|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Điều gì khiến cổ phiếu bất động sản đồng loạt nổi sóng?

19:41 | 15/04/2021
Chia sẻ
“Sóng” cổ phiếu bất động sản diễn ra trong nhiều tháng qua và xuất hiện trên diện rộng. Các mã tăng giá luân phiên từ những cổ phiếu bluechip, đến nhóm trung bình và lớn, thậm chí là những cổ phiếu đầu cơ. Vậy điều gì đã khiến cổ phiếu bất động sản đồng loạt tăng?

Cổ phiếu bất động sản đồng loạt tăng giá

Giống như những cơn sốt đất tại các địa phương, cổ phiếu bất động sản trở thành tâm điểm với giới đầu tư trên sàn chứng khoán. Những phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu BĐS giao dịch khởi sắc, đóng vai trò nâng đỡ thị trường.

Theo quan sát, đà tăng giá diễn ra trên diện rộng từ nhóm bluechip đến các mã thị giá nhỏ. Đơn cử, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup và NVL của Địa ốc No va (Novaland) giao dịch khởi sắc và thiết lập vùng đỉnh lịch sử mới. Phiên giao dịch ngày 15/4, cổ phiếu NVL gia nhập nhóm "ba chữ số" khi giá vượt 100.000 đồng/cp.

Tại nhóm vốn hóa trung bình (midcap), nhiều cổ phiếu BĐS cũng tăng giá và đang giao dịch trên vùng đỉnh như AGG của An Gia hay CRE của CenLand. Đà tăng giá còn xuất hiện tại nhiều mã đầu cơ như ITA, LDG, "họ FLC".

Khác với "con sóng" đồng loạt tăng như những trước đó, cổ phiếu BĐS giao dịch phân hóa và luân phiên tăng nhiều tháng qua, dường như theo từng "câu chuyện". 

Đi cùng với cơn sốt đất tại Bình Dương, năm 2020 chứng kiến sóng tăng giá bằng lần của các cổ phiếu "họ Becamex". Không chỉ cổ phiếu BCM của công ty mẹ Becamex IDC Corp, nhiều mã chứng khoán của công ty con, công ty liên kết tăng giá mạnh. 

Sau nhiều năm giao dịch trong khoảng giá 5.000 – 10.000 đồng/cp, cổ phiếu IJC của CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật vừa có đợt tăng giá gần 3 lần. Đóng cửa phiên 15/4, giá cổ phiếu IJC ở 26.750 đồng/cp, gấp 2,7 lần mức giá tại vùng đáy. Những mã khác trong "họ Becamex" tăng giá bằng lần năm qua như TDC, BCE.

Cùng với Bình Dương, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản trụ sở tại Vũng Tàu tăng mạnh trong năm qua như DIG, HDC. Cổ phiếu DIG của TCT Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) cũng tăng gần 3 lần kể từ tháng 7/2020. Hiện cổ phiếu DIG giao dịch quanh mốc 30.000 đồng/cp, vùng giá cao nhất kể từ khi niêm yết trên HOSE. Tương tự, cổ phiếu HDC tăng giá gần 3 lần trong hơn một năm qua, kết phiên 15/4 ở 42.950 đồng/cp.

Đà tăng giá cổ phiếu bất động sản diễn ra tương tự tại các doanh nghiệp địa ốc hoạt động chủ yếu khu vực phía bắc, trong đó có VCG, CEO, KBC, SJS.

Cổ phiếu VCG của Vinaconex tăng giá một mạch lên vùng đỉnh 48.000 đồng/cp sau nhiều tháng liên tiếp lình xình quanh mốc 24.000 đồng/cp. Thị giá cổ phiếu KBC và SJS gấp gần 3 lần chỉ sau ít tháng. Ghi nhận mức tăng thấp hơn, cổ phiếu CEO của Tập đoàn C.E.O. tăng khoảng 73% từ vùng đáy 7.000 đồng/cp. Kết phiên 15/4, giá cổ phiếu CEO ở 12.100 đồng/cp.

Những lý giải cho "sóng" cổ phiếu bất động sản

Thống kê trên cho thấy đà tăng giá cổ phiếu BĐS tăng trên diện rộng trong nhiều tháng qua. Vậy điều gì đã tạo "con sóng" khiến cổ phiếu tăng giá gấp nhiều lần?

Năm 2021, Chứng khoán BSC đưa ra đánh giá khả quan ngành BĐS dựa trên các yếu tố như nguồn cung sẽ dần cởi trói trong năm 2021, COVID-19 tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp đẩy mạnh việc mở rộng quỹ đất và M&A doanh nghiệp, môi trường lãi suất thấp dự kiến cũng sẽ gián tiếp hỗ trợ tích cực đến ngành. 

Theo BSC, điểm thuận lợi khác đó là xu hướng dịch chuyển đầu tư và phát triển dự án sang phía Đông thành phố và các tỉnh thành cấp 1-2 lân cận.

Còn theo quan điểm của Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), cổ phiếu của các chủ đầu tư sở hữu quỹ đất lớn, ở những vị trí chiến lược, đã hoàn thiện thủ tục pháp lý sẽ có triển vọng trong năm 2021.

Điều gì khiến cổ phiếu bất động sản đồng loạt nổi sóng? - Ảnh 1.

Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp.

Trên thực tế, dữ liệu thực tế về diện tích quỹ đất không được nhiều doanh nghiệp BĐS công bố. Thống kê từ người viết từ báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán, Vinhomes (Mã: VHM) dẫn đầu về quỹ đất. 

Trong năm 2020, Vinhomes phát triển thêm được 2.600 ha, đưa diện tích tổng quỹ đất mà doanh nghiệp này nắm giữ lên tới 16.200 ha. Đứng thứ hai trong nhóm doanh nghiệp niêm yết là Novaland (Mã: NVL) với quỹ đất khoảng 5.000 ha.

Những doanh nghiệp có quỹ đất hàng nghìn ha còn có Kinh Bắc, DIC Corp. Dữ liệu từ Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết quỹ đất của Kinh Bắc (Mã: KBC) là 5.278 ha đất công nghiệp và 939 ha đất dành cho khu đô thị.

Với DIC Corp, công ty có quỹ đất tại Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Đồng Nai với tổng diện tích (bao gồm cả hợp tác và tự triển khai) là 1.600 ha. Trong đó có 1.303 ha bất động sản dân cư và 330 ha bất động sản nghỉ dưỡng.

Doanh nghiệp có thể thu thập dữ liệu về quỹ đất còn có Becamex IJC. Theo Chứng khoán BSC, Becamex IJC hiện đang có tổng quỹ đất đã phát triển và dự kiến phát triển lên đến hơn 215 ha tại Bình Dương. BSC nhận định danh mục dự án của Becamex IJC đủ để duy trì phát triển liên tục trong giai đoạn 5 năm kế tiếp.

Còn với C.E.O Group (Mã: CEO), dữ liệu từ năm 2020, doanh nghiệp này có quỹ đất trên nhiều tỉnh thành như Phú Quốc (460 ha), Quảng Ninh (360 ha), Hà Nam (126 ha)… Tuy nhiên con số thực tế về quỹ đất thời điểm hiện tại chưa được công bố. Theo quan sát với hầu hết doanh nghiệp bất động sản, dữ liệu về quỹ đất vẫn còn là một ẩn số lớn.

Bên cạnh câu chuyện quỹ đất, Chứng khoán Tân Việt cho rằng việc cải thiện cơ sở hạ tầng, giúp rút ngắn thời gian di chuyển do đó nguồn cung đang dần chuyển dịch các khu đô thị mới xa hơn. Bên cạnh đó với việc nâng cấp các khu công nghiệp hình thành các cụm liên kết tác động tích cực đến thị trường bất động sản các tỉnh. Cụ thể, phía nam có các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương, phía bắc có Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên.

Hoàng Linh