|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Điện gió, mặt trời cần cơ chế giá mới ổn định, chính sách vốn rõ ràng để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư

10:26 | 29/06/2022
Chia sẻ
Một trong những đề xuất tháo gỡ khó khăn của các dự án điện gió, điện mặt trời là sớm có mức giá mua điện mới hợp lý và ổn định hơn bởi mức giá trong dự thảo cơ chế sau FIT có thời hạn quá ngắn khiến tổ chức tín dụng khó tính toán hiệu quả đầu tư và hiện nay sau khi cơ chế hết hạn áp dụng vẫn chưa có chính sách giá chuyển tiếp hoặc thay thế.

Theo Tạp chí năng lượng Việt Nam, văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xem xét các kiến nghị của Tạp chí Năng lượng Việt Nam về “cơ chế, chính sách, công nghệ, tài chính cho các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí Việt Nam” sau khi đơn vị này đề xuất một số giải pháp.

Cụ thể, ngày 6/5, tại văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công thương báo cáo kết quả Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ hai, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã đưa ra 8 kiến nghị cho các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí Việt Nam.

Thứ nhất, để phát triển tốt năng lượng tái tạo cần tăng cường nâng cấp và xây mới hệ thống truyền tải với sự đóng góp của vốn đầu tư tư nhân. Do đó kiến nghị khẩn trương có cơ chế, chính sách rõ ràng và dài hạn cho tư nhân tham gia vào xây dựng lưới truyền tải điện.

Thứ hai, sau khi cơ chế FIT hết hạn, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoàn thành các dự án nguồn điện mặt trời và điện gió. Kiến nghị có cơ chế giá mới với tính chất ổn định, không đứt gãy và dự đoán được để nhà đầu tư nhìn thấy khả năng hoàn vốn, tiếp tục đầu tư.

Hiện tại, mức giá mua điện trong dự thảo cơ chế sau FIT có thời hạn quá ngắn nên tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong tính toán hiệu quả đầu tư.

Thứ ba, cơ chế bán điện trực tiếp DPPA, đã được Bộ Công Thương soạn thảo trình Chính phủ, kiến nghị rất cần được sớm ban hành.

Thứ tư, nguồn điện khí LNG được đề xuất đầu tư rất nhiều nhưng chưa có một dự án nào khởi công. Mặc dù giá LNG cao làm cho giá điện tính toán từ điện LNG cao hơn giá điện bán lẻ hiện hành. Để có thể xây dựng được trên 20.000 MW loại nguồn này đến năm 2030, kiến nghị có cơ chế thông thoáng, vận dụng luật hợp lý để các nhà đầu tư và EVN có cơ sở đàm phán được giá bán điện.

Thứ năm, có nhiều cơ hội huy động tài chính quốc tế và trong nước với các hình thức phong phú nhưng nhà đầu tư và tổ chức tài chính còn thấy nhiều rủi ro, kể cả về pháp lý. Do đó, Tạp chí năng lượng Việt Nam kiến nghị chính sách huy động tài chính cần có tính liên tục và dự đoán được.

Thứ sáu, cần sớm hoàn thành và phê duyệt Quy hoạch không gian biển quốc gia để các nhà đầu tư điện gió ngoài khơi có cơ sở phát triển dự án điện gió ngoài khơi, trong đó có các dự án sản xuất nhiên liệu hydro xanh.

Thứ bảy, có thể xem xét lại để đưa điện hạt nhân vào kế hoạch phát triển nguồn điện dài hạn. Trong đó chưa nên xét lò phản ứng cỡ nhỏ SMR vì chưa chín muồi công nghệ và không thích hợp với đất nước đông dân, diện tích hẹp và dài như Việt Nam.

Thứ tám, trong Quy hoạch điện cần tính đến mức tiêu thụ điện sẽ tăng cao hơn do lượng ô tô lớn sẽ chuyển sang dùng điện, trước khi có thể chuyển sang dùng pin nhiên liệu hydro.

Số lượng các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo đã đưa vào vận hành gồm 84 nhà máy điện gió và 146 nhà máy điện mặt trời nối lưới.(Ảnh: Bộ Công thương).

Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 1/11/2021 số lượng các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo do tư nhân và doanh nhiệp nhà nước đầu tư đã đưa vào vận hành gồm 84 nhà máy điện gió với công suất gần 3.700 MW và 146 nhà máy điện mặt trời nối lưới với công suất gần 9.000 MW.

Đến nay các dự án nguồn điện sạch đang được đề xuất bổ sung vào Quy hoạch điện đã vượt 100.000 MW, cho thấy tiềm năng và sức hấp dẫn của đầu tư vào năng lượng sạch. Tuy nhiên, các dự án năng lượng tái tạo không kịp hòa lưới trước ngày 1/11/2021, các dự án năng lượng tái tạo mới đầu tư sau này và các dự án điện khí lớn đang chuẩn bị đầu tư tại các tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, mức giá FIT đưa ra cho điện mặt trời và điện gió, cùng thời hạn hợp đồng 20 năm và các ưu đãi về thuế, quyền sử dụng đất... đã hết hạn áp dụng và từ đó đến nay chưa có chính sách giá mua điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp hoặc thay thế.

Trong việc xây dựng đường truyền tải điện, giải phóng mặt bằng đang làm chậm tiến độ nhiều công trình đường dây do người dân yêu cầu trả tiền đền bù cao hơn so với quy định, dẫn đến những bất cập trong đồng bộ giữa xây dựng nguồn năng lượng tái tạo với đường dây truyền tải. Điện gió ngoài khơi mới chỉ ở giai đoạn chuẩn bị nhưng đã gặp phải khó khăn do chưa có quy hoạch điện gió ngoài khơi hoặc quy hoạch không gian biển.

Ngoài ra, việc thu xếp vốn ngày càng khó khăn cho các dự án, nhất là đối với các dự án yêu cầu nguồn vốn lớn, huy động dài hạn, do hạn mức tín dụng cho vay từ ngân hàng trong nước đều vượt quy định, khó khăn trong tính toán hiệu quả đầu tư...


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Như Huỳnh

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.