|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tai họa khó lường tài xế giao món có thể gặp do kiểu làm bát nháo của người kinh doanh ẩm thực

14:35 | 30/07/2019
Chia sẻ
Món ăn tồi, cơ sở kinh doanh nghỉ nhưng không tắt app, giá món trên app thấp hơn giá thực tế là những rủi ro mà tài xế công nghệ có thể gặp khi giao món ăn, đồ uống.

Chất lượng sản phẩm thấp

Ngày 19/7, Trương Mạnh, một tài xế công nghệ, nhận một đơn hàng giao suất cơm cho khách ở Hà Nội. Cậu thực hiện đúng mọi quy trình và giao cho khách đúng hẹn. 

Sau đó, Mạnh thấy khách chấm điểm "1 sao" (trong thang điểm 5 sao) kèm theo lời giải thích: "Cơm sống, rau bẩn, thịt không ngon".

"Quán làm ăn bát nháo, nhưng em có lỗi gì đâu các bác?", Mạnh than thở trên một diễn đàn của tài xế Go-Viet.

tai xe giao mon

Một nữ tài xế Go-Viet giao món ăn ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Vietnamnet

Bùi Quang Chiến, một tài xế khác ở Hà Nội, cũng từng "dính" điểm 1 vì sơ suất của người bán. Mấy hôm trước, Chiến nhận đơn hàng trà sữa của một phụ nữ. Khi nhận trà, người phụ nữ phát hiện trà thiếu hạt trân châu nên hỏi: "Chúng mày làm ăn kiểu gì vậy?".

Bản thân Chiến rất hiếm khi uống trà sữa nên anh không thể biết rằng trà sữa không thể thiếu trân châu. Vì thế, anh đề nghị hoàn tiền cho người phụ nữ, nhưng chị không đồng ý.

"Sau đó chị ấy chấm điểm 1 sao với tôi", Chiến kể.

Người bán tự đặt tài xế giao món cho khách

Đặng Vỹ An, một tài xế Go-Viet ở Hà Nội, nói rằng nhiều cơ sở kinh doanh ẩm thực dùng chiêu trò tự đặt trên app để tài xế giao món cho khách.

"Khi đặt, họ ghi địa chỉ là đầu ngõ. Nhưng khi tôi đến nơi, họ lại yêu cầu tôi đi vào các ngách, hẻm. Hành vi của họ có thể gây nguy hiểm cho tài xế vào ban đêm", An nói.

Cù Đức Nghĩa, một tài xế Grab, cũng kể anh từng gặp trường hợp khách đặt tài xế giao món ăn ở ngay đầu ngõ hoặc mặt phố, nhưng khi tới nơi khách lại yêu cầu đi sâu vào hẻm, ngõ.

"Lúc giao món, người nhận nói quán gọi tài xế giao hàng, chứ không phải họ", Nghĩa nói.

Ngoài ra, hiện tượng cơ sở kinh doanh ẩm thực nghỉ nhưng không tắt app cũng khiến tài xế khốn đốn. Nếu người mua đặt tài xế giao món, tài xế sẽ không thể liên lạc với cơ sở kinh doanh.

"Nếu tài xế nhờ khách hủy đơn vì không thể liên lạc với cơ sở kinh doanh, khách lại nghĩ tài xế lười", An nói.

a6

Một tài xế Go-Viet ở Hà Nội. Ảnh: Nhạc Dương

Món ảo và giá chênh

Nhận đơn hàng của một công ty, Lại Trung Kiên, một tài xế ở Hà Nội, phóng xe tới một quán ăn ở đường Trương Định để mua phở sốt vang. Nhưng khi tới nơi, chủ quán nói họ không bán phở sốt vang nên anh phải báo lại với khách.

"Vừa mất công di chuyển, vừa mất công báo lại với người đặt đơn. Tôi không hiểu tại sao quán không bán món đó mà lại cho vào danh sách món, làm khổ tài xế", Kiên bình luận.

Chưa hết, Kiên còn gặp trường hợp bất ngờ nữa ở một quán khác trên đường Trương Định, Hà Nội. 

"Giá một suất bún ngan của quán ấy trên app là 25.000 đồng, song giá thực tế tại quán là 30.000 đồng. Nhiều khách nghi tôi tăng giá để hưởng chênh lệch", Kiên thổ lộ.

Lỗi app khiến 2 tài xế nhận cùng một đơn

Hôm 11/7, Hoàng Văn Tài, một tài xế công nghệ ở khu vực quận Hoàng Mai ở thủ đô, nhận một đơn hàng vịt nướng. Nhưng khi tới địa chỉ của khách, cậu sửng sốt khi khách từ chối nhận món với lí do một tài xế khác vừa giao vịt nướng trước đó vài phút.

"Tôi thấy khách thực sự đang cầm một con vịt nướng. Nghĩ app lỗi, tôi gọi tổng đài. Nhân viên tổng đài kiểm ra khá lâu rồi trả lời: Bên em sẽ hỗ trợ. Anh vui lòng giữ hàng đến trước 5h chiều mai để mang lên văn phòng, bên em sẽ hoàn phí", Tài kể.

Vài phút sau, Tài ấn hủy đơn giao hàng để nhận cuốc mới. Ngay lập tức, nữ nhân viên gọi lại và nói rằng do cậu vừa thao tác sai nên công ty không thể hỗ trợ nữa. 

"Lúc nãy em nói anh vui lòng đợi 2 phút, không ấn hoàn thành đơn hàng để bên em hủy. Nhưng vì anh hủy rồi nên bên em không thể hỗ trợ nữa", nữ nhân viên giải thích.

Tài đáp lại rằng nữ nhân viên không hề dặn cậu phải chờ 2 phút mới ấn hoàn thành hoặc hủy đơn hàng.

"Dạ, do anh thực hiện sai thao tác nên công ty không thể hỗ trợ. Em rất tiếc về trường hợp của anh", cô gái nói.

Luân Thường