|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Jack Ma thất thế: Những người ở lại Alibaba chống lời ông chủ, không ngại copy mô hình kinh doanh của đối thủ

08:03 | 04/05/2022
Chia sẻ
Jack Ma không ủng hộ TMĐT bán lẻ trực tiếp song những gì Alibaba đang làm lại chứng tỏ điều ngược lại.

8 năm trước, Jack Ma, người sáng lập nổi tiếng và thẳng thắn của Alibaba, dự đoán về sự sụp đổ của một đối thủ lâu năm của Alibaba là JD trong một cuộc trò chuyện với một số bạn bè phóng viên.

Jack Ma nhận định hoạt động bán lẻ trực tiếp của JD không bền vững vì chi phí logistics cao. Vì thế, JD sẽ gặp khó khăn để tăng quy mô khi số lượng đơn hàng tăng lên cấp số nhân. Trong khi đó, Alibaba chủ yếu hợp tác với các đối tác giao nhận bên thứ 3 để chuyển đơn hàng tới tay người dùng.

Jack Ma không nghĩ rằng những chia sẻ của ông về sau đã được đăng tải và làm dấy lên đợt chỉ trích ông cũng như Alibaba vì hành động hạ bệ đối thủ. Cuối cùng, Jack Ma đã phải xin lỗi JD trên Weibo.

Nhiều năm sau đó, Alibaba lại làm ngược lại với những gì Jack Ma dự đoán và bắt đầu tham gia vào lĩnh vực bán lẻ trực tiếp. Đâu là lý do cho sự thay đổi này? Đợt tăng cường kiểm soát các công ty công nghệ, đại dịch kìm hãm nhu cầu tiêu dùng nội địa, cạnh tranh tăng mạnh và môi trường kinh doanh thay đổi có thể là lý do.

Doanh số bán lẻ trực tiếp tăng mạnh

Hồi cuối tháng 2, Alibaba công bố kết quả kinh doanh theo quý tồi tệ nhất trong lịch sử xét theo khía cạnh tăng trưởng doanh thu kể từ đợt IPO vào năm 2014. Trong quý III của năm tài chính 2022, Alibaba chỉ ghi nhận tăng trưởng doanh thu 10%, chậm nhất trong vòng 8 năm.

Điều tồi tệ hơn là thu nhập ròng theo Nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung (GAAP) giảm 75% xuống mức 19,2 tỷ nhân dân tệ (3 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu nhìn vào các con số không theo chuẩn GAAP, mức giảm vẫn là 25%.

Dù vậy, không phải tất cả mọi thứ đều ảm đạm đối với Alibaba bởi kết quả kinh doanh của Alibaba hé lộ một thay đổi quan trọng trong nguồn doanh thu của hãng này.

 Trụ sở Alibaba ở Thâm Quyến, Trung Quốc. (Ảnh: Shutterstock).

Theo báo cáo tài chính quý III thuộc năm tài chính 2022, khoảng 40% doanh thu bán lẻ thương mại Trung Quốc của Alibaba đến từ doanh số bán lẻ trực tiếp và các nguồn khác (bao gồm chuỗi đồ tươi sống O2O Fresh Hippo, chuỗi bán lẻ trực tiếp Sun Art, siêu thị trực tuyến Tmall Supermarket…). Con số này thể hiện mức tăng trưởng 21% so với một năm trước đó.

Tăng trưởng ở mảng bán lẻ trực tiếp của Alibaba đã góp phần bù đắp cho sự sụt giảm ở một số mảng kinh doanh cốt lõi như Taobao hay Tmall, theo Tech in Asia.

Dù vậy, vẫn còn nhiều yếu tố bất định và thách thức đối với hoạt động bán lẻ trực tiếp của Alibaba.

Một câu hỏi lớn là làm sao Alibaba có thể quản trị được các xung đột giữa hoạt động bán lẻ trực tiếp và các thương hiệu bán hàng trên các sàn TMĐT của hãng này.

Bên cạnh đó, việc đầu tư lớn và xây dựng chuyên môn liên quan đến một chuỗi cung ứng TMĐT hoàn chỉnh cũng mang đến nhiuef thách thức. JD mất nhiều năm và không ít đầu tư để làm được điều này.

“Một JD tí hon" trên Tmall

Vài ngày trước khi công bố kết quả hoạt động kinh doanh gây thất vọng, Alibaba khiến ngành TMĐT Trung Quốc bất ngờ khi ra mắt một dịch vụ bán lẻ trực tiếp thử nghiệm có tên Maoxiang trên Tmall (sàn TMĐT B2C lớn nhất Trung Quốc của Alibaba).

 Dịch vụ Maoxiang trên Tmall. (Ảnh: Tmall).

Mặc dù nhiều người nhìn nhận Maoxiang ra mắt như một nỗ lực của Alibaba trong việc đẩy mạnh hoạt động bán hàng trực tiếp, một nguồn tin bên trong công ty nói rằng động thái này đơn thuần để “cải tiến trải nghiệm người dùng”.

Maoxiang khiến nhiều người bất ngờ là bởi Alibaba vốn từ lâu chỉ tập trung đi theo mô hình sàn giao dịch. Bản thân Jack Ma cũng có những nhận định tiêu cực về mô hình bán lẻ trực tiếp. “Mô hình kinh doanh tự mua, bán và xử lý logistics sẽ khó có thể tiến xa”, ông nhận định.

Cần phải khẳng định việc xây dựng mạng logistics cho một quốc gia lớn như Trung Quốc không phải điều dễ làm. JD bắt đầu làm điều này từ năm 2007 và vẫn chưa có lãi suốt 15 năm. Lương, tiền thuê và chi phí thuê ngoài nằm trong số các chi phí lớn nhất của JD.

Lợi thế của việc kiểm soát tốt chuỗi cung ứng TMĐT từ lâu đã được nhắc đến. Vì có năng lực logistics, JD nổi tiếng với trải nghiệm mượt mà, dịch vụ đáng tin cậy và nhanh chóng. Điều này mang lại lợi thế lớn cho JD, nhất là trong bối cảnh nhiều khách hàng của Taobao và Tmall có thể phải đợi hàng vài ngày đến vài tuần để nhận được đơn hàng.

Hiện tại, Maoxiangm thay vì hợp tác với các đối tác giao nhận như thường lệ, đã chọn hợp tác với Danniao và SF Express để có thể thực hiện giao hàng vào ngày tiếp theo.

Ăn miếng bánh của JD

Thực tế, Alibaba đã bắt đầu liên quan đến mảng bán lẻ trực tiếp từ năm 2011 khi ra mắt Tmall Supermarket. Tuy nhiên, các kinh nghiệm trong quá khứ của Alibaba ở mảng này chủ yếu liên quan đến ngành hàng tươi sống.

Việc ra mắt Maoxiang thể hiện tham vọng của Alibaba trong việc “ăn” vào miếng bánh của JD, theo nhà phân tích ngành TMĐT Li Chengdong.

Dù vậy, ông Li cho rằng JD sẽ không cảm nhận được ảnh hưởng ngay lập tức. “Mất thời gian để xây dựng chuỗi cung ứng cho bán lẻ trực tiếp và chi phí đầu tư rất cao. Mặt khác, doanh thu cho mảng bán lẻ trực tiếp vẫn hết sức khiêm tốn và vì thế đầu tư lớn sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cuối cùng”, ông Li chia sẻ với Tech in Asia.

Bên cạnh đó, vì Cainiao chưa có kinh nghiệm và khả năng thực hiện hoạt động logistics từ đầu tới cuối, trải nghiệm giao hàng của Maoxiang sẽ không thể mượt mà như những gì JD cung cấp ít nhất là ở giai đoạn ban đầu.

Nam Khánh

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.