|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Định hướng phát triển của Hà Nội, TP HCM trong giai đoạn tới

16:02 | 27/01/2021
Chia sẻ
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2045 là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD. Trong khi đó, TP HCM đề xuất các giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế tri thức.

Hà Nội đặt mục tiêu là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế

Phát biểu tham luận tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, sáng 27/1, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nêu rõ những mục tiêu cụ thể của thủ đô trong thời gian tới.

Định hướng phát triển của hai đầu tàu kinh tế Hà Nội, TP HCM trong giai đoạn tới - Ảnh 1.

Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại Đại hội Đảng lần thứ XIII. (Ảnh: VGP).

Theo đó, Hà Nội xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa Thủ đô, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - Thông minh - Hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững, là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Để thực hiện thành công những mục tiêu, chỉ tiêu trên, Hà Nội đã đề ra 5 định hướng lớn và 3 khâu đột phá trong giai đoạn 2020-2025.

TP HCM đề xuất 7 giải pháp phát triển kinh tế tri thức

Định hướng phát triển của hai đầu tàu kinh tế Hà Nội, TP HCM trong giai đoạn tới - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tham luận tại Đại hội XIII. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Tại Đại hội Đảng XIII, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong trình bày tham luận về "phát triển kinh tế tri thức".

Theo ông Nguyễn Thành Phong, với lợi thế của một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, thời gian qua, TP HCM đã từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng hàm lượng tri thức, tập trung phát triển các ngành công nghệ cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

TP HCM đang nghiên cứu lập, xây dựng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông gắn với việc thành lập TP. Thủ Đức. 

Khu vực này kỳ vọng góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp, là đòn bẩy và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Ngoài ra, TP HCM cũng quan tâm ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút các nhà khoa học, trí thức trong và ngoài nước, kiều bào ở nước ngoài tham gia vào mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế-xã hội của thành phố.

Ông Phong cho biết thực tiễn cho thấy việc tham gia của người dân, cộng đồng doanh nghiệp có ý nghĩa then chốt trong phát triển kinh tế tri thức. Những ứng dụng của công nghệ thông tin vào dịch vụ hành chính công, chính quyền điện tử, phát triển giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh, khởi nghiệp sáng tạo,… luôn được người dân và doanh nghiệp đồng tình và tích cực hưởng ứng.

TP HCM đề xuất 7 giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế tri thức trong thời gian tới, trong đó cần thiết xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế tri thức giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. 

Ngoài ra, theo ông Phong, cần đầu tư phát triển mạnh mẽ hạ tầng công nghệ thông tin. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, vừa là cơ hội, vừa là áp lực để Việt Nam phát triển mạnh mẽ kinh tế số trong thời gian tới.

Lãnh đạo TP HCM kiến nghị Chính phủ lựa chọn, đưa ra chính sách đặc thù đối với một số doanh nghiệp có khát vọng và bản lĩnh, có đủ năng lực và quy mô cho đầu tư, nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, tiên phong vươn tầm thế giới. Từ đó, các doanh nghiệp này sẽ dẫn dắt các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị khu vực, chuỗi giá trị toàn cầu; từng bước làm chủ công nghệ, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh và hấp dẫn trong "sân chơi" toàn cầu.


Anh Đào