|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cách 4 công ty chứng khoán kiếm lãi nghìn tỷ

20:18 | 24/10/2023
Chia sẻ
Thị trường thuận lợi, thanh khoản khởi sắc giúp ngành chứng khoán có kết quả kinh doanh tích cực trong quý III. Sau 9 tháng kinh doanh, 4 đơn vị báo lãi trước thuế nghìn tỷ đồng với chiến lược kinh doanh định hình riêng biệt.

 

VPBankS gia nhập nhóm lãi nghìn tỷ sau 9 tháng

Theo thống kê, 4 công ty chứng khoán dẫn đầu ghi nhận lãi trước thuế nghìn tỷ đồng gồm Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), SSI, VNDirect và Chứng khoán VPBank (VPBankS). VPBankS là cái tên mới nổi nhờ tiềm lực tài chính từ ngân hàng mẹ. Công ty chứng khoán này lãi trước thuế hơn 1.000 tỷ đồng, gấp đôi những gì đạt được trong cả năm ngoái.

Doanh thu không quá lớn, nhưng đơn vị “nhà VPBank” đạt hiệu quả kinh doanh cao nhất với tỷ lệ lãi trước thuế trên doanh thu hoạt động là 72,45%, gấp 2 lần tổ chức đứng cuối nhóm - VNDirect (32,2%).

Về chiến lược kinh doanh, sau khi tăng vốn lên 15.000 tỷ đồng, công ty chứng khoán trực thuộc VPBank không đẩy mạnh hai mảng truyền thống là môi giới và cho vay ký quỹ (margin), thay vào đó là tập trung hoạt động tự doanh.

Giá trị danh mục tài sản tài chính FVTPL của VPBankS đạt hơn 12.800 tỷ đồng cuối tháng 9, đứng thứ tư trong ngành và thấp nhất trong bộ tứ lợi nhuận nghìn tỷ kể trên. Sản phẩm ưa thích là trái phiếu chưa niêm yết khi được rót vốn hơn 10.500 tỷ đồng.

Sau ba quý VPBankS ghi nhận gần 934 tỷ đồng lãi từ danh mục FVTPL trong đó lãi bán chiếm 1/3, còn lại là cổ tức và lãi phát sinh. Trừ đi khoản lỗ bán và chi phí, mảng tự doanh của công ty lãi 865 tỷ đồng.

Thu từ margin của VPBankS gần 341 tỷ đồng sau 9 tháng. Lợi thế vốn góp lớn, công ty không lạm dụng nguồn tiền vay ngắn hạn, do đó chi phí lãi vay thấp (61 tỷ đồng), bằng 1/10 TCBS. Trong khi đó, SSI và VNDirect trả gần 1.200 tỷ đồng tiền lãi trong ba quý.

Doanh thu môi giới của VPBankS dần gia tăng nhưng chưa đủ bù đắp chi phí. Kết quả là VPBankS lỗ nhẹ gần 19 tỷ đồng.

Mảng trái phiếu tiếp tục nâng đỡ lợi nhuận của TCBS

Công ty chứng khoán con của Techcombank cũng có khẩu vị giống VPBankS khi phân bổ hơn 90% danh mục đầu tư gần 16.600 tỷ đồng vào trái phiếu. Trong 9 tháng đầu năm nay, hoạt động tự doanh của TCBS đem về số lãi 945 tỷ đồng, đóng góp gần 809 tỷ đồng từ giao dịch trái phiếu, 102 tỷ đồng từ chứng chỉ tiền gửi, cổ phiếu chiếm một phần rất nhỏ.

So với ba tổ chức còn lại, lãi từ danh mục AFS và thu nghiệp vụ bảo lãnh phát hành của TCBS cao hơn đáng kể, ghi nhận lần lượt 314,4 tỷ đồng 737 tỷ đồng.

Mảng bán lẻ của TCBS bị lấn át bởi nghiệp vụ liên quan trái phiếu, nhưng vẫn đóng góp một phần vào cấu trúc lợi nhuận.

Trong quý III, TCBS vươn lên đứng thứ tư về thị phần trên sàn HOSE song chiến lược phí giao dịch thấp khiến thu từ mảng môi giới sau 9 tháng chỉ đạt hơn 340 tỷ đồng, chưa bằng 1/3 tổ chức cao nhất trong nhóm là SSI. Tuy nhiên, việc đầu tư vào hệ thống công nghệ thay vì sử dụng môi giới giúp biên lợi nhuận cao, khi lãi hơn 219 tỷ đồng từ mảng này.

Với lượng khách hàng lớn, TCBS đẩy mạnh cho vay margin, dư nợ đứng thứ ba thị trường, xếp sau SSI và Mirae Assets (Việt Nam). Công ty thu 1.095 tỷ đồng lãi cho vay sau 9 tháng. Dù cao hơn VPBankS, chi phí lãi vay của TCBS chỉ bằng một nửa SSI và VNDirect, ở mức 643 tỷ đồng.

 

Chiến lược kinh doanh thu lãi nghìn tỷ của SSI và VNDirect

Hai tổ chức lãi nghìn tỷ còn lại là SSI và VNDrirect, có đặc điểm chung là không nằm trong hệ sinh thái và được hậu thuẫn vốn từ ngân hàng mẹ.

Sau 9 tháng kinh doanh, SSI dẫn đầu ngành về doanh thu hoạt động và lợi nhuận sau thuế.

Cấu trúc doanh thu của hai tổ chức cũng khá tương đồng. Với SSI, doanh thu công ty mẹ 9 tháng đạt hơn 4.900 tỷ đồng, 43,3% đến từ lãi danh mục FVTPL, mảng margin và môi giới cùng chiếm 23%, còn lại là các nghiệp vụ khác.

Trong số lãi trước thuế 2.089 tỷ đồng của SSI, 54,3% đến từ mảng tự doanh, 37,4% từ mảng môi giới và dịch vụ khách hàng (trong đó có margin), hơn 8,8% đóng góp từ nghiệp vụ kinh doanh nguồn. Không giống nhưng tổ chức vừa và nhỏ, SSI tập trung vào trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi và thu lợi tức hàng nghìn tỷ đồng. Khác TCBS và VPBankS, tổ chức vốn điều lệ lớn nhất thị trường có khẩu vị an toàn hơn với tỷ trọng cao là trái phiếu ngân hàng.

Tại VNDirect, hoạt động tự doanh chiếm 57,4% doanh thu hoạt động, trong khi mảng margin và môi giới chiếm 19% và 14%. 10% còn lại từ lãi danh mục nắm giữ đến ngày đáo hạn (chứng chỉ tiền gửi) và nghiệp vụ khác.

Không giống như SSI, VNDirect đẩy mạnh giao dịch chứng khoán trong danh mục FVTPL và hưởng lợi từ chênh lệch giá. Sau 9 tháng, VNDirect lãi 986 tỷ đồng với nghiệp vụ trên, trong đó 910 tỷ đồng nhờ mua bán trái phiếu. Chiến lược kinh doanh này giống với TCBS.

Riêng trong quý III, chênh lệch lãi bán và lỗ bán danh mục FVTPL của VNDirect gần 465 tỷ đồng, gần bằng kết quả đạt được trong hai quý đầu năm. Đây chính là nghiệp vụ đưa công ty gia nhập nhóm báo lãi nghìn tỷ sau 9 tháng.

Tại mảng môi giới, VNDiect thu về hơn 650 tỷ đồng và lãi ròng 229 tỷ đồng, cao nhất trong số 4 công ty.

Trên đây người viết đã phân tích về những mảng kinh doanh đóng góp vào mức lợi nhuận nghìn tỷ của 4 công ty chứng khoán. Ngoài VPBankS, ba đại diện còn lại đều là những “gương mặt thân quen”. Trong năm năm nay, một cái tên có thể xuất hiện trong nhóm này đó là Chứng khoán VIX khi tổ chức này đạt mức lãi trước thuế gần 964 tỷ đồng 9 tháng nhờ chốt lãi danh mục tự doanh cổ phiếu.

Trong năm nay, ban lãnh đạo chứng khoán VIX xin điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng gần gấp đôi từ 676 tỷ đồng lên 1.150 tỷ đồng. Tuy vậy, một điểm bất lợi với VIX là điều kiện thị trường hai tháng gần đây không ủng hộ mảng cốt lõi của công ty là tự doanh. Lịch sử công ty chứng khoán này rơi vào trường hợp “lỗ giả, lãi thật” do đánh giá lại danh mục.

Giai đoạn thị trường chứng khoán thuận lợi 2020 – 2021, một số công ty chứng khoán góp mặt trong nhóm báo lãi nghìn tỷ có HSC, Vietcap, SHS, hoặc mấp mé như FPTS, Mirae Assets (Việt Nam). Tuy nhiên, với những gì đạt được, lợi nhuận quý cuối năm của các đơn vị này phải gấp nhiều lần cùng kỳ và 3/4 chặng đường trước đó để có thể đạt mức lãi nghìn tỷ.

Lợi Hoàng