|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nguy cơ tiền ngoại tiếp tục rút khỏi chứng khoán Việt Nam

08:40 | 24/10/2023
Chia sẻ
Khối ngoại đã rút ròng 7 tháng liên tiếp khỏi thị trường. Đây không chỉ là hoạt động chốt lời thông thường khi chứng khoán Việt Nam vẫn đang nằm trong pha bán ròng.

Khối ngoại bán ròng hơn 15.000 tỷ đồng sau 7 tháng

Quan sát giao dịch cho thấy nhà đầu tư ngoại đã bán ròng liên tiếp 7 tháng qua với giá trị hơn 15.200 tỷ đồng (tính đến ngày 23/10). Trước đó, chứng khoán Việt Nam chứng kiến đợt giải ngân mạnh nhất trong lịch sử với hơn 37.000 tỷ đồng trong hai tháng cuối năm 2022 và quý đầu năm 2023. Điểm sáng của thị trường năm qua là dòng vốn từ Đài Loan, đại diện là Fubon FTSE Vietnam ETF.

Tuy nhiên, về tổng quan, Việt Nam vẫn chua thoát khỏi pha rút ròng. Thị trường đã chứng kiến lực bán áp đảo từ khối ngoại trong 33/46 tháng. Động thái rút ròng theo chuỗi nhiều tháng không còn lạ lẫm 4 năm trở lại đây.

Hai năm 2020 và 2021, tiền ngoại rút gần 82.000 tỷ đồng khỏi chứng khoán Việt Nam, cách biệt không nhiều tổng giá trị mua ròng trong 9 năm trước đó (90.300 tỷ đồng).

Về thời điểm hiện tại, nếu không có giao dịch mua thỏa thuận 2.000 tỷ đồng cổ phiếu VHM của Vinhomes, giá trị bán ròng của khối ngoại bằng một nửa quy mô ghi nhận trong nhịp mua trước đó.

Một tín hiệu chú ý khác là Việt Nam bị rút ròng mạnh hơn Indonesia và Thái Lan trong tháng 8 và 9. Mặc dù có thể nói cả ba thị trường này đều rơi vào tình trạng chung là không mấy hấp dẫn tiền ngoại kể từ đầu năm.

Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp đến ngày 23/10.

Nhìn rộng hơn, trong bối cảnh đồng USD mạnh lên, dòng vốn đầu tư đã có sự đảo chiều, các quỹ cổ phiếu thị trường phát triển hút ròng được hơn 21 tỷ USD trong tháng 9. Theo SSI Research, số liệu kinh tế tích cực và kỳ vọng về việc Fed sẽ duy trì lãi suất cao dài hơn giúp dòng tiền nhanh chóng quay trở lại Mỹ nhằm tìm kiếm sự an toàn.

Trong khi đó, dòng vốn vào thị trường mới nổi chỉ đạt 894 triệu USD tháng trước. Ngoài Ấn Độ, dòng tiền từ các quỹ chủ động rút ra khỏi Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam.

Diễn biến dòng vốn ngoại trên thị trường trong nước và tín hiệu khởi phát khả năng dòng vốn quốc tế bị hút trở lại thị trường phát triển làm gia tăng nguy cơ chứng khoán Việt Nam chưa thể tìm được điểm thoát khỏi pha rút ròng như nêu trên. Câu hỏi thứ hai được đặt ra, liệu chứng khoán Việt Nam còn hấp dẫn khối ngoại?

Nguy cơ chứng khoán Việt Nam chưa thể thoát khỏi pha rút ròng

Bàn luận về hai vấn đề được đặt ra, ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu, chuyên gia chiến lược thị trường của SSI Research cho biết hành vi mua/bán của khối ngoại thường đến từ nhiều yếu tố khác nhau, không chỉ vì lý do đơn giản là quan điểm về triển vọng thị trường, mà còn đến từ nhiều nguyên nhân bên ngoài. Một số lý do thường thấy là thay đổi phân bổ kênh tài sản, khẩu vị giữa các thị trường khác nhau, hay đơn giản là hoạt động rút/nộp mang tính cục bộ.

Tại thị trường Việt Nam, trong quý IV/2022, cùng với việc thị trường thiết lập vùng đáy dưới 900 điểm, nhà đầu tư ngoại đẩy mạnh mua ròng. Sau thời gian trầm lắng đầu 2023, từ đầu quý III đến nay chứng khoán Việt Nam chứng kiến khối này bán ròng xấp xỉ 10.000 tỷ đồng ở mặt bằng điểm số cao hơn.

“Tôi cho rằng hoạt động chốt lãi chắc chắn đóng góp một phần trong diễn biến này. Một phần khác, cũng đã nhắc tới trong các báo cáo chuyển động dòng vốn toàn cầu mà SSI Research thường xuyên cập nhập hàng tháng, trạng thái dòng vốn toàn cầu đang phân hóa, không hẳn quyết liệt theo một xu hướng nào đó. Diễn biến này khác với bối cảnh liên tục rút ròng kênh cổ phiếu và trú ẩn vào các kênh tiền tệ như đã xảy ra trong 2022. Nói cách khác, câu chuyện ưu ái hơn cho thị trường mới nổi hay thị trường phát triển đang chưa phải là xu hướng mà là liên tục đan xen từ đầu năm 2023”, ông Hiếu đưa quan điểm.

 Nguồn: SSI Research.

Dẫn chứng cho nhận định trên, chuyên gia SSI Research chỉ ra rằng, trước đó 1 tháng, trong tháng 8, dòng tiền toàn cầu lại vào ròng thị trường mới nổi với giá trị đáng kể xấp xỉ 17 tỷ USD, trong khi rút ròng tại các thị trường phát triển.

Nên biến động trầm lắng về dòng vốn tại thị trường mới nổi trong tháng 9 vừa qua chưa thể khẳng định đây là xu hướng sẽ tiếp diễn. Theo chúng tôi, điều này đang phản ánh việc không chắc chắn về xu hướng vĩ mô trong giai đoạn còn lại của năm 2023 và 2024. Tâm lý thị trường ở trạng thái thận trọng nhưng không theo hướng tiêu cực (như giai đoạn 2022) và dòng tiền nghiêng nhiều động thái quan sát hoặc tái cơ cấu danh mục, thay vì tiếp tục giải ngân hay rút vốn khi tỷ suất giữa lợi nhuận và rủi ro khá cân bằng giữa các nhóm tài sản tài chính”, đại diện từ SSI Research nhấn mạnh.

Song, theo vị chuyên gia này, không có nghĩa thị trường mới nổi không có rủi ro về dòng tiền. Dù chưa phải là xu hướng quyết liệt, nhưng những biến số thường ảnh hưởng tiêu cực tới vận động của dòng vốn vào kênh cổ phiếu đang dần xuất hiện như sự tăng vọt của lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ, hay bất ổn địa chính trị. Phản ứng dòng tiền những tháng tới đây đi cùng với thông tin này sẽ đóng vai trò quan trọng cho xu hướng tiếp theo của các kênh tài sản, ảnh hưởng tới các thị trường chứng khoán.

Thực tế, giai đoạn vừa qua, DXY - chỉ số đo lường sức mạnh của đồngđô la Mỹ đi lên,khiến các nhà đầu tư chuyển hướng theo đuổi các khoản đầu tư bằng đồng tiền này để thu lợi nhiều hơn. Các đồng tiền như Baht, Nhân dân tệ mất giá đi kèm với động thái rút vốn ngoại, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Kể từ đầu tháng 10, Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu nhằm hạ nhiệt tỷ giá.

Theo phân tích của Chứng khoán BSC, đà tăng của đồng USD là cơ sở để thị trường củng cố niềm tin rằng Fed sẽ giữ chính sách tiền tệ ở trạng thái thắt chặt trong năm 2024. Động thái của FED cùng với sự vững vàng của nền kinh tế Hoa Kỳ trong khi kinh tế Châu Âu và Trung Quốc gây thất vọng sẽ là cơ sở để đồng USD có nhiều khả năng tiếp tục tăng giá trong ngắn hạn.

Như vậy, dòng tiền vào thị trường mới nổi, cận biên trong đó có Việt Nam trong giai đoạn tới sẽ chưa thể sáng cửa nếu như những tác nhân kể trên chưa cho tín hiểu đảo chiều.

Lợi Hoàng