|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Báo cáo việc làm mới nhất khiến Fed càng rối như tơ vò

10:29 | 09/05/2022
Chia sẻ
Các xu hướng trái chiều trong thị trường việc làm Mỹ khiến lạm phát càng khó đoán và nỗ lực ghìm cương giá cả của Fed thêm phần phức tạp.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Reuters). 

Báo cáo việc làm tháng 4 do Bộ Lao động Mỹ công bố cuối tuần trước đang phát đi những tín hiệu trái chiều về vấn đề kinh tế mà người Mỹ quan tâm nhất: Lạm phát có thể sẽ neo ở mức cao trong một thời gian dài.

Một mặt, tỷ lệ người dân tham gia lực lượng lao động đã sụt giảm trong tháng 4 sau chuỗi tăng liên tiếp. Có ít người đi làm hoặc tìm việc làm đồng nghĩa với việc chủ thuê cần phải tăng lương để cố gắng lấp đầy số lượng vị trí trống cao kỷ lục. Thường thì doanh nghiệp sẽ đẩy chi phí nhân công gia tăng sang người tiêu dùng thông qua giá bán sản phẩm cao hơn.   

Mặt khác, mức tăng lương hàng giờ trung bình đã chậm lại trong tháng trước, và đã suy yếu trong vòng ba tháng qua. Xu hướng này có thể xoa dịu áp lực lạm phát.

Hai xu hướng trái chiều diễn ra khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang đẩy nhanh cuộc chiến chống lạm phát. Tuần vừa rồi, Fed đã tăng lãi suất chuẩn thêm 0,5 điểm % - động thái quyết liệt nhất kể từ năm 2000 – và báo hiệu sẽ tiếp tục làm vậy. Lãi suất tăng có thể giảm tốc vay mượn và chi tiêu nhưng đồng thời tạo rủi ro suy thoái.

Diễn biến của lạm phát và nền kinh tế Mỹ trong những tháng tới sẽ quyết định thành bại của Fed trong nỗ lực ghìm cương giá cả mà không làm sụp đổ tăng trưởng. 

 

Báo cáo do Bộ Lao động Mỹ vừa công bố cho thấy, số việc làm phi nông nghiệp đã tăng thêm 428.000 trong tháng 4, là tháng thứ 12 liên tiếp ghi nhận mức tăng từ 400.000. Tỷ lệ thất nghiệp giữ nguyên ở mức 3,6%, tỷ lệ thấp nhất trong 50 năm qua. Dưới đây là ba điểm chính rút ra từ báo cáo việc làm mới nhất của Mỹ:

Lực lượng lao động thu hẹp khiến Fed càng đau đầu

Tỷ lệ người Mỹ đang làm việc hoặc tìm kiếm việc làm trong tháng 4 đã giảm từ 62,4% xuống 62,2% sau ba tháng tăng liên tiếp. Dù chỉ giảm một tháng, cú "quay đầu" của tháng 4 đã chấm dứt xu hướng gia tăng số lượng người tìm việc. Ít nhân công hơn và lương tăng có thể khiến lạm phát càng trở nên khó khống chế.

Ông Peter Hooper, Giám đốc nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Deutsche Bank nhìn nhận: “Nếu cung nhân công không đi lên thì áp lực lương sẽ không được xoa dịu. Điều này có nghĩa là Fed sẽ phải có biện pháp phù hợp”, tức là tiếp tục tăng lãi suất, khiến chi phí vay trong toàn nền kinh tế đắt đỏ hơn.  

 

Lương tăng chậm lại

Tiền lương hàng giờ trung bình tăng 0,1 USD lên 31,85 USD trong tháng 4, mức tăng không tồi và cao hơn hẳn 5,5% so với năm ngoái. Tuy nhiên, tốc độ này thấp hơn hẳn lạm phát giá tiêu dùng - thước đo vừa lập đỉnh 8,5% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm trước. Kết quả là hầu hết người Mỹ đang đánh mất sức mua dẫu lương tăng.

Tốc độ tăng lương cũng có vẻ đang chậm lại, có thể giúp kéo lạm phát đi xuống. Mức tăng lương trung bình của tháng 4 là 0,3%, thấp hơn con số tháng 3 là 0,5%. Và trong ba tháng qua, lương hàng giờ đi lên 0,9%, tốc độ chậm nhất trong một năm khi xét theo các kỳ ba tháng.

Lương tăng dĩ nhiên là điều tốt cho người lao động. Nhưng nếu lương tăng quá nhanh mà năng suất lao động không đi lên thì lạm phát có xu hướng nóng lên. Mặt khác, tăng trưởng lương chững lại có thể có lợi vì nó giúp kiềm chế lạm phát và cho phép Fed không phải tăng lãi suất nhiều lần, tờ AP cho biết. 

Hoạt động tuyển dụng có thể đang hạ nhiệt

Ngoài lương thì báo cáo ngày 6/5 cũng cho thấy rằng tăng trưởng việc làm có thể đang giảm tốc chút ít sau một năm đi lên mạnh mẽ. Một chỉ báo cho triển vọng của thị trường lao động là số lượng nhân công tạm thời được thuê. Thông thường, chủ lao động dùng nhân công tạm thời để khắc phục nhu cầu gia tăng cho đến khi tìm được lao động dài hạn.

Trong cả tháng 3 và tháng 4, số lượng việc làm tạm thời không thay đổi, sau khi tăng vào hai tháng trước đó. Điều này có thể cho thấy rằng nhu cầu của chủ lao động đã giảm bớt.

Hoạt động tuyển dụng tuy mạnh mẽ nhưng đã hạ nhiệt chút ít. Chủ lao động thêm trung bình 523.000 việc làm trong ba tháng qua, giảm so với mức trung bình ba tháng là 549.000 vào tháng 3 và 602.000 vào tháng 2.

Ngoài ra, chính phủ Mỹ đã điều chỉnh giảm ước tính số lượng việc làm gia tăng trong tháng 2 và tháng 3, tổng cộng 39.000 việc. Con số tương đối nhỏ và không làm thay đổi bức tranh toàn cảnh. Nhưng sự điều chỉnh này có thể báo hiệu hướng đi của nền kinh tế, và gần như mọi điều chỉnh trong các tháng trước đó đều tăng chứ không giảm.

Theo tờ AP, sự chậm lại của thị trường lao động là điều gần như không thể tránh khỏi với tốc độ tuyển dụng nhanh chóng và nguồn cung nhân công có hạn. Hoặc sự giảm tốc có thể chỉ đang báo hiệu rằng thị trường sẽ ghi nhận những mức tăng nhỏ hơn nhưng bền vững hơn. Ông Aaron Sojourner, nhà kinh tế tại Đại học Minnesota đánh giá: “Chúng ta không thể duy trì tốc độ ngang bằng năm ngoái. Chúng ta phải chậm lại”.

Giang