|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Điểm tên 10 CTCK nắm giữ nhiều trái phiếu nhất cuối quý III

08:30 | 26/10/2023
Chia sẻ
Sau quý III, trái phiếu vượt chứng chỉ tiền gửi trở thành sản phẩm đầu tư được ưa thích nhất của công ty chứng khoán. TCBS tiếp tục dẫn đầu về giá trị đầu tư, SSI và VNDirect hoán đổi vị trí thứ hai và 4, trong khi VPankS giữ nguyên hạng ba.

Thống kê sơ bộ tại 55 công ty chứng khoán (CTCK) cho thấy danh mục đầu tư trị giá hơn 7,3 tỷ USD đã có sự thay đổi cấu trúc trong quý III theo hướng mở rộng đầu tư cổ phiếu và chứng chỉ quỹ (14,6% lên 16,4%) và trái phiếu (39,5% lên 42,2%) ngược lại thu hẹp đối với tiền gửi và chứng chỉ tiền gửi (45,8% còn 41,4%). Các tài sản đầu tư khác chiếm tỷ trọng không đáng kể.

Trái phiếu trở thành sản phẩm đầu tư ưa thích nhất, 10 CTCK dẫn đầu rót vốn gần 53.400 tỷ đồng, tăng 6,4%, tương đương khoảng 3.300 tỷ đồng so với cuối quý II. Trong đó, ba tổ chức dẫn đầu là TCBS, SSI và VPBankS đã đóng góp 3.600 tỷ đồng ở chiều tăng.

10 công ty chứng khoán nắm giữ trái phiếu nhiều nhất thị trường tính đến cuối tháng 9. Nguồn: Xuân Nghĩa tổng hợp.

Thời điểm cuối tháng 9, 4 CTCK lớn nhất nắm giữ gần 46.700 tỷ đồng trái phiếu, chiếm 84% tổng giá trị đầu tư trái phiếu của Top10.

Chứng khoán Techcom (TCBS) vẫn đầu tư trái phiếu lớn nhất ngành. Giá trị đầu tư vào trái phiếu tiếp tục tăng 11% trong quý III, đạt gần 15.000 tỷ đồng cuối kỳ, chiếm 84% danh mục tự doanh. 94% trái phiếu thuộc loại chưa niêm yết, 6% còn lại là trái phiếu niêm yết. Mảng trái phiếu hỗ trợ lớn nhất cho lợi nhuận của TCBS trong quý III và 9 tháng đầu năm nay.

Tương đồng TCBS, hai CTCK có nguồn vốn ngân hàng là VPBankS và VCBS cũng có xu hướng đầu tư nhiều vào trái phiếu. 82% danh mục tự doanh của Chứng khoán VPBank (VPBankS) là trái phiếu, tương ứng giá trị trên 10.545 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối quý II. Ngoài ra, công ty con của VPBank (Mã: VPB) còn sở hữu 714 tỷ đồng cổ phiếu và 1.558 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi. 

Giao dịch trái phiếu đem lại lợi nhuận lớn nhất cho VPBankS, giúp công ty chứng khoán này gia nhập nhóm bão lãi nghìn tỷ sau 9 tháng kinh doanh. Kế đến là nguồn thu từ mảng margin, trong khi VPBank báo lỗ trong hoạt động môi giới.

VớiChứng khoán Vietcombank (VCBS), trái phiếu chiếm 1/3 danh mục tự doanh, tương ứng với 1.540 tỷ đồng, tăng 36% sau 3 tháng. Công ty nắm giữ bao gồm 30% là trái phiếu niêm yết và 70% chưa niêm yết. Danh mục cuối kỳ còn bao gồm 315 tỷ đồng cổ phiếu và 2.725 tỷ đồng tiền gửi.

So với thời điểm cuối quý II, giá trị đầu tư trái phiếu của SSI tăng trưởng 17%, đạt 11.581 tỷ đồng và vươn lên vị trí thứ hai về con số tuyệt đối (sau TCBS). 91% trái phiếu của SSI thuộc loại chưa niêm yết. Lãnh đạo công ty chứng khoán này từng chia sẻ chiến lược tập trung đầu tư trái phiếu của các tổ chức tín dụng, một tỷ lệ rất nhỏ trái phiếu doanh nghiệp. SSI không tập trung giao dịch trái phiếu, phần lợi tức trái phiếu đóng góp nhiều nhất trong số lãi từ nắm giữ danh mục FVTPL của công ty trong 9 tháng đầu năm nay.

Trong khi đó, VNDirect thu hẹp 6%, về 9.596 tỷ đồng, với 98% trái phiếu là các mã chưa niêm yết. Hoán đổi vị thứ với SSI, VNDirect tụt xuống thứ 4 về sở hữu trái phiếu. Trong quý III, VNDirect đẩy mạnh giao dịch trái phiếu đem lại lợi nhuận từ chênh lệch giá gần bằng tổng hai quý đầu năm.

Giống VNDirect, Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (Mã: SHS) cũng thực hiện bán ra trái phiếu tự doanh. Cụ thể, giá trị trái phiếu giảm 36%, tương đương với giảm 560 tỷ đồng sau 3 tháng, ghi nhận 1.002 tỷ đồng tại cuối quý III. Cơ cấu trái phiếu của SHS gồm 65% niêm yết và 35% chưa niêm yết.

Sở hữu lượng trái phiếu trên nghìn tỷ đồng còn có các đơn vị Chứng khoán VPS, Chứng khoán Tân Việt (TVSI), Chứng khoán HSC (Mã: HCM) hay Chứng khoán KS (KSS). Tổng quan, các đơn vị trong ngành tập trung đầu tư loại trái phiếu chưa niêm yết hơn so với niêm yết, song không thuyết minh chi tiết tại báo cáo tài chính quý.

Xuân Nghĩa