|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lần đầu tiên Apple chuyển sản xuất iPhone sang một nước Đông Nam Á, vì sao không phải Việt Nam?

16:29 | 12/02/2025
Chia sẻ
Apple lần đầu tiên sản xuất iPhone tại Đông Nam Á, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong chiến lược mở rộng chuỗi cung ứng của hãng.

Các nhà cung cấp của Apple đang cân nhắc sản xuất iPhone tại Indonesia. Đây là một phần trong nỗ lực của Apple nhằm tháo gỡ lệnh cấm bán các mẫu iPhone mới nhất tại quốc gia này, theo Nikkei Asia.

Nếu kế hoạch này thành hiện thực, Apple sẽ lần đầu tiên sản xuất iPhone tại bên ngoài Trung Quốc và Ấn Độ. Hiện tại, Indonesia chưa có chuỗi cung ứng cho các sản phẩm của hãng. Việc đưa iPhone vào sản xuất sẽ giúp Indonesia tạo thêm việc làm và thúc đẩy ngành công nghệ, bởi chuỗi cung ứng của iPhone thuộc nhóm hiện đại nhất trong ngành điện tử tiêu dùng.

Các nguồn tin cho biết Apple đã bàn bạc với các nhà cung cấp về việc lắp ráp iPhone tại Indonesia. Đây là một thay đổi đáng kể so với vài tháng trước, khi chính phủ nước này ra lệnh cấm bán dòng iPhone mới.

“Một công ty lắp ráp iPhone đã mở chi nhánh tại Batam để phục vụ riêng cho Apple và bắt đầu tuyển dụng kỹ sư”, một nguồn tin tiết lộ.

Các mẫu điện thoại iPhone của Apple. (Ảnh: Đức Huy).

Apple đang đàm phán với chính phủ Indonesia sau khi nước này cấm bán dòng iPhone 16 do không đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa.

Ban đầu, Apple cam kết đầu tư vào các học viện giáo dục tại Indonesia, nhưng chính phủ cho rằng điều đó chưa đủ. Sau đó, hãng đề xuất chuyển sản xuất phụ kiện AirTag sang Indonesia, nhưng cũng không được chấp nhận.

Quyết định cuối cùng về việc lắp ráp iPhone tại đây vẫn đang chờ kết quả đàm phán giữa Apple và chính phủ Indonesia. Một giám đốc điều hành cho biết phải mất ít nhất một năm để xây dựng nhà máy iPhone tại Batam nếu kế hoạch được thông qua.

“Bên cạnh việc xây dựng nhà máy, việc thiết lập hệ thống điện phục vụ sản xuất cũng mất từ 4 đến 6 tháng. Sau đó, Apple còn phải kiểm tra dây chuyền trước khi đưa vào hoạt động”, nguồn tin cho biết. “Nếu Apple yêu cầu các nhà cung cấp đến Indonesia, đó sẽ là một cam kết lớn”.

Nikkei Asia đã liên hệ với Apple nhưng công ty không đưa ra bình luận.

Là quốc gia đông dân thứ tư thế giới, Indonesia là một thị trường có tiềm năng lớn. Hiện tại, Apple chỉ chiếm khoảng 1% thị phần smartphone tại đây. Tuy nhiên, cơ hội tăng trưởng vẫn rất cao khi ngành smartphone toàn cầu đang chững lại và thị trường Trung Quốc ngày càng khó khăn do căng thẳng Mỹ - Trung.

 

Phần lớn điện thoại bán ra tại Indonesia thuộc phân khúc giá rẻ. Giá trung bình chỉ khoảng 195 USD, theo dữ liệu năm 2024 của IDC. Hãng điện thoại Trung Quốc Transsion ghi nhận lượng xuất xưởng tăng hơn 61% trong năm nay, trở thành thương hiệu smartphone số một tại đây.

Hầu hết các nhà sản xuất lớn như Samsung, Oppo, Xiaomi, Vivo và chính Transsion đều có nhà máy hoặc đối tác địa phương để lắp ráp thiết bị ngay tại Indonesia. Hãng điện thoại Trung Quốc Honor cũng vừa công bố kế hoạch gia nhập thị trường này. Tất cả smartphone của hãng bán ra tại Indonesia sẽ được sản xuất trong nước.

Chính phủ Indonesia yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa 35% đối với smartphone, bao gồm cả linh kiện và phần mềm, để các sản phẩm được phép kinh doanh trong nước.

Nếu Apple quyết định lắp ráp iPhone tại Indonesia, hãng sẽ mở rộng chuỗi cung ứng sang một quốc gia mới, bên cạnh Trung Quốc và Ấn Độ. Hiện tại, Apple vẫn gặp khó khăn trong việc mở rộng sản xuất tại Ấn Độ, dù đã đầu tư nhiều năm. Nguyên nhân là do chuỗi cung ứng tại đây chưa hoàn chỉnh. Tại Indonesia, tình hình còn khó khăn hơn vì Apple chỉ có một nhà cung cấp linh kiện đạt chứng nhận.

“Mọi thứ sẽ phải bắt đầu lại từ đầu vì Apple hoàn toàn chưa có chuỗi cung ứng tại Indonesia”, một nguồn tin cấp cao cho biết. “Tiến độ sẽ phụ thuộc vào mức độ hỗ trợ của Apple dành cho các nhà cung cấp, cũng như chính sách của chính phủ nước này”.

Bà Kristy Tsun Tzu Hsu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Viện Kinh tế Chung Hua (Đài Loan), cho rằng các công ty như Apple cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng để tránh rủi ro.

“Indonesia không phải là một trung tâm công nghiệp phát triển đột biến để thu hút chuỗi cung ứng”, bà Hsu nhận xét. 

“Nhưng đây là một lựa chọn an toàn khi chuyển dịch sản xuất. Những quốc gia như Việt Nam, nơi có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, có nguy cơ bị áp thêm thuế quan dưới thời Tổng thống Donald Trump”, bà giải thích thêm.

Đức Huy

Doanh nghiệp trích lập dự phòng hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng khi rót tiền đầu tư chứng khoán
Hoạt động đầu tư chứng khoán không phải khi nào cũng đem về kết quả tích cực. Kết thúc mùa báo cáo tài chính năm 2024, nhiều công ty đang ghi nhận khoản trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng.