Dịch vụ giao món ăn 'khóc hận' tại thành phố của những cây cầu
Là thành phố công nghiệp phát triển nhanh bậc nhất Trung Quốc và nằm ở vùng châu thổ sông Dương Tử, Trùng Khánh nổi tiếng với những món ăn trứ danh, các cao ốc hiện đại bên cạnh hệ thống cầu, đường chằng chịt. Các sách cẩm nang du lịch luôn mô tả Trùng Khánh là "sự hỗn loạn đáng yêu".
Nỗi khổ của người giao món ăn ở Trùng Khánh
Do núi vây quanh tứ phía, Trùng Khánh cũng là một trong số ít nơi mà những tài xế giao món không sử dụng app để tìm đường, mà phải dựa vào sự am hiểu thực địa để hoàn thành việc giao món.
Một nhân viên giao món ăn di chuyển trên đường tại thành phố Trùng Khánh. Ảnh: South China Morning Post
Li Lu, một tài xế của ứng dụng giao món Meituan Dianping, từng hoảng hốt vì anh phải dành hơn một tiếng để tìm đúng địa điểm của khách.
"Nếu bạn nhìn trên bản đồ, chỗ ấy có vẻ rất gần. Nhưng thực ra nó nằm trên tầng 22 của một tòa nhà, và bạn phải đi bộ theo đúng một vòng tròn để tới đó. Vì thế, bạn chỉ nên dùng bản đồ để tham chiếu, và cần học thuộc địa hình ở thành phố Trùng Khánh", Lu nói.
Xin Xiaoyong, một tài xế 21 tuổi của ứng dụng giao món Ele.me, nhớ như in lần đầu giao hàng của anh. "Tôi mất 2 tiếng để tìm nhà của khách hàng. Ban đầu tôi theo bản đồ và phóng vào một ngõ cụt. Tôi không thông thạo những hẻm, ngõ ở đây và phải hỏi 4-5 người trước khi tới đúng vị trí", Xiaoyong nói.
South China Morning Post đã phỏng vấn khoảng hơn chục người làm việc cho hai app giao hàng nổi trội nhất ở Trùng Khánh. Hầu như tất cả (trừ một người) nói họ không bao giờ dựa vào lộ trình mà app gợi ý để tìm vị trí người nhận. Thay vào đó, họ dành thời gian rảnh để tìm hiểu từng khu vực để có thể giảm thời gian giao hàng.
"Số chuyến giao hàng càng nhiều, thu nhập của chúng tôi càng tăng", họ nói.
Đường phố ở Trùng Khánh có thể tạo thành nhiều tầng, khiến một tòa nhà có thể sở hữu hai địa chỉ. Ảnh: Reddit
Hệ thống địa chỉ cực kì phức tạp
Giáo sư Lin Hui, một giảng viên của Đại học Hong Kong, nói rằng Trùng Khánh là một thành phố có địa hình theo kiểu không gian ba chiều với hệ thống địa chỉ vô cùng rắc rối.
"Chẳng hạn, một tòa nhà có thể sở hữu hai địa chỉ với hai phố khác nhau vì người dân có thể bước vào tòa nhà từ con đường nằm ngang tầng 1 hoặc con đường khác nằm ngang tầng 7 của nó. Cả hai số nhà đều chính xác", vị giáo sư nói với vẻ ngao ngán.
Địa hình đồi, núi là nguyên nhân khiến thành phố có kết cấu theo kiểu không gian ba chiều. Vào cuối thế kỉ 19, Trùng Khánh nổi tiếng bởi kết cấu theo kiểu "nhà chồng nhà, đường chồng đường".
Vì thế, đến tận ngày nay, xích lô vẫn là phương tiện chủ yếu mà người dân lựa chọn để luồn lách qua những mê cung đường phố và cầu thang bộ (của các tòa nhà) ở Trùng Khánh.
Một bộ phận cộng đồng mạng gọi Trùng Khánh, thành phố có núi ở tứ phía, là "đô thị 8 chiều".
Chẳng hạn, ở quận Du Trung thuộc Trùng Khánh, người ta thấy một tòa nhà 24 tầng không có thang máy. Nhưng điều khiến nhiều người cảm thấy sửng sốt hơn là ba lối ra của tòa nhà dẫn tới ba đường khác nhau.
Một đường sắt "xuyên" qua tòa nhà ở Trùng Khánh. Ảnh: News.com.au
Trí tuệ nhân tạo bất lực
Các ứng dụng giao món sử dụng trí tuệ nhân tạo để kết nối đơn hàng với tài xế và gợi ý lộ trình cho tài xế. Hệ thống phải tính toán thời gian giao hàng của hàng nghìn đơn để dự đoán thời gian tài xế gặp người nhận.
"Ở Trùng Khánh, các lỗi địa điểm theo chiều dọc và ngang tương đối lớn. Vệ tinh nhân tạo không thể cung cấp vị trí chính xác do tín hiệu chịu ảnh hưởng tiêu cực từ địa hình núi", Trần Vũ, giáo sư ngành khảo sát địa hình và thông tin địa chất của Đại học Bách Khoa Hong Kong, nhận xét.
Giáo sư Trần Vũ nói thêm rằng, thuật toán lập bản đồ có thể dựng lộ trình ba chiều, nhưng nó sẽ trở nên vô dụng nếu địa điểm ban đầu không chính xác.
Thuật toán dựng bản đồ dựa trên địa hình đóng vai trò quan trọng để tăng hiệu quả hoạt động và giảm chi phí giao món ăn ở những thị trường lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải.
"Bắc Kinh có địa hình tương đối phẳng nên các app phát huy hiệu quả tối đa trong việc tính toán lộ trình ngắn nhất để giao món", Trần Vũ giải thích.
Đối với các tài xế giao món, việc giao món chậm có thể khiến họ đối mặt với lời phàn nàn của khách hàng và tình trạng "găm" thù lao của công ty.
Wang Zhulong, một nhân viên giao hàng 24 tuổi của Ele.me, tiết lộ anh có thể kiếm 7.000 tệ (974 USD) tới 8.000 tệ (1.117 USD) mỗi tháng. Mức lương ấy cao hơn so với lương trung bình của công nhân lắp ráp điện thoại.
"Chúng tôi phải chạy đua với thời gian mỗi ngày. Đôi khi bạn nên chạy nếu thấy hạn chót chỉ còn 3 phút. Nhưng tôi đã quen với việc đó", Han Songdan, một tài xế giao món ăn cho Meituan, nói.