|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

‘Sóng’ cổ phiếu bất động sản: Lầm lũi phá đỉnh lịch sử nhưng NĐT vẫn thua lỗ nếu mua sai mã

17:58 | 18/02/2021
Chia sẻ
Không đồng loạt tăng giá hay theo kịch bản “nước lên, thuyền lên”, cổ phiếu vốn hóa trung bình và lớn trong nhóm bất động sản âm thầm tăng giá và vượt đỉnh mọi thời đại. Mặc dù vậy, xu hướng phân hóa diễn ra rõ nét khi nhiều cổ phiếu penny vẫn khiến nhà đầu tư thua lỗ.

Cơn bão COVID-19 đã nhấn chìm thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý đầu năm 2020. Hoạt động bán tháo khiến các nhóm cổ phiếu đồng loạt giảm sâu. Sau tạo đáy vào cuối quý I năm ngoái, thị trường hồi phục với sự đi lên của tất cả các cổ phiếu.

Sau giai đoạn hồi phục mạnh, thị trường cân bằng trở lại và nhiều cổ phiếu trở về vùng giá trước thời điểm dịch COVID-19 bùng nổ. Trong giai đoạn đi lên của VN-Index, nhiều con "sóng" xuất hiện.

Những năm trước đó, các cổ phiếu thường tăng mạnh trong cả một năm và nhà đầu tư thường gọi là năm của cổ phiếu dầu khí, năm của nhóm thép hay ngân hàng. Trái lại, năm 2020 chứng kiến hàng loạt "con sóng" nhỏ, các nhóm ngành tăng giá đan xen. Sự tăng giá của các nhóm cổ phiếu liên quan đến sự kì vọng của nhà đầu tư vào những yếu tố giúp doanh nghiệp tăng trưởng.

Năm qua, giá các hàng hóa cơ sở tăng mạnh như thép cuộn cán nóng (HRC), giá đường đã tạo ra "sóng" cổ phiếu thép, đường. Hay sự kì vọng vào đầu tư công đã tạo ra sóng cổ phiếu vật liệu xây dựng như đá, xi măng, nhựa đường.

Tài khoản "tăng bằng lần" với cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp sau 2 năm

Còn với nhóm bất động sản, sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam hay cơn sốt đất tại một số địa phương (Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai) đã tạo ra "sóng" tăng giá trên sàn chứng khoán.

Hệ quả tất yếu của việc dòng vốn FDI đổ vào mạnh, nhu cầu thuê đất tại khu công nghiệp tăng cao đó là giá cho thuê được đẩy lên. Đây là yếu tố tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành. Theo đó, nhiều cổ phiếu doanh nghiệp phát triển KCN đã có chu kỳ tăng giá kéo dài hơn 2 năm qua.

Đơn cử, cổ phiếu NTC của đã tăng giá khoảng 20 lần kể từ khi giao dịch trên UPCoM vào cuối năm 2016. Cổ phiếu SIP cũng tăng giá khoảng 13 lần chỉ sau thời gian ngắn chào sàn (tháng 6/2019). Thị giá của hai mã này cũng đang trên vùng đỉnh lịch sử. Kết phiên 18/2, giá của cổ phiếu NTC và SIP lần lượt là 249.900 đồng/cp và 207.000 đồng/cp.

Trong "sóng" cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, nhiều mã khác cũng tăng giá bằng lần như D2D, SZC, VGC, BCM, GVR, LHG, IDC. Gần đây nhất, cổ phiếu KBC của Kinh Bắc thu hút giới đầu tư khi nổi sóng, tăng giá bằng lần trong thời gian ngắn.

Với đà tăng giá mạnh mẽ, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu nhóm này trong hai năm qua đã có được hiệu suất cao hơn đáng kể so với thị trường chung, thậm chí tài khoản có thể tăng bằng lần.

Cổ phiếu bất động sản tăng giá trong nhiều tháng liên tiếp và thiết lập vùng đỉnh lịch sử. Ảnh: TradingView.

Không tăng ồ ạt theo ngành, cổ phiếu bất động sản dân dụng lầm lũi phá đỉnh

Khác với nhóm bất động sản khu công nghiệp, các mã cổ phiếu bất động sản dân dụng không tăng giá đồng loạt mà lại lầm lũi vượt đỉnh lịch sử. Nhiều mã tăng giá bất chấp việc thoái vốn từ các quỹ đầu tư ngoại như CRE của CenLand, SJS của Sudico hay AGG của An Gia.

Theo quan sát, nhiều cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên vùng đỉnh lịch sử sau nhiều tháng tăng giá. Ví dụ, cổ phiếu PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt có 7 tháng tăng giá liên tiếp. Đóng cửa phiên 18/2, giá cổ phiếu PDR ở 65.100 đồng/cp, cao nhất kể từ khi niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE).

Khởi sắc hơn, cổ phiếu NLG của CTCP Đầu tư Nam Long liên tục tăng giá trong 11 tháng. Kết phiên 18/2, mã NLG ở 37.000 đồng/cp, tạo đỉnh lịch sử mới kể từ khi lên HOSE.

Trên con "sóng" ngành bất động sản, cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng cũng âm thầm tăng và đang giao dịch trên vùng đỉnh lịch sử.

Ngoài các mã trên, cổ phiếu "họ Becamex" cũng giao dịch tích cực và tăng giá mạnh trong thời gian vừa qua. Cùng với cổ phiếu BCM của Becamex IDC Corp, nhiều mã chứng khoán của công ty con, công ty liên kết giao dịch khởi sắc như TDC của CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương hay IJC của CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật.

Danh sách các cổ phiếu trong nhóm bất động sản tăng giá mạnh và đang giao dịch trên vùng đỉnh lịch sử còn có các cái tên khác như HDC của CTCP Phát triển nhà Bà Rịa – Vũng Tàu, HDG của Tập đoàn Hà Đô, HPX của CTCP Đầu tư Hải Phát hay VHM của Vinhomes, NVL của Novaland.

Mặc dù vậy, cổ phiếu nhóm bất động sản lại đang có sự phân hóa mạnh. Câu chuyện tăng giá không theo kịch bản "nước lên, thuyền lên". Nhiều nhóm cổ phiếu vẫn còn cách xa đỉnh lịch sử, thậm chí giảm mạnh như họ FLC hay các mã thị giá nhỏ trong ngành (HAR, SCR, TDH, OGC, VPH, LGL, HQC). Do đó, nhiều nhà đầu tư chọn sai cổ phiếu bất động sản vẫn có thể thua lỗ trong "sóng" tăng giá.

Theo góc nhìn từ bộ phận phân tích của công ty chứng khoán, câu chuyện tăng giá cổ phiếu bất động sản vừa qua liên quan đến quỹ đất của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chứng khoán BSC cho rằng nguồn cung bất động sản được "cởi trói" khi những vướng mắc pháp lý được tháo gỡ nhờ vào các bộ luật mới được sửa đổi và có hiệu lực trong quý I/2021 như (i) Luật xây dựng sửa đổi 2020, (ii) Luật đầu tư 2020, (iii) Luật bất động sản sửa đổi, Nghị định 148.

Còn theo chia sẻ của một số nhà đầu tư, để chọn được những cổ phiếu bất động sản và có được thành quả thời gian qua cần hướng đến các doanh nghiệp cơ bản như tình hình kinh doanh ổn định đặc biệt là mảng cốt lõi, tỷ trọng nợ vay thấp, quỹ đất tích lũy lớn.

Lợi Hoàng