|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Các CTCK có danh mục đầu tư hơn 7 tỷ USD, xếp hạng quy mô thay đổi thế nào trong quý III?

07:00 | 24/10/2023
Chia sẻ
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán không thay đổi đáng kể sau quý III với giá trị hơn 7 tỷ USD. Tuy nhiên, cơ cấu danh mục đầu tư của từng công ty cũng đã có sự dịch chuyển giữa các phân lớp tài sản đầu tư.

Tự doanh là hoạt động đem về doanh thu đáng kể cho các công ty chứng khoán, đặc biệt ở nhóm quy mô vừa. Mảng tự doanh bao gồm tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) và các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS). 

Trong đó, phần lãi FVTPL và HTM ghi nhận vào kết quả kinh doanh còn lãi AFS hạch toán vào vốn chủ sở hữu nên không ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh hàng quý. Khoản mục này giúp các CTCK điều tiết lợi nhuận từ việc chuyển các khoản đầu tư từ AFS sang FVTPL.

Về HTM, những khoản đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn, đây phần lớn là các khoản lãi suất cố định như các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn, chứng chỉ tiền gửi. Tại công ty chứng khoán lớn, hoạt động đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi được gọi là kinh doanh nguồn, mảng tự doanh tập trung vào cổ phiếu, trái phiếu.

Tuy nhiên, để đồng nhất thống kê, người viết tổng hợp ba danh mục FTVTL, AFS và HTM để phản ánh hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán. 

Tổng giá trị danh mục tự doanh của 55 công ty chứng khoán tại ngày 30/9. Nguồn: XN tổng hợp.

Theo thống kê, tổng giá trị tài sản tự doanh của 55 CTCK hàng đầu tại thời điểm cuối tháng 9 đạt xấp xỉ 170.425 tỷ đồng (khoảng 7,3 tỷ USD), gần như đi ngang so với cuối quý II (170.109 tỷ đồng). Trong đó, giá trị danh mục FVTPL là 107.710 tỷ đồng, kế đến là HTM (34.595 tỷ đồng) và HTM (28.120 tỷ đồng).

Top10 CTCK có khoản tự doanh lớn nhất sở hữu danh mục hơn 125.316 tỷ đồng, chiếm 74% giá trị tự doanh toàn ngành và cũng xấp xỉ với thời điểm cuối quý II  (125.386 tỷ đồng).

 

Dẫn đầu về con số tuyệt đối là hai ông lớn quen thuộc Chứng khoán SSI (Mã: SSI) và VNDirect (Mã: VND) với trị giá trên 34.000 tỷ đồng và trên 24.000 tỷ đồng, kế đến là Chứng khoán Techcom (TCBS) đạt gần 17.900 tỷ đồng và Chứng khoán VPBank (VPBankS) với trên 12.800 tỷ đồng ở vị trí thứ ba và 4. Top10 còn có những tên gồm Chứng khoán VPS, Vietcap (Mã: VCI), KBSV, VCBS, SHS hay VIX.

Phần lớn danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán đều gồm các tài sản ít hoặc không biến động như trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, công cụ thị trường tiền tệ, tiền gửi ngân hàng; trong khi đó, phần cổ phiếu thường không chiếm tỷ lệ lớn.

Về cơ cấu giữa 3 loại tài sản FVTPL, HTM và AFS, đa số các đơn vị ghi nhận giá trị lớn nhất tại FVTPL. Với nhóm 10 CTCK có tự doanh lớn nhất, giá trị FVTPL chiếm tổng cộng 67% (khoảng 2/3) danh mục.

 

VPBankS và VIX có tự doanh toàn bộ là FVTPL. Giá trị hợp lý tài sản của VPBankS tại thời điểm cuối tháng 9 đạt 12.818 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối quý trước, chủ yếu vẫn nắm trái phiếu (10.545 tỷ đồng).

Đối với Chứng khoán VIX, giá trị đầu tư giảm đáng kể 42% sau 3 tháng về mức 3.920 tỷ đồng. Trong kỳ vừa qua, bộ phận tự doanh đã bán ra danh mục đầu tư giá trị 2.370 tỷ đồng, trong đó đến 1.900 tỷ đồng là cổ phiếu. Việc bán trái phiếu và chốt lời cổ phiếu giúp VIX báo lãi trước thuế 248 tỷ đồng trong quý III, gấp đôi cùng kỳ, trong đó lãi đã thực hiện đạt trên 400 tỷ đồng.

Tỷ trọng danh mục FVTPL trên 70% còn có SSI (85%), VNDirect (78%), VPS (83%), VCBS (98%) hay SHS (84%).

SSI đang nắm danh mục tự doanh lớn nhất ngành với 34.351 tỷ đồng (theo báo cáo hợp nhất), tăng 9% so với cuối quý III, bao gồm 29.591 tỷ đồng tại FVTPL và 4.275 tỷ đồng là HTM.

Giảm 6% so với cuối quý II, song tự doanh của VNDirect vẫn xếp thứ hai về con số tuyệt đối, đạt 24.228 tỷ đồng tại cuối tháng 9. Danh mục bao gồm 18.969 tỷ đồng FVTPL và 5.259 tỷ đồng HTM. Điểm chung cả hai ông lớn SSI và VNDirect là đều nắm lượng lớn trái phiếu trong danh mục tự doanh, đạt lần lượt 11.830 tỷ đồng và 9.595 tỷ đồng.

Đối với TCBS và Vietcap, hai đơn vị này phân bổ vốn tự doanh nhiều nhất vào khoản AFS. Giá trị AFS của TCBS cuối kỳ đạt 16.612 tỷ đồng, chiếm 93% danh mục tự doanh, còn lại 1.282 tỷ đồng là HTM.

Danh mục tự doanh của Vietcap tập trung 79% tại AFS, với giá trị 6.657 tỷ đồng tại cuối quý III, tăng 13% so với cuối tháng 6. Bên cạnh đó, công ty có 634 tỷ đồng HTM và 1.123 tỷ đồng FVTPL. Giá trị cổ phiếu (cả trong AFS và FVTPL) đạt gần 7.200 tỷ đồng tại cuối quý III và tiếp tục là đơn vị đầu tư cổ phiếu nhiều nhất.

Trường hợp của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), danh mục tự doanh cuối kỳ đạt 5.513 tỷ đồng, giảm 10% so với cuối quý II. Đại diện đến từ Hàn Quốc đang nắm giữ 41% tại FVTPL, 59% tại HTM, lượng AFS không đáng kể.

Xuân Nghĩa

Gần 30 doanh nghiệp lãi ròng trên nghìn tỷ quý I, một đơn vị bất ngờ lọt top sau chuỗi 16 quý thua lỗ
Bảng xếp hạng lợi nhuận quý I ghi nhận sự xáo trộn lớn khi đơn vị từng đứng đầu thị trường về lợi nhuận đã rời top lãi nghìn tỷ. Trong khi đó có đơn vị thua lỗ 16 quý liên tiếp lại bất ngờ đứng thứ 6 về lợi nhuận trên thị trường.