Chủ nợ lớn nhất của Mỹ đang bán bớt trái phiếu Kho bạc Mỹ
Một trong những bí ẩn gây tò mò nhất trong ba tháng qua là tại sao Nhật Bản, quốc gia sở hữu nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ nhất lại đặt nhiều lệnh “bán” như vậy. Trong ba tháng, Nhật Bản đã bán 60 tỷ USD trái phiếu Mỹ.
Tất nhiên, khoản tiền này chỉ như muối bỏ bể nếu so sánh với lượng 1.300 tỷ USD trái phiếu Mỹ mà Tokyo đang nắm giữ. Nhưng quy mô của giao dịch ngày càng khó bỏ qua.
Lời giải thích hợp lý nhất cho hành động của Tokyo là việc đồng yên đã giảm giá 13% trong năm 2022, khiến cho trái phiếu chính phủ Mỹ trở nên thêm đắt đỏ.
Điều gây lo ngại thật sự là việc chính quyền Thủ tướng Fumio Kishida có thể cắt giảm mua USD. Lo ngại này cũng áp dụng cho Trung Quốc, đất nước sở hữu trái phiếu Mỹ lớn thứ hai thế giới.
Vào ngày 4/5, Fed tăng lãi suất 50 điểm cơ bản, đánh dấu lần tăng lãi suất lớn nhất từ năm 2000. Chủ tịch Jerome Powell cũng cảnh báo về những động thái tương tự vào tháng 6 và tháng 7.
Tuy nhiên, sự gia tăng thực sự của lạm phát lại nằm ngoài tầm kiểm soát của Fed. Ông Jim Baird, Giám đốc đầu tư tại Plante Moran Financial Advisors, cho biết: “Fed không thể khắc phục những thách thức từ phía cung bằng cách tăng lãi suất".
Ông Baird cho biết thêm, việc Mỹ tăng tốc độ nâng lãi suất không thể “mở lại các nhà máy Trung Quốc, tăng cường vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine, bố trí lại các tàu container hoặc thuê xe tải để chuyển hàng hóa”.
Rủi ro và những biến số
Quốc hội Mỹ có thể đang hành động để hồi sinh chuỗi cung ứng và nâng cao vị thế kinh tế Mỹ. Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể loại bỏ thuế quan từ thời Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc, một trong những nguyên nhân khiến giá cả tăng.
Trong khi đó, ông Powell và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen phải nỗ lực gấp đôi để đảm bảo các chủ ngân hàng hàng đầu của Mỹ cùng tham gia. Việc kiềm chế lạm phát thực sự sẽ đòi hỏi Fed phải thắt chặt hơn nữa. Các nhà đầu tư đồng ý rằng ông Powell và bà Yellen cần có những bước tiến dài để duy trì niềm tin vào nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.
Nếu niềm tin đó biến mất, các nền kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ phản ứng. Chẳng hạn, Tokyo có thể sớm quyết định rằng việc trở thành chủ nợ hàng đầu của Mỹ là một rủi ro quá lớn đối với nền kinh tế số 2 châu Á.
Trung Quốc là chủ nợ thứ hai của Washington với 1.100 tỷ USD trái phiếu. Nếu Bắc Kinh biết được việc Tokyo đang bán tài sản nợ của Mỹ, Trung Quốc có thể đưa ra quyết định tương tự.
Quan hệ giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập có thể là một yếu tố quan trọng. Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1/2021, ông Biden vẫn chưa kết thúc chiến tranh thương mại mà người tiền nhiệm khởi xướng. Thay vào đó, chính quyền của ông Biden lại gây áp lực lên các công ty Trung Quốc đang niêm yết trên sàn Mỹ.
Xung đột Nga-Ukraine là cũng mang lại những yếu tố bất ngờ. Cho đến nay, chính phủ của ông Tập đã đi trên ranh giới giữa việc không lên án chiến dịch quân sự của Nga nhưng cũng không tỏ ra là đang hỗ trợ và tiếp tay cho Tổng thống Vladimir Putin. Sự cân bằng thận trọng này có thể thay đổi bất cứ lúc nào, khiến các ngân hàng hàng đầu của Trung Quốc có nguy cơ bị trừng phạt.
Mỹ, Nhật Bản và EU đã đặt ra tiền lệ bằng việc ngăn cản Moscow tiếp cận hàng trăm tỷ USD dự trữ ngoại hối. Bằng cách triển khai cái mà nhà kinh tế học Adam Tooze gọi là “lựa chọn hạt nhân”, Tổng thống Biden và đồng minh đang làm thay đổi động lực dài hạn trên thị trường tiền tệ.
Công cụ hay cái bẫy
Người ta thường nghĩ rằng tổng số 2.400 tỷ USD trái phiếu Mỹ mang lại cho Nhật Bản và Trung Quốc đòn bẩy thương lượng lớn đối với Washington. Nhưng nếu xét đến việc khủng hoảng tài chính chắc chắn sẽ dội ngược lại Châu Á, hàng nghìn tỷ USD này sẽ vừa là công cụ đàm phán, nhưng cũng có thể là cái bẫy.
Trong trường hợp của Nhật Bản, việc Fed tăng lãi suất còn Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đi theo hướng ngược lại có thể khiến hoạt động mua USD ngày càng trở nên khó khăn. Chỉ riêng chi phí rào chắn rủi ro đã có thể ngăn cản Nhật Bản mua USD. Chi phí bảo vệ trước những biến động tỷ giá hối đoái của USD đã tăng 80% kể từ đầu năm 2020.
USD tiếp tục tăng, thậm chí sẽ sớm đạt mức cao nhất trong 20 năm so với EUR. Trong tháng 4, chỉ số chính của USD đã tăng 5%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2015. “Chúng tôi kỳ vọng USD sẽ tiếp tục mạnh lên so với EUR, vì lập trường diều hâu của Fed và những lo ngại về địa chính trị sẽ hỗ trợ USD”, UBS Global Wealth Management viết trong một báo cáo.
Kể từ đầu năm, USD cũng đã tăng 4% so với nhân dân tệ. Khoảng cách này phần nào phản ánh thực tế là Fed đang thắt chặt, trong khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) nới lỏng thanh khoản. Mức tăng này cũng cho thấy những lo ngại rằng chính sách Zero COVID của ông Tập đang làm tổn hại đến triển vọng phát triển kinh tế 5,5%.
Việc để nhân dân tệ suy yếu quá mức không có lợi cho Trung Quốc. Nhân dân tệ yếu sẽ làm tăng rủi ro lạm phát nhập khẩu và gây khó khăn cho các nhà phát triển bất động sản trong việc thanh toán những khoản vay bằng USD.
- TIN LIÊN QUAN
-
Tại sao Mỹ không phá giá USD mà chấp nhận thâm hụt thương mại triền miên, để hàng triệu việc làm sang Trung Quốc? 01/01/2022 - 15:29
Hơn nữa, quốc tế hóa nhân dân tệ được cho là thành công tài chính hàng đầu của ông Tập kể từ năm 2012. Nhân dân tệ yếu có thể khiến đồng tiền này mất đi uy tín mà Trung Quốc phải khó khăn tạo dựng trong nhiều năm qua.
Hỗn loạn
Ông Shunichi Suzuki, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, gần đây đã thừa nhận rằng đồng yên yếu mang lại nhiều tác hại hơn là lợi ích bởi chi phí nguyên vật liệu tăng cao làm tăng tỷ lệ lạm phát nhập khẩu.
Theo nhà kinh tế học Maxime Darmet tại Fitch Ratings, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể đang chịu áp lực “giảm nhẹ chính sách tiền tệ nới lỏng” trong những năm gần đây.
Thành viên ủy ban chính sách tiền tệ, ông Wang Yiming cho biết rằng PBoC thậm chí còn có những chính sách nới lỏng hơn để làm dịu tác động của việc tăng trưởng chậm lại ở nước ngoài và phong tỏa COVID trong nước. Ví dụ, vào ngày 25/4, PBoC đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ ngoại hối 100 điểm cơ bản xuống còn 8,0%, có hiệu lực từ 15/5.
Nhà kinh tế Carlos Casanova tại ngân hàng Union Bancaire Privée cho rằng: “Động thái này sẽ giúp giải quyết áp lực giảm đối với nhân dân tệ bằng cách khiến việc bán USD trở nên hấp dẫn hơn với các nhà xuất khẩu”.
Ông cho biết thêm, nhân dân tệ “đã phải chịu những áp lực to lớn gần đây, bao gồm sự khác biệt ngày càng gia tăng về chính sách với Mỹ cũng như lo ngại về tác động của việc phong tỏa COVID”.
PBoC có lẽ sẽ cần sớm hành động, do chỉ số quản trị người mua hàng dịch vụ (PMI) trong tháng 4 đã giảm xuống 36,2 từ mức 42 của một tháng trước. Theo nhà phân tích Jeffrey Halley tại Oanda, những dữ liệu này “có thể là một trong những trở ngại với thị trường Trung Quốc”.
Những áp lực này sẽ gia tăng nếu USD mất uy tín trong những tháng tới, và tình trạng hỗn loạn sẽ không thể tránh khỏi khi các chủ nợ hàng đầu của Washington yêu cầu chi trả khoản nợ lớn nhất trong lịch sử.