Lan
Vừa qua, Cục Xúc tiến thương mại quốc tế (DITP) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan vừa khuyến nghị các doanh nhân Thái Lan nghiên cứu khả năng khai thác thị trường bán lẻ đang phát triển ổn định của Việt Nam.
Theo cơ quan này, các nhà bán lẻ Việt Nam đã trở nên hiện đại và đặc biệt cởi mở với đầu tư, hợp tác, mang đến cơ hội bán hàng. Cục trưởng DITP, ông Phusit Ratanakul Sereroengrit cho biết, doanh số thị trường bán lẻ của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 350 tỷ USD (12.130 tỷ Baht) vào năm 2025.
Bên cạnh đó, lãnh đạo DITP cũng khuyến nghị các doanh nghiệp Thái Lan cải thiện thương mại, thực hiện sản xuất thân thiện với môi trường và chú ý đến kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh để thúc đẩy tăng trưởng tại thị trường bán lẻ Việt Nam.
Ngoài ra, ông Phusit cũng cho biết các doanh nhân nước này nên chú ý đến thương mại điện tử (TMĐT) vì giao dịch trực tuyến đang là xu hướng tại Việt Nam và việc bán hàng qua mạng xã hội sẽ cho phép họ tiếp cận dễ dàng hơn với người tiêu dùng Việt, song cũng khuyến nghị những người có ý định tham gia thị trường TMĐT Việt Nam nên nghiên cứu các luật và quy định của đất nước liên quan đến giao dịch trực tuyến.
Cuối cùng, ông Phusit cho biết phía DITP sẽ tổ chức các hoạt động tại Việt Nam, chẳng hạn như xúc tiến bán hàng giữa các cửa hàng bán lẻ Thái Lan và Việt Nam từ ngày 1 đến ngày 14/8.
Hàng tỷ USD của các đại gia bán lẻ Thái đổ về Việt Nam
Thực tế, trước khi có những lời khuyến nghị của ông Phusit Ratanakul Sereoengrit, thị trường bán lẻ Việt Nam đã đón những làn sóng đầu tư từ các đại gia bán lẻ Thái Lan, trong đó nổi bật nhất có lẽ phải kể tới nhà bán lẻ lớn nhất Thái Lan Central Retail Corporation (CRC).
Theo CEO Yol Phokasub, CRC coi Việt Nam là thị trường tiềm năng với tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục. Thị trường bán lẻ Việt Nam ước tính trị giá 49,7 tỷ USD và đang tăng trưởng với tốc độ 10-12%/năm. Với chỗ đứng vững chắc tại Việt Nam trong những năm qua, CRC đã đặt ra lộ trình 5 năm để tiếp tục mở rộng tại đây với nguồn đầu tư 50 tỷ baht (khoảng 1,45 tỷ USD) trong thời gian 5 năm tới.
CRC đã đầu tư hơn 10 tỷ baht để mở rộng hoạt động kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam trong giai đoạn 2012-2022. Tính tới tháng 2/2023, Central Retail Việt Nam có hơn 340 cửa hàng với tổng diện tích sàn hơn 1,2 triệu mét vuông trên 40 tỉnh thành.
Ông Olivier Langlet, CEO Central Retail Việt Nam, cho biết công ty đã ghi nhận tăng trưởng doanh thu bán hàng nhanh trong nước, tăng từ 300 triệu baht năm 2014 lên 38,6 tỷ baht vào năm 2021.
Ông Langlet cho biết Central Retail Việt Nam muốn phát triển mảng kinh doanh thực phẩm trên toàn quốc để củng cố vị trí dẫn đầu trong phân khúc đại siêu thị tại Việt Nam, bằng cách đổi thương hiệu và đổi mới 10 chi nhánh GO!, cũng như mở rộng thị trường siêu thị Tops market và chi nhánh Mini go! thông qua việc thêm từ 8 đến 10 cửa hàng outlet để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng địa phương.
Bên cạnh đó, Central Retail Việt Nam cam kết sẽ củng cố danh mục thực phẩm tươi sống và phi thực phẩm để thúc đẩy lưu lượng khách hàng, bên cạnh việc chuẩn bị cho việc ra mắt chi nhánh mới trong tương lai. Công ty Thái Lan cũng có kế hoạch cải tạo 10-12 chi nhánh của chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim và mở thêm 3-5 chi nhánh mới, bao gồm các cửa hàng trong hệ thống trung tâm mua sắm GO!.
Một cái tên khác từ Thái Lan cũng từng gây tiếng vang trên thị trường bán lẻ Việt Nam là TCC Group. Vào năm 2017, đơn vị này đã hoàn thành việc chuyển giao từ Tập đoàn Metro, sau đó đã đổi tên và khai trương siêu thị MM Mega Market tại An Phú, TP.HCM.
Thời điểm đó, ông Phidsanu Pongwatana - Giám đốc Điều hành Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam cho biết: “Tiếp nối những nỗ lực của Metro trong hơn 10 năm tại Việt Nam, chúng tôi đã và đang tiếp tục cải thiện kinh doanh đồng thời cam kết đồng hành cùng các nhà cung cấp, nông dân, người dân, khách hàng nhằm nâng cao tính hoạt động chuyên nghiệp của toàn chuỗi cung ứng để phục vụ người tiêu dùng ngày càng tốt hơn”.
Trong khi đó, nếu tính riêng trong mảng bán lẻ thực phẩm, đồ uống, đại gia ngành bia Thái Lan là ThaiBev cũng từng chi tới gần 5 tỷ USD để sở hữu 53,59% cổ phần Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vào cuối năm 2017.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của ThaiBev, đơn vị này thậm chí còn đặt ra mục tiêu quay trở lại ngôi vương trên thị trường bia Đông Nam Á nhờ chính Sabeco, đơn vị chiếm khoảng 40% thị trường bia Việt Nam vào thời điểm đó.
Tiềm năng và sự kỳ vọng vào thị trường bán lẻ Việt Nam
Báo cáo của Modor Intelligence nhận xét rằng việc quá trình đô thị hóa tại Việt Nam vẫn đang diễn ra, tạo đà thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng trẻ tại các khu vực thành thị trong việc tiếp cận với các kênh bán lẻ hiện đại như cửa hàng bách hóa và sự mở rộng nhanh chóng của thương mại điện tử, mở đường cho sự phát triển chung của ngành bán lẻ.
Trong khi đó, Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước tháng 01/2023 đạt 544.800 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số khả quan trong bối cảnh thị trường vẫn phải đối mặt với nhiều sức ép lạm phát, chi tiêu của người dân sụt giảm.
Tổng quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam hiện đạt khoảng trên 140 tỷ USD, dự báo sẽ tăng lên khoảng 350 tỷ USD vào năm 2025. Con số này sẽ đóng góp khoảng 59% GDP cả nước. Ngành bán lẻ cũng là ngành có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của đất nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng gia tăng tỉ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ.
Tuy nhiên, quy mô của kênh bán lẻ hiện đại tại Việt Nam đang còn rất khiêm tốn, mới chiếm khoảng 25% trên tổng quy mô thị trường. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước trong khu vực là khá cao, chẳng hạn như Thái Lan 48%, Phillipines 75% và Singapore 80%. Do vậy, tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất lớn ở chỗ kênh bán lẻ hiện đại còn dư địa rất rộng lớn để phát triển. Số cửa hàng tự chọn như siêu thị mini tại Việt Nam hiện có 4.000 đơn vị, nhưng nếu so với Nhật Bản hay các quốc gia lân cận khác thì còn ở mức thấp.
Nhận định về thị trường bán lẻ trong năm 2023, ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia bán lẻ dự báo, hiện thị trường bán lẻ Việt Nam đang trên đà hồi phục tốt với mức tăng trưởng bằng thời điểm trước dịch. Ông Phú cũng đánh giá cao nguồn vốn doanh nghiệp đầu tư vào ngành bán lẻ và cho rằng đây chính là dấu hiệu cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường trong năm 2023. Tuy nhiên, việc các nhà bán lẻ nước ngoài ồ ạt đổ vốn vào thị trường Việt Nam cũng gây nên sức ép nhất định đến “miếng bánh” thị phần cho doanh nghiệp bán lẻ nội địa.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/