Định hướng phát triển các vùng kinh tế trọng điểm cả nước giai đoạn 2021-2025
Định hướng phát triển các vùng kinh tế trọng điểm cả nước
Theo báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020 và dự kiến Kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chính phủ đã đưa ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế đó là thúc đẩy phát triển liên kết vùng và khu kinh tế.
Hiện cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ), gồm vùng KTTĐ Bắc Bộ, vùng KTTĐ miền trung, vùng KTTĐ phía nam và vùng KTTĐ đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với tổng số 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Để làm được điều đó, cần sự liên kết chặt chẽ của các vùng kinh tế trọng điểm trong vai trò đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ đề ra nhiệm vụ nghiên cứu phân vùng phù hợp, nâng cao chất lượng quy hoạch theo hướng tích hợp, đa ngành; khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các tiềm năng, lợi thế mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị, nguồn nhân lực.
Song song đó, các vùng cần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển liên kết vùng, liên vùng; có thể chế điều phối và chính sách để phát huy vai trò động lực tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm, sớm tạo các vùng động lực mới, cực tăng trưởng mới, đẩy mạnh liên kết nội vùng và giữa các vùng.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các vùng khó khăn phát triển nhanh hơn để thu hẹp khoảng cách phát triển, nhất là về kết cấu hạ tầng.
Trong đó, cần phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng ở khu vực tại Hà Nội và TP HCM.
Trong phát triển kinh tế - xã hội cả nước, hai vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và phía Nam tiếp tục đóng vai trò dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, thương mại, văn hóa, đào tạo nhân lực chất lượng cao, y tế, nghiên cứu khoa học, trung tâm chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ.
Chính phủ cũng chỉ ra định hướng phát triển riêng của từng vùng, cụ thể:
Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc tập trung bảo vệ, khôi phục rừng, phát triển nông - lâm nghiệp, khai khoáng, kinh tế vùng biên, du lịch sinh thái...
Vùng Đồng bằng sông Hồng tập trung phát triển một số ngành sản xuất và dịch vụ hiện đại như: Điện tử, sản xuất phần mềm, trí tuệ nhân tạo, sản xuất ô tô, viễn thông... Mở rộng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch...
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung cơ cấu lại nông, lâm nghiệp; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; khai thác, nuôi trồng thuỷ, hải sản gắn với công nghiệp chế biến; nâng cao hiệu quả các khu kinh tế, khu công nghiệp lọc hoá dầu, luyện kim.
Vùng Tây Nguyên nâng cao hiệu quả diện tích cây công nghiệp, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối, xây dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế; chú trọng khôi phục và phát triển kinh tế rừng...
Vùng Đông Nam Bộ phát triển hiệu quả các đô thị lớn và vùng TP HCM; nghiên cứu và thiết lập cơ chế đặc thù thúc đẩy TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế. Phát triển khoa học, công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đi đầu trong xây dựng kinh tế số, xã hội số và các ngành sản xuất và dịch vụ tiên tiến...
Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh liên kết phát triển và hạ tầng giao thông; phát triển sản xuất thuỷ sản, cây ăn quả, lương thực gắn với công nghiệp chế biến. Phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển và du lịch văn hoá lễ hội... Phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Chủ động thích ứng, thực hiện hiệu quả các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn..
Phát triển kinh tế xanh và khu kinh tế với đặc trưng của vùng
Bên cạnh việc phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, xu hướng các mô hình kinh tế xanh, vùng kinh tế đặc thù cũng là một trong các mục tiêu để hướng đến kinh tế bền vững.
Đồng thời, để thu hút vốn đầu tư, các địa phương cần lựa chọn một số địa điểm, đô thị có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao. Từ đó, định kỳ đánh giá hiệu quả việc thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù, chính quyền đô thị và phát triển hệ thống đô thị trung tâm phù hợp với chức năng từng vùng.
Đến cuối tháng 6, đã có 38 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp (KCN) mới/mở rộng/phân khu đã được chấp thuận chủ trương đầu tư,nâng số lượng các KCN đã thành lập trên phạm vi cả nước lên 394 KCN (bao gồm 351 KCN nằm ngoài các khu kinh tế (KKT), 35 KCN nằm trong các KKT ven biển, 8 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 121,9 nghìn ha.
Trong 6 tháng đầu năm, các KCN, KKT trên cả nước đã thu hút được 271 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 49.100 tỷ đồng và khoảng 359 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 6,24 tỷ USD.
Lũy kế đến cuối tháng 6, các KCN, KKT trên cả nước có khoảng 10.148 dự án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký khoảng 2,51 triệu tỷ đồng. Trong đó vốn đầu tư đã thực hiện đạt khoảng 45,7% và 10.921 dự án sản xuất kinh doanh còn hiệu lực của các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 229,8 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư đã thực hiện đạt khoảng 68,9%.
Hiệu quả của các KCN, KKT sẽ còn được cải thiện hơn nếu xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng hoạt động và đổi mới cơ chế quản lý, mô hình phát triển của các khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch trở thành động lực phát triển vùng.
Ngoài ra, kế hoạch cũng chỉ yêu cầu nghiên cứu phát triển các mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp mới, trong đó áp dụng các cơ chế quản lý nhà nước và phương thức phát triển thuận lợi, có hiệu quả cao hơn về kinh tế - xã hội. Bảo vệ môi trường và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động trong khu công nghiệp, khu kinh tế.
Gắn liền phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền
Trong Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã đặt ra mục tiêu các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65-70% GDP cả nước.
Vì vậy, các tỉnh/thành duyên hải cần đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tập trung xây dựng đồng bộ và nhân rộng các mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh.
Trong đó, các ngành kinh tế biển có lợi thế, mũi nhọn được ưu tiên phát triển, gồm: Du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.
Chính phủ cũng yêu cầu huy động nguồn lực, khuyến khích phát triển bền vững biển, xây dựng các tập đoàn kinh tế biển mạnh. Thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế biển và vùng ven biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng các chương trình hỗ trợ ngư dân bám biển, đánh bắt xa bờ, tạo điều kiện cho việc phòng thủ, bảo vệ, kiểm soát và làm chủ vùng biển.
Đẩy mạnh ứng dụng, kỹ thuật, công nghệ trong đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thuỷ sản; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân trong quá trình khai thác thuỷ sản trên các vùng biển.
Hiện tại, quy hoạch phát triển các KKT ven biển Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được duyệt bao gồm 19 KKT ven biển với tổng diện tích khoảng 871,5 nghìn ha (tính cả diện tích mặt biển) trong đó diện tích đất liền khoảng 582,3 nghìn ha (chiếm khoảng 1,75% diện tích đất cả nước) và 289,2 nghìn ha diện tích mặt biến.
Tổng diện tích đất đã cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư sản xuất trong KKT ven biển đạt khoảng 44,1 nghìn ha, chiếm khoảng 45% tổng diện tích đất dành cho sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ trong KKT ven biển.