Điều gì đã giúp kinh tế Nhật thoát khỏi thập kỷ mất mát kéo dài?
Đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, Nhật không phải một điểm đến quá hấp dẫn để mở các công viên vui chơi giải trí. Trong 6 năm qua, khi cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của Nhật ngày một tồi tệ hơn, số lượng trẻ con giảm mạnh qua các năm, chẳng ai nghĩ Nhật phù hợp để đầu tư xây dựng công viên giải trí.
Thế nhưng mới đầu tháng Tư vừa qua, hàng trăm bậc cha mẹ cùng với con cái họ đã cùng nhau đến dự khai trương công viên Legoland mới nhất. Và mặc dù giá vé cực kỳ cao, cao hơn khá nhiều nếu so với giá vé vào cửa của Disneyland tỉnh Chiba, công viên của Lego vẫn đông chật người đến.
Công viên có tổng vốn đầu tư 380 triệu USD được xây dựng trên khu đất trước đây là đất khu công nghiệp thuộc thành phố Nagoya, một trong những vùng đô thị lớn của nước Nhật. Công viên mô phỏng tất cả những đồ chơi mà người ta thấy trong bộ trò chơi Lego ví như bức tường Lego, đấy là chưa nói đến các trò chơi trượt thác hay trượt nước.
Và điều khiến người ta cực kỳ ngạc nhiên, đó là khi CEO của Legoland, ông Nick Varney, trong chuyến thăm đến công viên nhân ngày khai trương, đã tuyên bố: “Nhật là một trong ba thị trường tăng trưởng doanh thu nhanh nhất thế giới sau Mỹ và Trung Quốc”.
Tại sao lại là Nhật, đất nước nơi người ta cực kỳ lười sinh đẻ và số lượng trẻ con cứ giảm dần qua các năm, kinh tế tăng trưởng trì trệ và đã nhiều năm được biết đến với cái tên “Vùng đất của những thập kỷ mất mát”.
Các số liệu thống kê vĩ mô của cho thấy tính ở trị giá của đồng yên ở hiện tại, tổng GDP danh nghĩa của Nhật năm 2016 so với năm 2015 tăng trưởng ở mức cao kỷ lục 27 năm. Lợi nhuận doanh nghiệp chạm mức cao chưa từng có.
Tăng trưởng tín dụng tại Nhật cao nhất tính từ trước cuộc khủng hoảng nhà đất Nhật vào thập niên 1980. Tỷ lệ thất nghiệp chỉ 2,8%, thấp nhất từ năm 1994. Mức lương người lao động Nhật có thể không tăng vọt nhưng ít nhất đã tăng đều đặn được 1% trong 4 năm liên tiếp.
Theo tính toán của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), trong trung hạn, kinh tế Nhật có thể tăng trưởng được 1,6%, cao hơn nhiều so với con số chưa đến 1% vào năm 2012.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ là vị Thủ tướng đầu tiên có thể tuyên bố ông đã định hướng kinh tế Nhật đi đúng hướng. Chính sách cải tổ Ngân hàng Trung ương Nhật đã góp phần quan trọng làm nên điều này. Ngân hàng Trung ương Nhật đã bơm thanh khoản ồ ạt suốt 4 năm qua, giúp tạo ra mức tỷ giá hợp lý và làm giảm lãi suất cho vay.
Tuy nhiên chính sách của Thủ tướng Abe khó có thể thành công nếu không được tung ra đúng thời điểm. Khi ông được bầu lên làm Thủ tướng Nhật vào năm 2012, thời điểm đó, hàng loạt những cơn khủng hoảng của kinh tế toàn cầu cũng đến giai đoạn kết thúc.
Có thể kể đến bong bóng kinh tế thập niên 1990, khủng hoảng tài chính châu Á cuối thập niên 1990, cú sốc nợ xấu đầu những năm 2000, khủng hoảng tài chính năm 2008. Theo nhận định của chuyên gia quản lý quỹ tại Arcus Investment Ltd, ông Peter Tasker, kinh tế Nhật không thể tăng trưởng được 4% nhưng sẽ tăng trưởng tốt hơn so với suốt 2 thập niên vừa qua và rồi sẽ còn thành công hơn nữa.
Ông Tasker vẫn nhớ thời gian đầu ông mới đến Nhật vào thập niên 1970, khi đó nước Anh đang ngày một nghèo đi trong khi nước Nhật giàu lên. Rồi sau đó ông cũng trải qua khoảng thời gian bong bóng bất động sản Nhật xì hơi và gánh chịu không ít hệ lụy.
Nền kinh tế gần như sụp đổ, sau đó hồi phục lại nhưng vẫn lao đao suốt nhiều thập kỷ. Thế nhưng từ khi ông Abe lên nắm quyền, bối cảnh kinh tế và chính trị Nhật đang thay đổi theo hướng có lợi.
Tất nhiên, không phải mọi chính sách của ông Abe đều đúng. Năm 2014, ông quyết định tăng thuế tiêu dùng và ngay lập tức kinh tế Nhật suy thoái. Cũng cùng lúc đó, ông và đội ngũ cố vấn kinh tế của ông cũng không đưa thêm được các biện pháp giúp cho thị trường lao động hoạt động hiệu quả hơn.
Những năm gần đây, chính phủ của ông Abe đã ráo riết đưa ra nhiều biện pháp giúp cải tổ thị trường lao động, ví như cải thiện chế độ đãi ngộ dành cho nữ giới để tăng tỷ lệ phụ nữ đi làm, đồng thời siết chặt các quy định quản lý để buộc các công ty phải có trách nhiệm hơn với cổ đông. Ngay lập tức cổ tức cho cổ đông tăng, tỷ lệ mua lại cổ phiếu cao kỷ lục, quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư cải thiện mạnh mẽ.
Vài năm trở lại đây, ngành du lịch Nhật tăng trưởng mạnh đến nỗi chính quyền của Thủ tướng Abe thậm chí phải điều chỉnh lại mục tiêu tăng trưởng. Chỉ riêng trong năm 2016, 24 triệu du khách đến Nhật trong khi ban đầu chính phủ Nhật chỉ dám đặt mục tiêu 20 triệu du khách vào năm 2020 khi Nhật đăng cai Olympic.
Sự phát triển của ngành du lịch ngay lập tức kéo theo một loạt các ngành khác. Hàng loạt khách sạn được xây dựng mới, ngoài ra, nhiều dịch vụ du lịch cũng đua nhau phát triển. Ngành du lịch Nhật không lâu nữa sẽ sớm trở thành một trong những trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế.
Rõ ràng, nước Nhật không thể tránh được tình trạng suy giảm dân số nhưng cùng lúc đó, người Nhật vẫn khó chấp nhận việc đón nhận người nhập cư với số lượng lớn, chắc chắn số lượng người lao động nhập cư ngắn hạn không thể tăng mãi. Thế nhưng có một yếu tố khác sẽ bù đắp cho tình trạng thiếu hụt lao động: công nghệ robot. Chính phủ của Thủ tướng Abe gọi đó là cuộc cách mạng robot.
Hai trong bốn công ty sản xuất robot lớn nhất thế giới là Fanuc Corp và Yaskawa Electric Corp thuộc về người Nhật. Việc phát triển công nghệ robot hiện đại bậc nhất thế giới dự kiến sẽ giúp người Nhật tiết kiệm được khoảng 5,7 triệu việc làm trong khoảng thời gian từ nay đến tháng Ba năm 2031.
Thủ tướng Abe nhiều khả năng sẽ tiếp tục tại vị đến cuối năm 2018 nhưng cũng có thể là năm 2021 nếu chính đảng của ông tiếp tục chiến thắng và theo đuổi các biện pháp cải cách, trong đó có thể nhắc đến tham vọng đàm phán thành công TPP mà không cần đến Mỹ.
Với những câu chuyện được nói đến ở trên, có quá nhiều lý do để tin rằng, kinh tế Nhật đã bước vào thời kỳ tăng trưởng mạnh hơn trước rất nhiều.